Chuyển đổi số trong du lịch: Tăng cường ứng dụng công nghệ phải đi đôi với yếu tố con người

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu dự tọa đàm 'Phát triển du lịch thời công nghệ số' do Báo Người lao động tổ chức ngày 27-6 tại thành phố Hồ Chí Minh

Bản đồ số du lịch tương tác 3D của ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh có thể trải nghiệm chi tiết điểm đến trước khi đi thăm. Ảnh chụp màn hình

Bản đồ số du lịch tương tác 3D của ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh có thể trải nghiệm chi tiết điểm đến trước khi đi thăm. Ảnh chụp màn hình

Theo các đại biểu, hiện ngành Du lịch trên cả nước đang có xu hướng phát triển tích cực, nhưng đi kèm đó là sự thay đổi của người tiêu dùng, họ đòi hỏi ứng dụng công nghệ nhiều hơn. Thống kê cho thấy có tới 2/3 số du khách sử dùng các phương tiện, giải pháp công nghệ trên nền tảng internet để tìm kiếm chuyến đi và đặt tour, phòng, dịch vụ...

Khi sử dụng dịch vụ trong các chuyến du lịch, phần lớn du khách cũng muốn tự khám phá thông qua quét mã QR để nhận thông tin; hoặc thích sử dụng các ứng dụng công nghệ nghe nhìn tự động khi tới các điểm đến….

Mã QR giúp du khách dễ dàng tìm hiểu địa danh, tên người tại trung tâm quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Huyền Nguyễn

Mã QR giúp du khách dễ dàng tìm hiểu địa danh, tên người tại trung tâm quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Huyền Nguyễn

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing, Công ty TSTtourist, nhận định: Công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch chủ động tiếp cận khách hàng, phân loại theo nhu cầu của họ để phục vụ tốt hơn. "Tương tác nhanh chính là sự tiện ích mà du khách dễ dàng cảm nhận khi có nhu cầu tư vấn, đặt tour/dịch vụ phục vụ cho chuyến du lịch của mình”, ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

Còn ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam (kinh doanh dịch vụ xe buýt 2 tầng dạo phố) chia sẻ, kinh nghiệm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để thu hút và phục vụ nhiều du khách hơn: Nội dung các tour và các sản phẩm du lịch khác được công ty giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng đến hơn 60 nước trên thế giới tại nhiều nền tảng khác nhau; tương tác để nắm bắt nhu cầu du khách.

Du khách trên xe buýt 2 tầng tham quan thành phố Hồ Chí Minh có thể chọn cho mình ngôn ngữ thuyết minh riêng để nghe lúc di chuyển. Ảnh: H.O

Du khách trên xe buýt 2 tầng tham quan thành phố Hồ Chí Minh có thể chọn cho mình ngôn ngữ thuyết minh riêng để nghe lúc di chuyển. Ảnh: H.O

“Khi tham gia tour, nhân viên dùng máy POS để thanh toán, in hóa đơn có mã QR để du khách quét, đọc thông tin, biết trước về các điểm đến của mình. Trên xe, du khách được phát tai nghe để nghe thuyết minh với nội dung được công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đọc bằng nhiều giọng đọc, nhiều ngôn ngữ khác nhau, tạo sự tiện lợi…”, ông Nguyễn Khoa Luân cho biết.

Tại tọa đàm cũng có những ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ vào du lịch, lữ hành, các doanh nghiệp trong ngành không nên quên nâng cao chất lượng phục vụ tại điểm đến, bởi đó mới là điều cốt lõi mỗi du khách mong muốn. Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc The Outbox Company, nhận định: Cầm nắm bắt nhu cầu du khách để biết mỗi doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ ở mức nào để phục vụ tốt hơn.

Nhiều đại biểu thống nhất nhận định, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định chất lượng dịch vụ du lịch, công nghệ chỉ hỗ trợ chứ không làm thay. Ảnh: SGT

Nhiều đại biểu thống nhất nhận định, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định chất lượng dịch vụ du lịch, công nghệ chỉ hỗ trợ chứ không làm thay. Ảnh: SGT

“Khách có thể dễ dàng đặt phòng khách sạn, nhưng nếu chất lượng dịch vụ ở đó không tốt, khách cũng sẽ không hài lòng. Theo tôi, sản phẩm mới là đích đến cuối cùng chứ không phải ứng dụng công nghệ thế nào, nên mỗi doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc và đầu tư kỹ để đạt hiệu quả cao nhất”, ông Đặng Mạnh Phước phát biểu.

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt cho rằng, ngành Du lịch tác động đến du khách bằng cảm xúc, nên không ứng dụng công nghệ vô tội vạ được. Điển hình là khi triển khai các tour liên quan đến lịch sử, văn hóa, hướng dẫn viên vẫn là nhân tố quyết định cảm xúc du khách chứ không phải công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NLD

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NLD

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Sở đã ứng dụng công nghệ bản đồ 3D, bản đồ 360 độ tương tác thông minh... giới thiệu gần 100 điểm du lịch trong thành phố đến du khách.

Sở cũng đã số hóa 15 ấn phẩm quảng bá, xúc tiến thương mại ngành Du lịch để du khách dễ dàng tiếp cận hơn… Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thực tế ảo để tăng trải nghiệm cho du khách.

“Chúng tôi nhận định, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quan trọng nhất, kể cả trong quá trình tăng cường ứng dụng công nghệ phục vụ du lịch. Các vấn đề cốt lõi như dữ liệu lớn, trung tâm điều hành du lịch thông minh, đồng bộ dữ liệu… vẫn cần phải có nhân lực đạt chuẩn và kinh phí đủ cho đầu tư, mới mang lại hiệu quả cao nhất”, bà Nguyễn Thị Minh Phương nhận định.

Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã thu hút được khoảng 20 triệu lượt du khách. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng gần 3 triệu lượt, xấp xỉ năm 2023; tổng doanh thu du lịch đạt gần 90.000 tỷ đồng, gần 50% mục tiêu của năm 2024.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-so-trong-du-lich-tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-phai-di-doi-voi-yeu-to-con-nguoi-670483.html