Chuyển đổi số thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Đó là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng đây cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với ai không quan tâm đến nó.

Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Văn Nam.

Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Văn Nam.

Đó là trao đổi của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020: Khởi nghiệp trong thời đại số, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức chiều 16/10, tại Hà Nội.

72% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm cách chuyển đổi số

Theo khảo sát của Cisco, tại Việt Nam hiện nay, có tới 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng đáng kể so với mức 32% của năm 2019. Trong đó, 72% DN cũng nhận ra sự cạnh tranh đang thay đổi và họ phải bắt kịp tốc độ, 46% DN cho biết họ thực hiện chuyển đổi do yêu cầu từ phía khách hàng.

Tại diễn đàn, ông Adrian Gunadi - nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Investree, ASEAN BAC Indonesia cho biết, ở Indonesia, đa số các DNNVV đang cố gắng thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, qua quan sát, nhiều DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, các DN cũng đang rất cần được hỗ trợ. Do thói quen ngại thay đổi nên DNNVV không thể tiếp cận ngay với chuyển đổi số.

"Tiếp xúc với DNNVV, tôi thấy một thực tế cần quan tâm là nhiều DN hiện nay vẫn còn sử dụng hoạt động thủ công khi vận hành DN. Thay vào đó, họ cần lộ trình chuyển đổi số phù hợp để từ đó có thể tiếp cận nhiều hơn với quá trình này" - ông Adrian Gunadi nói.

Chia sẻ kinh nghiệm quá trình chuyển đổi số của DN, ông Ngô Diên Hy - Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho biết, trước đây, trong mắt khách hàng VNPT chỉ là một DN cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng nhờ chuyển đổi số mà giờ đây nhiều khách hàng đã đến với DN với chức năng cung cấp dịch vụ số.

Theo ông Hy, thời kỳ dịch bệnh cũng là lúc các DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp có cơ hội phát triển hơn nữa các ý tưởng liên quan đến chuyển đổi số. Những DN có thể nắm bắt thời cơ thì có thể nhanh chóng vươn lên để chiến thắng trong quá trình chuyển đổi số.

Về bài học cho các DNNVV trong việc nắm bắt các cơ hội do chuyển đổi số mang lại, ông Hy cho rằng, DNNVV cần hợp tác với các DN lớn bởi các DN lớn thường có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số.

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự diễn đàn. Ảnh: Văn Nam.

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự diễn đàn. Ảnh: Văn Nam.

Ông Hy cho biết, tập đoàn VNPT và VCCI đã ký kết thỏa thuận hợp tác từ năm 2019 nhằm hỗ trợ các DN trong nước chuyển đổi số, góp phần thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Kinh doanh minh bạch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Tại diễn đàn, bà Diana Torres - Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và tham gia UNDP Việt Nam cho hay, việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch sẽ là nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. Trong môi trường kinh doanh, yếu tố minh bạch sẽ là vấn đề vô cùng quan trọng giúp hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng quan điểm, theo ông Trương Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng 13 bậc so với 2019, nay đã xếp hạng 59 trên thế giới, đây là tin khá tích cực. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã nằm top 3 ASEAN về khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, rất nhiều DN khởi nghiệp hiện nay xuất hiện, nhưng cũng có những DN già và lừa đảo, nhiều nạn nhân của các DN lừa đảo như vậy. Để tránh các trường hợp lừa đảo, chúng ta có 2 lựa chọn đó là mặc kệ hoặc lên tiếng.

Với lựa chọn lên tiếng, chúng ta phải cho mọi người biết làm thế nào để tìm ra được DN khởi nghiệp phù hợp, liêm chính và các thông tin công cụ để lựa chọn DN khởi nghiệp nào để khởi nghiệp phù hợp liêm chính. Nếu một DN không áp dụng quy tắc về liêm chính thì không xứng để đầu tư.

“Hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức các khóa đào tạo về liêm chính, các chuyên gia về liêm chính, các giảng viên nguồn tham gia đào tạo, giảng dạy về liêm chính cho DN khởi nghiệp, các chủ DNNVV. Chúng tôi sẽ ngày càng đào tạo nhiều hơn về liêm chính cho DN khởi nghiệp để giúp DN hiểu rằng minh bạch và liêm chính là bệ đỡ vững chắc cho DN trong kinh doanh” - ông Hùng cho biết./.

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-10-17/chuyen-doi-so-thuc-day-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-93607.aspx