Chuyển đổi số trong thanh toán tiêu dùng

Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo ra thay đổi lớn trong thói quen thanh toán tiêu dùng. Đa số người dân đã tiếp cận và sử dụng thanh toán số trong tiêu dùng hàng hóa. Thay vì thanh toán truyền thống bằng tiền mặt, người đi chợ dần thay thế bằng phương thức thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền di động...

Thanh toán số tại một cửa hàng kinh doanh hàng hóa ở chợ Như Quỳnh (Văn Lâm)

Hơn 1 năm nay, chị Vũ Thị Hường ở thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như: Internet banking, ví điện tử, tài khoản tiền di động Viettelmoney để thanh toán khi mua sắm hàng hóa. Chị Hường chia sẻ: Từ năm 2021, tôi đã đăng ký dịch vụ thanh toán số đối với tài khoản ngân hàng, đồng thời đăng ký tài khoản tiền di động Viettelmoney để thực hiện thanh toán trong tiêu dùng. Giờ đây, hầu hết siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh trong khu vực tôi sinh sống đều đã chấp nhận thanh toán số. Do vậy, mỗi khi đi chợ, tôi chỉ cần mang theo ít tiền mặt để mua rau, còn lại các hoạt động giao dịch mua sắm khác đều có thể thanh toán điện tử. Điều này giúp tôi không phải lo lắng mỗi khi quên mang theo tiền.

Cũng giống như chị Hường, nhiều người dân đã chuyển dần từ thói quen thanh toán sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử. Hiện nay, phần lớn người lao động nhận lương, thu nhập thông qua các tài khoản ngân hàng. Do vậy, thanh toán điện tử không chỉ tạo thuận lợi trong mua sắm mà còn giúp họ tiết kiệm thời gian.

Trước xu thế thanh toán số ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tiêu dùng, người kinh doanh cũng mạnh dạn chuyển đổi. Hiện nay, không chỉ các siêu thị, cửa hàng tiện ích chấp nhận thanh toán số mà ngay cả các tư thương bán hàng tại chợ dân sinh cũng tiếp cận với thanh toán số. Anh Đỗ Văn Mạnh, một hộ kinh doanh hàng hóa tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) cho biết: Hiện nay, nhiều người tiêu dùng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để thanh toán. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu thanh toán số, tôi đã mở tài khoản ngân hàng, đăng ký tài khoản tiền di động. Nhờ vậy, việc thanh toán diễn ra thuận lợi, an toàn, tránh xảy ra nhầm, lẫn. Ngoài ra, việc sử dụng tài khoản ngân hàng hay tài khoản tiền di động đã giúp tôi thanh toán tiền hàng với bên cung cấp hàng hóa thuận tiện, nhanh chóng, an toàn hơn.

Hoạt động thanh toán số trong tiêu dùng mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, bên cung cấp dịch vụ thanh toán số và tổng thể nền kinh tế. Đối với cá nhân, người dân có thể thanh toán cho những giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa; tránh được các rủi ro trong thanh toán tiền mặt như: mất tiền, tiền rách, tiền giả và thanh toán chính xác số tiền cần thanh toán đến số lẻ… Đối với tổng thể nền kinh tế: giúp giảm chi phí in ấn tiền, vận chuyển, kiểm đếm, bảo quản tiền; góp phần giảm lạm phát; chống “rửa” tiền... Ngoài ra, thanh toán số còn mang lại lợi ích cho người dân khi tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán…

Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Toàn tỉnh hiện nay có gần 1,1 triệu thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh và 83% số người dân trong tỉnh sử dụng điện thoại thông minh. Đây là tiền đề, điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong thanh toán tiêu dùng. Để thúc đẩy thanh toán số, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền tới Nhân dân thực hiện phương pháp thanh toán qua các ứng dụng dịch vụ thanh toán điện tử của các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông. Tiêu dùng số, thanh toán số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế và xây dựng, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh lợi ích, thanh toán số hiện nay vẫn còn những hạn chế, rủi ro đặt ra cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh. Tình trạng nghẽn, lỗi mạng khiến các giao dịch thanh toán số bị “treo” vẫn còn khá phổ biến. Ngoài ra, các giao dịch thanh toán số chỉ thực hiện được khi điện thoại có kết nối mạng viễn thông và mạng internet, trong khi không phải lúc nào và ở đâu cũng có kết nối tốt. Bên cạnh đó, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, bị đánh cắp tiền trong tài khoản. Do đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong thanh toán tiêu dùng cần tập trung nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, bảo mật. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử; có cơ chế giải quyết tranh chấp có thể phát sinh trong các hoạt động thanh toán điện tử…

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202209/chuyen-doi-so-trong-thanh-toan-tieu-dung-a4f48d1/