Chuyển đổi số trong báo chí không chỉ có bức tranh màu hồng
Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của báo chí trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên thực tế tại các cơ quan báo chí cho thấy quá trình này không phải một bức tranh màu hồng và các tòa soạn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số tại nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí. Hai năm qua, ngành báo chí đã có sự thay đổi vượt bậc để thích ứng với bối cảnh mới để không bị bỏ lại phía sau trong “cuộc chiến thông tin” với các nền tảng truyền thông xã hội khác.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn trong công cuộc đổi mới của mỗi tòa soạn. Tại Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 11/6, các chuyên gia cho biết, hiện một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây , IOT, dữ liệu lớn…
Những công nghệ số này đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng như cá nhân hóa nội dung, đa dạng người sử dụng; phát triển đa nền tảng, đa loại hình, đa phương tiện; hội tụ cả về cơ cấu tòa soạn và phương thức làm việc và sản phẩm báo chí. Sự cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới, mà cụ thể là các nền tảng xã hội là một trong những thách thức buộc quá trình chuyển đổi số trong báo chí này được đẩy nhanh hơn.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của các tòa soạn trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số chính là nguồn lực tài chính. Vì những phương thức truyền thông cũ đã khó có thể cạnh tranh để thu hút sự quan tâm của người đọc, khiến doanh thu quảng cáo bị sụt giảm, còn chi phí đầu tư và duy trì các biện pháp chuyển đổi số lại rất lớn. Khiến việc vừa đầu tư nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi số vừa duy trì đầu tư nội dung thu hút độc giả trở thành gánh nặng cho các tòa soạn.
Kinh nghiệm này được nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now (Đài Truyền hình VTC), chia sẻ tại hội thảo khi nhắc về câu chuyện tưởng chừng như là “kỳ tích” chuyển đổi số của VTC vào năm 2018. Đó là khi VTC được độc quyền tường thuật Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 2018) trên đầy đủ các nền tảng phát sóng của đài.
Những tưởng đây sẽ là khởi đầu tốt khi chỉ trong thời gian ngắn, có tới gần 2 triệu người dùng cài đặt ứng dụng, đưa đài truyền hình VTC vươn lên đứng đầu trên các bảng xếp hạng ứng dụng báo chí trên Google Play và App Store trong vòng 2 tuần liên tiếp.
Tuy nhiên, VTC nhanh chóng bị khoản chi phí vận hành khổng lồ đẩy vào bài toán khó: Nội dung càng tốt, người xem càng đông thì chi phí càng cao, trong khi khả năng tạo nguồn thu bù đắp vẫn còn vô cùng hạn hẹp.
Lấy con người làm trung tâm cho chuyển đổi số
Trước thách thức trên, mỗi tòa soạn sẽ tìm cho mình những cách khác nhau để thực hiện quá trình chuyển đổi số và giải quyết các khó khăn. Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, việc áp dụng các ứng dụng AI, Big Data, IoT sẽ tạo ra các sản phẩm mới, cách tiếp cận thông tin hiện đại như ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác. Từ đó đi sâu hơn vào việc tìm hiểu và cá nhân hóa người đọc, lấy độc giả làm trung tâm, cung cấp các bài báo tích hợp nhằm tăng cường trải nghiệm cho độc giả.
Tiếp theo là việc ứng dụng đa nền tảng, tận dụng lượng người đọc khổng lồ trên các nền tảng xã hội như Facebook, Youtube, Tik Tok… nhằm tiếp cận gần hơn với độc giả và quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm báo chí của tòa soạn.
Ngoài ra, việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa (automation) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình sản xuất sản phẩm báo chí cũng là vấn đề được quan tâm và đẩy mạnh nhằm tăng cường khả năng khai thác và tốc độ khai thác thông tin của các tòa soạn.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, vấn đề cần được quan tâm trong quá trình chuyển đổi số hiện nay là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, các văn bản pháp luật có liên quan để đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy chuyển đổi số báo chí.
Các chuyên gia cũng đề cập đến các giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nền tảng công nghệ số trong nước, phân phối nội dung báo chí thông qua các nền tảng này; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp phân phối quảng cáo trên báo chí Việt Nam.
Qua đó hướng tới tăng sức cạnh tranh với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; phát triển các mô hình liên kết giữa báo chí với các công ty công nghệ số, nhà mạng viễn thông, các doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng phân phối nội dung xuyên biên giới để đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí.