Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Với phương châm 'lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ', thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả. Qua đó, góp phần kiến tạo, xây dựng ngành BHXH Hà Nam chuyên nghiệp, hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Nhân viên Trạm Y tế xã Bình Nghĩa (Bình Lục) làm thủ tục khám, chữa bệnh cho người dân bằng căn cước công dân gắn chíp.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngành BHXH thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, doanh nghiệp nên việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành. Trong quá trình triển khai, BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến cuối tháng 3/2024, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được đồng bộ, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hơn 804.100 người, đạt tỷ lệ đồng bộ hơn 98% tổng số người tham gia đang quản lý. Phối hợp với các ngành liên quan triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng)… tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT, BHTN.

Cùng với đó, phối hợp với Sở Y tế duy trì tốt việc kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý khám, chữa bệnh, giám định BHYT điện tử và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp tại 120/120 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh và tỷ lệ người dùng tra cứu thành công đạt hơn 81%. Qua đó, giúp người bệnh và nhân viên y tế đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT. Cơ quan BHXH cũng giảm bớt chi phí in thẻ BHYT, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin. Đây cũng được xem là giải pháp để các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc sử dụng quỹ BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 235.000 người cài đặt và được cấp mật khẩu ứng dụng VssID, tạo thuận lợi cho người dùng có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy. Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian.

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam và của tỉnh, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh không dùng tiền mặt. Đến thời điểm hiện tại, có 6.445 người đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM, đạt 21,8% so với tổng số người hưởng trong khu vực đô thị; 5.950 người đăng ký nhận các chế độ BHXH một lần qua thẻ ATM, chiếm tỷ lệ 79,84% so với tổng số người thanh toán chế độ một lần trong toàn tỉnh; 6.398 người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, đạt 98,55% so với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong toàn tỉnh. Việc chi trả không dùng tiền mặt là phương thức bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của xã hội.

Giám đốc BHXH tỉnh Trần Mạnh Toàn khẳng định: Thời gian qua, các đơn vị trong ngành đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ nhằm tăng sự hài lòng, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và tham gia, giải quyết các chế độ BHXH. Để phục vụ công tác chuyển đổi số, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã được trang bị đầy đủ máy tính, thiết bị, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, bảo đảm đủ điều kiện kết nối liên thông phần mềm nghiệp vụ của ngành và các ứng dụng dùng chung để xử lý công việc trên môi trường số từ trung ương đến địa phương một cách nhanh chóng, kịp thời; phát huy tối đa nền tảng CNTT trong hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành.

Xây dựng hệ sinh thái BHXH 4.0

Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số toàn diện, gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số. Người dân có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, BHYT, như: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình; đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; giải quyết hưởng BHXH một lần; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông… mọi lúc, mọi nơi và có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN được nâng cao rõ rệt…

100% dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt gần 80%. Cơ quan BHXH đã cử viên chức thường trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa” cấp huyện; 100% đơn vị đã bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 100% viên chức được trang bị máy tính, hòm thư điện tử và chữ ký số. Các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, mà còn tăng cường hiệu quả quản lý của ngành BHXH. Qua đó góp phần xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra.

Với mục tiêu hiện đại hóa ngành BHXH, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thời gian tới BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu trong thực hiện Đề án 06. Tiếp tục triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định; gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; từng bước kết nối dữ liệu với ngân hàng thương mại để thanh toán song phương, hạn chế thấp nhất tình trạng chuyển nhầm tài khoản phải chuyển lại. Tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch với cơ quan BHXH; cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số để người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN cùng quản lý quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn về chuyển đổi số cho công chức, viên chức, người lao động để đáp ứng kịp thời với công nghệ 4.0, góp phần xây dựng “hệ sinh thái BHXH 4.0”, với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Hoàng Hải

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi-123891.html