Chuyển đổi số trong báo chí: Không chỉ là câu chuyện của công nghệ
Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã đầu tư thiết bị công nghệ, nâng cấp hệ thống CMS để làm báo online một cách nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. Nhưng chuyển đổi số trong báo chí không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy.
Hệ sinh thái báo chí ngày càng được bồi đắp thêm
Chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ và nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ ngân hàng, tài chính, logistic, báo chí.
Chuyển đổi số trong báo chí được cho rằng đó là việc xây dựng một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ. Một trong những kết quả của chuyển đổi số báo chí là sự xuất hiện phổ biến các mô hình hoạt động mới như: “Tòa soạn hội tụ”, “Báo chí đa phương tiện”, “Báo chí đa nền tảng”, “Báo chí mạng xã hội”...
Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh, truyền hình cũng dịch chuyển lên nền tảng internet. Cùng với đó, công nghệ kỹ thuật hiện đại cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn: Megastory, infographics, long form, media, lens, podcast, video... Chuyển đổi số báo chí cũng giúp lãnh đạo cơ quan báo chí thay đổi phương thức quản trị nội bộ tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng... dựa trên phần mềm kỹ thuật số.
Theo dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và xây dựng, thì đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí...
Cũng tới thời điểm trên, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.
PGS.TS Trương Thị Kiên - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, thực chất của báo chí chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Nhân lực ngày càng được trẻ hóa
Một lãnh đạo ban tại một tờ báo có thương hiệu lớn trong câu chuyện tuyển phóng viên mới đã nói rằng: Người mà chị muốn tuyển về phải sinh năm 1990 trở lên, bởi lớp trẻ có tư duy làm báo rất nhanh, chỉ cần rèn luyện về tính chính trị. Đương nhiên vị trưởng ban này cũng chia sẻ, ban cũng không thể thiếu những cây bút tuổi trung niên vì họ có góc nhìn sâu sắc hơn. Một tòa soạn với đa dạng phong cách làm báo sẽ khiến cho các nội dung trong cuộc sống được chuyển tải đa nghĩa hơn, đầy đủ hơn.
Thực tế, quá trình chuyển đổi số của báo chí cũng đang gắn với quá trình chuyển đổi nhân sự, nhân sự ngày càng được trẻ hóa, với khả năng sử dụng công nghệ thông tin vượt trội.
Theo PGS.TS Trương Thị Kiên, một đặc thù của chuyển đổi số là sự sáng tạo trên nền tảng công nghệ. Do vậy, đội ngũ cán bộ báo chí phải am tường công nghệ, kỹ thuật và thực sự giàu sáng tạo.
Chuyển đổi số thách thức nhà báo phải làm được nhiều điều khác biệt. Công nghệ chỉ là đòn bẩy, còn làm thế nào để tạo được dấu ấn, để mỗi tờ báo mang bản sắc riêng, không bị hòa lẫn trong "dàn đồng ca" thông tin xuôi chiều mới là bản chất.
Do đó, để tác nghiệp được báo chí chuyển đổi số, nhà báo phải “chuyển đổi số toàn diện”, nghĩa là đạt được nhiều phẩm chất, kỹ năng: Kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng hợp tác liên ngành; kỹ năng khai thác, xử lý tài nguyên dữ liệu số; kỹ năng bảo mật thông tin số; kỹ năng làm việc với AI, ChatGPT; có văn hóa và đạo đức phù hợp với tác nghiệp trong môi trường số.
Những phẩm chất, kỹ năng này tự học, tự lần mò là rất khó, nhất là khi thu nhập của các nhà báo cũng rất hạn hẹp, nên khó khai phóng mọi tiềm năng và tâm huyết của họ, do đó, đòi hỏi Nhà nước, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải có trách nhiệm hỗ trợ.
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí. Tuy vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí chuyển đổi số của Nhà nước là giải pháp cấp bách. Tương lai báo chí chuyển đổi số còn dài, sẽ tiến triển qua nhiều chu kỳ, chắc chắn trở thành xu thế tất yếu ở tất cả cơ quan báo chí, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một nguồn lực cho báo chí chuyển đổi số toàn diện, thực chất, bài bản.
Công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ trong đào tạo báo chí đang buộc các cơ sở đào tạo phải tư duy lại toàn bộ phương thức hoạt động của mình cũng như những sản phẩm đào tạo cung cấp cho thị trường, cho xã hội nói chung. Để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới trong bối cảnh số, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông sẽ phải chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện. Các chương trình đào tạo báo chí cần cân bằng giữa khối kiến thức nền tảng, lý thuyết và kỹ năng thực hành.
