Chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng

Phú Thọ là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn với gần 180.000ha. Thời gian qua, ngành Kiểm lâm tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước số hóa các hoạt động giám sát, quản lý, bảo vệ rừng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng và đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm… với tính chính xác cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Lực lượng kiểm lâm thành phố Việt Trì kiểm tra rừng từ đài quan sát.

Cập nhật chính xác những biến động về rừng

Diện tích rừng lớn, tiếp giáp với nhiều địa phương, địa hình núi cao, chia cắt… là những khó khăn trong việc bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Thanh Sơn. Nhằm phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn đã tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương, các ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng.

Trước đây, những dụng cụ hỗ trợ như: Bản đồ giấy, máy định vị, la bàn… là những vật “bất ly thân” của cán bộ kiểm lâm địa bàn ở Thanh Sơn nhưng hiện nay, mọi thứ đều được tích hợp trong một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh với đầy đủ tính năng cần thiết thông qua các ứng dụng, phần mềm cài đặt như: Phần mềm Locus Map, Google Earth Pro giúp mở hệ thống bản đồ trên điện thoại khi tích hợp nền bản đồ quy hoạch ba loại rừng và nền bản đồ kiểm kê rừng; phần mềm QGIS phục vụ theo dõi diễn biến rừng, biên tập bản đồ; MapInfo Pro giúp mở hệ thống bản đồ trên máy tính bảng…

Ông Trần Quang Hưng- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Với đặc thù quản lý diện tích rừng rộng lớn, có địa hình phức tạp, trong khi biên chế cán bộ của đơn vị hạn chế, công tác tổ chức tuần tra, nắm bắt thông tin về diễn biến rừng trước đây rất khó khăn. Mỗi lần làm việc, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để thu thập, xử lý số liệu nhưng đến nay, từ những hình ảnh vệ tinh, số liệu diễn biến rừng trên phần mềm, đơn vị có thể thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến rừng, việc tổng hợp số liệu cũng dễ dàng, nhanh chóng. Đây thực sự là những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Hiện nay, 100% cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện đều đã sử dụng thành thạo, làm chủ được việc sử dụng các phần mềm”.

Không chỉ ở huyện Thanh Sơn, hiện nay, các hạt kiểm lâm trên địa bàn toàn tỉnh đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ở huyện Đoan Hùng, nếu như trước đây, muốn theo dõi những diễn biến của rừng, lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại hiện trường, một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả không cao, việc xác minh các vụ việc liên quan đến diễn biến của rừng bị bỏ sót, nhầm lẫn. Cùng với đó, công cụ, phương tiện hiện đại hỗ trợ cho đơn vị còn thiếu nên nhiều thông tin diễn biến về rừng như: Khai thác rừng trồng, cháy rừng, sạt lở, phá rừng, lấn chiếm đất rừng… bị bỏ sót.

Để khắc phục tình trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện Đoan Hùng đã đưa ứng dụng phần mềm công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, đơn vị sử dụng ảnh vệ tinh qua Google Earth, ArcGIS Earth kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp như: Mapinfor, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính và điện thoại sử dụng hệ điều hành Android có cài đặt ứng dụng FRMS - phần mềm theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp, chi trả dịch vụ môi trường rừng và công tác quản lý rừng. Với các tính năng như đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa áp dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ hộ có rừng, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng,… những thiết bị trên đã giúp phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Thanh Sơn thuận tiện và hiệu quả hơn.

Chủ động hoạch định chiến lược quản lý, bảo vệ rừng

Ông Trần Ngọc Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, Chi cục đã áp dụng các ứng dụng chuyên ngành như FRMS phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android với các tính năng đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa áp dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp. Hệ thống thông tin địa lý và máy định vị GPS được sử dụng trong cập nhật diễn biến rừng...”.

Với các thiết bị, ứng dụng công nghệ, cán bộ kiểm lâm có thể truy cập thường xuyên để theo dõi diễn biến rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp. Có nguồn thông tin tham khảo này, cán bộ kiểm lâm sẽ xây dựng phương án kiểm tra, đo đạc vị trí cụ thể tại thực địa nhanh, thuận lợi, chính xác. Trước khi đến hiện trường, lực lượng kiểm lâm sẽ bật máy tính, điện thoại và truy cập các phần mềm, máy sẽ cho thông tin về vị trí, diện tích biến động hiển thị trên màn hình rất tiện lợi.

Những dữ liệu trên sẽ giúp lực lượng kiểm lâm làm sơ đồ kiểm tra rừng, chia tách các lô rừng có biến động, tính được quãng đường, thời gian đi lại… Qua đó, giúp các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện, thành, thị, phê duyệt, công bố kết quả theo dõi diễn biến rừng, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quản lý rừng và đất lâm nghiệp đúng với hồ sơ, thực địa; nâng cao độ chính xác trong tổng hợp, xây dựng các báo cáo kết quả hàng năm; phát hiện, xác định được diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép, độ che phủ rừng, tính được giá trị kinh tế của rừng...

Những thiết bị hiện đại đã giúp phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, kịp thời cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; phát hiện sớm những khu vực bị mất rừng, cháy rừng để xác định nguyên nhân, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định. Năm 2022, nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, cảnh báo sớm năm vụ cháy rừng, đã phát hiện 66 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 600 triệu đồng.

Ngoài ra, thông qua khai thác, sử dụng ảnh vệ tinh, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý kịp thời tám vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép trên địa bàn xã Thượng Long, huyện Yên Lập; xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn; xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa; phát hiện 19 điểm cháy nhỏ, ngăn không lan ra diện rộng tại các xã Thượng Long, huyện Yên Lập; Tu Vũ, huyện Thanh Thủy; Thu Ngạc, huyện Tân Sơn và Hương Lung, huyện Cẩm Khê.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần giúp cho lực lượng kiểm lâm quản lý, nắm bắt được thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời, chính xác, đưa ra các giải pháp, hoạch định chính sách về phát triển lâm nghiệp trong tương lai. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp ứng cứu kịp thời trong công tác chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra; lựa chọn các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động vào rừng nghèo làm tăng sinh khối, chất lượng của rừng tự nhiên.

Thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát hiện các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-trong-quan-ly-bao-ve-rung/190368.htm