Chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0

Cách mạng công nghiệp được hiểu là sự thay đổi cơ bản về công nghệ công nghiệp trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi toàn cảnh bức tranh xã hội theo hướng phát triển tích cực. Nếu tính từ khi phát minh ra động cơ hơi nước cho đến nay, nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp là đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được kế thừa từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và được khởi xướng từ những năm 2012 với 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, sinh học và vật lý.

Lễ ký cam kết giữa 3 doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số với 4 doanh nghiệp của tỉnh đăng ký sử dụng nền tảng chuyển đổi số. Ảnh: Ngọc Huyền

Lễ ký cam kết giữa 3 doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số với 4 doanh nghiệp của tỉnh đăng ký sử dụng nền tảng chuyển đổi số. Ảnh: Ngọc Huyền

Cuộc cách mạng này mang những nét nổi bật như: Chuyển hóa thông tin từ thế giới thực thành thế giới ảo vật lý với dung lượng thông tin rất lớn, tốc độ cao và đa dạng tới mọi mặt của đời sống xã hội với thuật ngữ chuyên môn là “Dữ liệu lớn - Big data”. Thông tin thế giới ảo vật lý này kết nối với nhau và được quản lý, khai thác sử dụng bằng những hệ thống công nghệ số liên kết để làm mờ ranh giới: không gian địa lý trên phạm vi toàn cầu và thời gian có thể xem như hiện tại; các lĩnh vực khoa học mà đặc biệt là vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Nhân loại luôn có được cái nhìn từ tổng quát toàn diện đến chi tiết thế giới hiện tại. Công nghệ được kỳ vọng để giải quyết vấn đề này là “Internet vạn vật - Internet of things”.

Công nghệ có tính tự động hóa ở mức cao hơn nhiều so với tính tự động hóa ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Tính tự động hóa ở cuộc cách mạng lần thứ 4 được xem là tự động hóa bằng những chương trình máy tính theo mô hình trí tuệ của con người. Công nghệ được cài đặt chương trình tự động hóa theo mô hình trí tuệ con người có thể tương tác với con người, thực hiện các hành vi thông minh như con người; có thể thay thế con người phân tích, tối ưu hóa, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề thay thế con người. Chương trình tự động hóa được xây dựng bằng những ngôn ngữ máy tính theo mô hình trí tuệ con người được hiểu là “Trí tuệ nhân tạo - Artificial intelligence”.

Công nghệ sinh học là nền tảng để tạo nên những bước lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, y học, dược liệu, năng lượng tái tạo. Vật lý hướng phát triển mạnh về nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị công nghệ.

Chuyển đổi số là quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa hóa ở một cấp độ cao hơn và có quy mô lớn, là quá trình thay đổi phương thức kiến tạo, quản lý, điều hành, sử dụng dữ liệu truyền thống sang sang một phương thức kiến tạo, quản lý, điều hành, sử dụng dữ liệu dựa trên những nền tảng kỹ thuật số mới như: dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… đối với mọi mặt trong đời sống xã hội với mục tiêu tạo nên một bước chuyển lớn về hiệu quả và tổng giá trị sản xuất cho xã hội theo hướng tích cực.

Như vậy về vị trí, chuyển đổi số là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số và đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, khái niệm chuyển đổi số đã trở nên phổ biến, lan tỏa trên toàn xã hội. Trong đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước là những tổ chức tiên phong xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Xác định được vị trí và tầm quan trọng của chuyển đổi số, năm 2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây vừa là cơ sở pháp lý, vừa là định hướng chỉ đạo thực hiện công cuộc chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện chương trình này, Bình Phước quyết tâm chuyển đổi từ “Chính quyền điện tử” sang “Chính quyền số” với mục tiêu tổng quát là hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số vào năm 2026. Trong đó, hoạt động của chính quyền diễn ra trên không gian mạng, trên môi trường số và dữ liệu số; giao tiếp giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp diễn ra trên không gian mạng; hoàn chỉnh những hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại.

Để cụ thể hóa những mục tiêu này, Bình Phước đã xây dựng Đề án địa phương thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC); xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tập trung; hoàn thành và kết nối hệ thống thông tin báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh với Văn phòng Chính phủ; 100% dịch vụ công đã được chuyển lên mức độ 4 và đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai dịch vụ mạng 5G nhằm hiện thực hóa chủ trương “Hạ tầng viễn thông phải đi trước một bước và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của nền kinh tế số” của tỉnh; tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến trên toàn tỉnh; chỉ đạo các ngành, địa phương, doanh nghiệp: xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số; phát triển và ứng dụng các phần mềm có tính tự động hóa cao …

Từ những tiền đề và chỉ đạo nêu trên, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã cùng các ngành, địa phương, doanh nghiệp đồng hành trong công cuộc chuyển đổi số. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành công khoa học và công nghệ chuyển đổi số vào thực tiễn sản xuất, như: Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển các phần mềm có tính chuyên sâu với khả năng tự động hóa cao; ứng dụng các phần mềm tự động hóa trên môi trường mạng để tổ chức sản xuất, kinh doanh; ứng dụng trang thiết bị hiện đại, tích hợp với khả năng tự động hóa và điều khiển từ xa …

Tóm lại, chuyển đổi số là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số và đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội; không những nâng cao hiệu suất công việc, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, gia tăng mạnh mẽ giá trị sản xuất, chất lượng dịch vụ công… mà quan trọng hơn là hoạch định được tầm nhìn chiến lược kinh doanh, xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số và nâng cao chất lượng dịch vụ công trong thời kỳ mới.

Tiến sĩ Trần Quốc Hoàn, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/123364/chuyen-doi-so-trong-cuoc-cach-mang-4-0