Trước khi thực hành nghề, các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp phải được đào tạo căn bản, dần dần đào tạo nâng cao, bổ sung và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Nếu chương trình đào tạo hàn lâm, người học sẽ thiếu kiến thức thực tế và tốn thêm thời gian tích hợp kỹ năng sau khi ra trường. Nếu chương trình học chỉ đào tạo kỹ năng, người học sẽ thiếu kiến thức nền tảng, kiến thức xã hội và đặc biệt là các phương pháp luận, phương pháp phân tích và giải quyết vấn đề dẫn đến có thể viết những bài sáo rỗng, không có chiều sâu và góc nhìn riêng. Chính vì vậy, nhiều cơ sở đào tạo báo chí còn tích cực thực hành mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn sinh động.
Thúc đẩy tương tác với xã hội nhanh hơn
Nói về câu chuyện giá vàng, từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, số lượng cũng như tần suất các báo viết về thị trường vàng nhiều, dày đặc. Nhiều người dân từ không quan tâm đến vàng cũng phải đọc các thông tin về giá vàng, chính sách tiền tệ.
Trong khi đó những người đang có vàng cũng tìm hiểu định hướng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới ra sao thông qua kênh báo chí. Các chuyên gia cũng như người trong cuộc là nhà điều hành cũng thẳng thắn nêu quan điểm thị trường vàng thông qua các ấn phẩm báo chí.
Để có những sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng, cần không ngừng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài; đồng thời, phân phối thông tin hiệu quả và tiếp cận trực tiếp với độc giả.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí số thúc đẩy tương tác xã hội mạnh mẽ, tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách…
Báo chí số tạo siêu dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, kết nối và huy động công chúng cùng giải quyết các vấn đề xã hội ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế… Cùng với đó, chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng…
TS Trần Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển kinh tế số, xã hội số, mở ra nhiều cơ hội và không gian đổi mới cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Chuyển đổi số đang tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, tạo một nền tảng quan trọng để phát triển các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ tiên tiến, và trải nghiệm khách hàng.
Trong thời đại công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là một chiến lược cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường năng suất và tạo ra giá trị gia tăng. Thông qua việc kết hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), blockchain và IoT (Internet of Things). Các quốc gia, các cơ quan và doanh nghiệp đang chủ động tích cực thích ứng và tận dụng tối đa những cơ hội chuyển đổi số đưa lại, để định hình tương lai. Trong đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nguồn nhân lực tương lai cho nền kinh tế số và xã hội số. Giáo dục vừa là phương tiện truyền đạt kiến thức vừa là nền tảng để phát triển kỹ năng số, tư duy sáng tạo, và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Nói về vấn đề đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Cần quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, bảo đảm tối ưu hóa hoạt động sản xuất và phân phối nội dung, hình thành giá trị, mô hình kinh doanh mới. Các cơ sở đào tạo báo chí, xuất bản cần cải tiến nội dung chương trình đào tạo, đưa nội dung đào tạo chuyển đổi số báo chí thành một nội dung bắt buộc, liên tục cập nhật kiến thức mới, liên thông với các chuyên gia công nghệ để bảo đảm nhân lực báo chí có chất lượng phục vụ sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, cách thức làm báo trên không gian số.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 3 thách thức với chuyển đổi số tại Việt Nam
Theo tôi, có 3 thách thức với chuyển đổi số tại Việt Nam là: Thiếu nguồn lực và kiến thức về công nghệ; sự cạnh tranh từ các kênh truyền thông lớn của các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia như Facebook, Google...; vấn nạn “tin giả” và độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng.
Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận: Gốc rễ vẫn là bài toán kinh tế báo chí
Để quá trình chuyển đổi số trở nên trơn tru hơn, sâu hơn, nhanh hơn, các cơ quan báo chí vẫn cần nhiều hơn những bệ đỡ chính sách.
Theo tôi vấn đề cốt lõi, gốc rễ vẫn là bài toán kinh tế báo chí. Báo chí đang trong giai đoạn rất khó khăn khi quảng cáo truyền thống di chuyển sang nền tảng trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, TikTok, người đọc đổ xô sang tìm kiếm thông tin từ mạng xã hội… Trong bối cảnh ấy, đầu tư chuyển đổi số là câu chuyện không dễ dàng, nhất là với những đơn vị tự chủ 100% tài chính.