Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã và đang tác động sâu rộng đến tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Bắt nhịp với xu hướng này, ngành Ngân hàng đã và đang tập trung đổi mới hoạt động quản lý theo hướng hiện đại, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán, nhất là thanh toán điện tử. Đặc biệt chú trọng khai thác, ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong hoạt động tín dụng.

Nhân viên Ngân hàng BIDV Chi nhánh Vĩnh Phúc hướng dẫn khách hàng sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến, tăng tiện ích và đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch. Ảnh: Thế Hùng

Nhân viên Ngân hàng BIDV Chi nhánh Vĩnh Phúc hướng dẫn khách hàng sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến, tăng tiện ích và đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch. Ảnh: Thế Hùng

Nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng, Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), thanh toán qua mã QR, giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động, mở tài khoản thanh toán trực tuyến và tiết kiệm trực tuyến trên thiết bị di động...

Cùng với đó, hợp tác với doanh nghiệp (DN) để triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán… nhằm giúp khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán tiền taxi, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, dịch vụ nạp tiền phí giao thông VETC... mà không cần đến phòng giao dịch của ngân hàng.

Hiện, Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II đã triển khai 500 nút mạng tại hội sở, 3 chi nhánh loại II và 8 phòng giao dịch; 23 đường truyền số liệu phục vụ giao dịch nội bộ, 14 đường truyền Internet phục vụ khách hàng; trang bị các thiết bị công nghệ thông tin như máy chủ, máy trạm được cài đặt các phần mềm có bản quyền, các phần mềm trong danh mục Agribank cho phép...

Thực hiện Chỉ thị số 02/2022 của NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 488/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số, NHNN chi nhánh tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành ngân hàng giai đoạn 2022-2025.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Quan tâm, ưu tiên nguồn lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đến các chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc; gia tăng dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực thông lệ và quốc tế.

Đến nay, nhiều công nghệ đột phá đã được các tổ chức tín dụng ứng dụng để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng như eKYC, QR code, thanh toán không tiếp xúc, điện toán đám mây, AI, big data...

Đồng thời, ưu tiên số hóa trong các lĩnh vực trải nghiệm của khách hàng, nâng cao năng suất lao động, hệ sinh thái để làm giàu dữ liệu và hiểu hơn về khách hàng…

Các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao, hạ tầng được chuẩn hóa, tích hợp hệ sinh thái trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực như hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế.

Hệ thống ATM, POS được chú trọng phát triển cả về số lượng, quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến hết tháng 6/2022, các ngân hàng đã lắp đặt 234 máy ATM (tăng 1,02% so với cuối năm 2021), 860 POS (tăng 4,2% so với cuối năm 2021) góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Hiện, toàn tỉnh có trên 600.000 tài khoản khách hàng mở tại các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn, 5.500 đơn vị trả lương qua hệ thống ngân hàng, 2.500 tài khoản chi trả lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội, 2.500 thẻ ATM của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Vĩnh Phúc phục vụ cho việc thanh toán chi trả bảo hiểm thất nghiệp qua Trung tâm hỗ trợ việc làm.

Tuy nhiên, hiện nay, ở địa bàn nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tỷ lệ sử dụng các phương thức thanh toán điện tử vẫn chưa phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân.

Nhiều DN, đặc biệt là các DN trong khu công nghiệp đã thực hiện trả lương qua tài khoản cho công nhân nhưng hầu hết công nhân chỉ chi trả tiền điện, nước qua ngân hàng, còn lại rút tiền mặt để chi dùng hằng ngày.

Nhiều trạm y tế, trường học ở tuyến xã, phường, đặc biệt là trạm y tế, trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa… chưa triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc đã triển khai nhưng người dân chưa có thói quen sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán tiền viện phí, học phí...

Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng số.

Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Bên cạnh đó, phối hợp, mở rộng kết nối với các ngành, lĩnh vực để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; mở rộng triển khai việc trả lương, thu nhập qua tài khoản. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thanh toán ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/83002/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-tin-dung.html