Chuyển đổi số thúc đẩy thay đổi kinh tế như thế nào?
Chúng ta đang sống trong thời đại của những đổi mới công nghệ thú vị. Công nghệ kỹ thuật số thúc đẩy sự thay đổi mang tính cách mạng, kể cả các mô hình kinh tế.
Các công nghệ mới đang định hình lại thị trường sản phẩm, đồng thời thay đổi sâu sắc việc làm và hoạt động kinh doanh. Những tiến bộ mới nhất trong trí tuệ nhân tạo và công nghệ liên quan đang mở rộng biên giới của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tăng tốc sau đại dịch Coivd-19. Tương lai đang đến nhanh hơn dự kiến.
Chuyển đổi số: Hứa hẹn và cạm bẫy
Không thể phủ nhận một điều các công nghệ mới có nhiều hứa hẹn. Chúng tạo ra những con đường mới và cơ hội cho một tương lai thịnh vượng hơn. Song chúng cũng đặt ra những thách thức mới. Dù sở hữu sức mạnh to lớn, cho đến nay, công nghệ số vẫn chưa đáp ứng tối đa kỳ vọng trong tăng trưởng năng suất.
Đồng thời, bất bình đẳng về thu nhập và sự chênh lệch liên quan đã gia tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến, gây ra sự bất bình trong xã hội và rối loạn chính trị. Trên khắp các nền kinh tế, có sự tham gia không đồng đều vào những cơ hội mới do chuyển đổi số tạo ra. Nhiều người bị bỏ lại phía sau, trong các ngành và doanh nghiệp, lực lượng lao động và các phân khúc khác nhau của xã hội.
Các công ty trong lĩnh vực công nghệ đã bứt phá khỏi phần còn lại, giành được vị thế thống trị tại các thị trường ngày càng tập trung và chiếm được phần lớn lợi nhuận từ công nghệ mới. Trong khi đó, nhiều công ty khác lại đình trệ. Việc tăng cường tự động hóa các công việc cần kỹ năng thấp đến trung bình đã làm tăng nhu cầu lao động sang kỹ năng cấp cao hơn, gây ảnh hưởng đến tiền lương và công việc ở cấp thấp hơn.
Một lý do quan trọng cho những kết quả này là các chính sách và thể chế điều chỉnh không kịp để phù hợp với những chuyển đổi. Các chính sách cần thông minh hơn, phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi để nắm bắt đầy đủ lợi ích tiềm năng về năng suất và tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng.
Khi công nghệ định hình lại thị trường và thay đổi động lực tăng trưởng và phân phối, các chính sách phải đảm bảo rằng thị trường vẫn bao trùm và hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động khả năng tiếp cận rộng rãi với cơ hội mới. Nền kinh tế kỹ thuật số phải được mở rộng để phổ biến công nghệ và cơ hội mới cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và các phân khúc lực lượng lao động lớn hơn.
Các công ty, người lao động và nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiều câu hỏi. Trong khi công nghệ kỹ thuật số mang lại năng suất lớn, chúng tạo ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp khi quy trình sản xuất, nguồn lợi thế cạnh tranh và cấu trúc thị trường thay đổi. Liệu sự tập trung công nghiệp gia tăng, thể hiện qua sự thống trị thị trường của các gã khổng lồ công nghệ, có thể tránh khỏi những công nghệ này hay lợi ích của chúng có thể được chia sẻ rộng rãi hơn giữa các công ty để nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn không?
Về sự thay đổi nhanh chóng của thị trường tài chính, làm thế nào để nắm bắt được hứa hẹn về những đổi mới kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính? Người lao động có nên lo sợ tự động hóa khi bản chất công việc và nhu cầu kỹ năng thay đổi, nhiều công việc và nhiệm vụ cũ biến mất? Họ nên thích ứng như thế nào? Sự thay đổi do công nghệ thúc đẩy trong kinh doanh và công việc khiến chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng theo những cách nào? Chính sách công nên phản ứng ra sao?
Cải tiến các chính sách cho kỷ nguyên kỹ thuật số
Cần có những tư duy và sự thích ứng mới để thiết kế lại các chính sách và thể chế với nền kinh tế kỹ thuật số. Các lĩnh vực cần chú ý bao gồm chính sách cạnh tranh và chế độ quản lý, hệ sinh thái đổi mới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phát triển lực lượng lao động, bảo trợ xã hội và chính sách thuế.
Chính sách cạnh tranh nên được đổi mới cho thời đại kỹ thuật số. Luật chống độc quyền và việc thực thi phải được tăng cường. Nền kinh tế kỹ thuật số đặt ra những thách thức pháp lý mới cần giải quyết, bao gồm các vấn đề xung quanh quy định về dữ liệu (huyết mạch của nền kinh tế kỹ thuật số), vấn đề cạnh tranh liên quan đến các nền tảng kỹ thuật số nổi lên như những người gác cổng trong thế giới số và sự tập trung thị trường do các gã khổng lồ công nghệ gây ra.
Cũng như trong thị trường sản phẩm, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo rằng thị trường tài chính vẫn đủ cạnh tranh và giải quyết những thách thức về quy định liên quan đến thế giới mới của các sản phẩm, nền tảng và thuật toán tài chính kỹ thuật số. Khuôn khổ mới cũng cần cho hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như quản lý luồng dữ liệu xuyên biên giới và đánh thuế doanh nghiệp kỹ thuật số xuyên biên giới.
Nền tảng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phải được tăng cường để mở rộng khả năng tiếp cận cơ hội mới. Điều này kêu gọi tăng cường đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn nhằm cải thiện khả năng tiếp cận kỹ thuật số cho các nhóm và khu vực chưa được phục vụ. Khoảng cách kỹ thuật số vẫn đặc biệt lớn ở các nền kinh tế đang phát triển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh hơn và xóa mù chữ sẽ rất quan trọng đối với các nền kinh tế này.
Đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo cần được thúc đẩy và định hướng lại để nhấn mạnh kỹ năng bổ sung cho các công nghệ mới.
Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia rộng rãi hơn vào nền kinh tế đổi mới, mở rộng sự phổ biến của công nghệ mới và xây dựng lực lượng lao động có thể mang lại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bao trùm hơn. Cải cách trong những lĩnh vực này có khả năng làm giảm bất bình đẳng và mất an toàn kinh tế hiệu quả hơn việc phân phối lại tài khóa đơn thuần.
Du Lam (Tổng hợp)