Chuyển đổi số và bài toán nguồn nhân lực

Trường đại học Phú Yên xác định đầu tư phát triển CNTT trở thành ngành trọng điểm. Trong ảnh: Sinh viên Khoa CNTT của trường trong giờ thực hành. Ảnh: TRẦN QUỚI

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, mang lại cơ hội mới, có tác động thúc đẩy tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong sự thay đổi đó, bài toán đặt ra đó là nguồn nhân lực số cũng cần phải bắt kịp.

2 năm qua, thế giới đã thích ứng, tạo ra một sự thay đổi căn bản về môi trường làm việc, lao động có khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao; nhu cầu chuyển đổi số (CĐS) trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân càng bức thiết.

Khát nhân lực cho CĐS

Số liệu của TopDev - nền tảng tuyển dụng và việc làm dành riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cho thấy, cơn khát nhân lực ở lĩnh vực này, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày càng gay gắt. Năm 2020, cả nước thiếu hơn 400.000 nhân sự, năm 2021 thiếu hơn 500.000 và năm 2022, số nhân sự thiếu hụt tăng hơn rất nhiều trong xu hướng mọi ngành nghề, lĩnh vực đều CĐS để tồn tại, thích ứng và phát triển.

Phú Yên hiện chỉ có 65 cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước, trình độ từ đại học trở lên (đại học 44 người, thạc sĩ 19 người, tiến sĩ 2). Số lao động có trình độ CNTT ở khối doanh nghiệp cũng không nhiều, nếu không nói là rất khiêm tốn. Về thứ hạng CĐS của Phú Yên so với cả nước, năm 2022 đứng thứ 50/63 tỉnh thành (tăng 12 bậc so với năm 2020). Đối với các tổ chức, doanh nghiệp khác, nhân lực có chuyên môn về CNTT không nhiều, hầu hết là kiêm nhiệm khi triển khai về CĐS.

Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt trên, trong đó lý do chính là nguồn nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Ðội ngũ nhân sự mới ra trường thiếu những kỹ năng cần thiết, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ðồng thời, sự thiếu hụt chính sách về đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng là một trong những lý do chính khiến bài toán tuyển dụng và giữ chân nhân tài CNTT tại các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Theo Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên Trần Thanh Hưng, CĐS đang là nhu cầu cấp thiết trong sự phát triển của xã hội hiện nay với 3 trụ cột chính: Chính phủ/Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Thống kê cho thấy, từ năm 2000 đến nay, 52% các doanh nghiệp Fortune (danh sách công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu mỗi công ty được xếp hạng hàng năm bởi tạp chí Fortune) đã bị mua lại, sáp nhập hoặc phá sản. Người ta ước tính rằng 40% doanh nghiệp tồn tại ngày hôm nay sẽ đóng cửa trong 10 năm tới. Căn nguyên chính là do chậm hoặc thất bại trong việc CĐS. Ai chuyển đổi thành công từ môi trường thực sang môi trường số, người ấy sẽ tồn tại. Không chuyển đổi, không kịp chuyển đổi sẽ bị thay thế, đào thải.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng

Việc thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực CNTT hiện nay vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các cơ sở đào tạo. Mỗi năm, các trường đại học trong cả nước đào tạo khoảng 50.000-60.000 nhân sự cho ngành CNTT, trong đó tại Phú Yên, đào tạo khoảng 2.000 sinh viên trình độ đại học, khoảng cách rất xa so với nhu cầu của thị trường.

Ông Thẩm Văn Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm SS4U Express (TP Hồ Chí Minh), một người con của Phú Yên vừa có chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học, cao đẳng Phú Yên về môn học mới Phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), cho rằng: Chương trình CĐS là bước ngoặt để tất cả phải thay đổi, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo nguồn nhân lực bao gồm khối tư nhân và hành chính công; cần chú ý đến thế hệ học sinh sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng và trường nghề hiện tại. Nên chia nhiều cấp độ, ví dụ cấp độ 1: có kiến thức cơ bản để sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, cài đặt phần mềm, sử dụng internet và khai thác dữ liệu có lợi. Cấp độ 2, đào tạo sử dụng thành thạo máy tính, phần mềm văn phòng, ứng dụng quản trị, công cụ số vào công việc. Cấp độ 3, làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm... muốn tạo ra sản phẩm tốt thì hãy sử dụng thành thạo các sản phẩm hữu ích tương tự.

Góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực CNTT phục vụ CĐS, theo TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, nhà trường đã và đang đầu tư xây dựng CNTT thành ngành trọng điểm; chủ động kết nối với các doanh nghiệp hàng đầu, uy tín về công nghệ, CĐS như: TMA Solutions, IMT Solutions… để xây dựng chương trình đào tạo, tạo môi trường thực tập nghề nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Trường cũng hợp tác nghiên cứu với các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao trong và ngoài nước nhằm đào tạo thế hệ sinh viên vừa có kiến thức chuyên sâu, vừa có kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn…

Đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp bách. Con người là nhân tố số một của lực lượng sản xuất; đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII xác định: “Tăng cường quản lý nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ngay sau đại hội, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động “Xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện giai đoạn 2021-2025”, đây là cách cụ thể hóa, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai.

Theo Chương trình CĐS tỉnh Phú Yên đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, mục tiêu tổng quát về CĐS của Phú Yên đến năm 2030 là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo hướng xây dựng mô hình tăng trưởng mới, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, nâng cao khả năng cạnh tranh ở khu vực.

QUỲNH MAI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/292965/chuyen-doi-so-va-bai-toan-nguon-nhan-luc.html