Chuyển đổi số toàn diện ngành thuế để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Ngành Thuế Lâm Đồng đang tiếp tục chú trọng triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư trong việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, để tăng cường các dịch vụ cho người nộp thuế là cá nhân.

Qua đó, Cục Thuế Lâm Đồng không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng với Chương trình Hóa đơn may mắn.

Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng với Chương trình Hóa đơn may mắn.

Các dịch vụ trên môi trường điện tử

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 ngày 6/1/2023 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình kế hoạch hành động để triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã xác thực của cơ quan thuế...

Bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, năm 2023, Cục Thuế Lâm Đồng cũng tập trung chuyển đổi số toàn diện trong quản lý, duy trì và đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, HĐĐT. Theo đó, Cục Thuế chủ động khai thác tối đa tiện ích của hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối từ Văn phòng Cục đến các Chi cục Thuế và Bộ phận Một cửa để chỉ đạo, tập huấn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn của các đơn vị.

Đồng thời, khuyến khích các phòng chức năng, các Chi cục Thuế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý qua hệ thống này. Cục Thuế cũng tăng cường ứng dụng CNTT để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp người nộp thuế (NNT) giảm chi phí, thời gian đi lại khi có giao dịch cơ quan thuế.

Nhằm đẩy mạnh các phương thức quản lý mới, Cục Thuế cũng tăng cường khai thác dữ liệu HĐĐT, hệ thống báo cáo đánh giá rủi ro về HĐĐT, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Tiếp nối thành công của dịch vụ HĐĐT, năm 2023, Cục Thuế tiếp tục triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến giao dịch với người tiêu dùng, gồm kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng hóa... kê khai thuế điện tử đối với hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai; nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile.

Theo đó, đối với doanh nghiệp, hệ thống khai thuế điện tử tiếp tục được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc với 99,8% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử.

Về nộp thuế điện tử, ngành Thuế phối hợp với 57 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và các Chi cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ.

Cùng với đó, ngành Thuế cũng đã triển khai hệ thống dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thể khai thuế, nộp thuế từ bất kỳ nơi nào trên thế giới; hệ thống tiếp nhận dữ liệu từ sàn thương mại điện tử, đặc biệt, tập trung ứng dụng phục vụ người dân là hệ thống thuế điện tử cho thiết bị di động eTax - Mobile, trong đó đã tích hợp với CSDL quốc gia dân cư, cũng như xác thực định danh điện tử VnEID.

Sử dụng mã số định danh để khai, nộp thuế

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Thuế cũng đã triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư để hướng tới sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Chuẩn bị cho việc chuyển đổi sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã chủ động làm việc với Bộ Công an để trao đổi thông tin giữa CSDL thuế với CSDL quốc gia dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các mã số thuế.

Lợi ích việc triển khai sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế đối với người nộp thuế, nếu trước đây mỗi người được cấp một số chứng minh thư hoặc căn cước công dân rồi lại được cấp thêm mã số thuế, mã số sổ BHXH, số thẻ BHYT..., thì về phía công dân phải ghi nhớ rất nhiều loại thông tin và kê khai các thông tin này cho các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Về phía cơ quan nhà nước thì quản lý độc lập và không có sự liên kết, trao đổi thông tin giữa các ngành, lĩnh vực.

Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế nói riêng để giải quyết TTHC với cơ quan thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết TTHC với các cơ quan nhà nước khác thì người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình; các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi thông tin về quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân để tăng cường hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

Xác định ứng dụng công nghệ sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, thời gian tới, Cục Thuế Lâm Đồng vẫn tiếp tục hiện đại hóa nhiều nội dung quản lý gắn với nhiệm vụ công tác thuế.

Ngoài việc đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, thông suốt, và an toàn, Cục Thuế cũng tăng cường đào tạo công chức thuế, NNT trong việc sử dụng các công cụ quản lý, dịch vụ thuế điện tử, hóa đơn điện tử, phục vụ hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn.

Theo Diễm Thương (Báo Lâm Đồng)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nganh-thue-chuyen-doi-so-toan-dien-de-phuc-vu-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-2192133.html