Chuyển đổi số và mục tiêu 'mỗi người dân có một bác sĩ riêng'

Đối với ngành y tế, việc chuyển đổi số làm thay đổi mang tính cốt lõi của ngành...

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế

Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế phải đầu tư vào số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ.

Trong một môi trường mà các tổ chức được định hướng bởi dữ liệu và cách thức làm việc mới thì tương lai của ngành y tế là gắn liền với khả năng kết nối, trao đổi, sử dụng và phân tích dữ liệu. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải thay đổi cách thức làm việc. Thay vì làm việc trên giấy tờ theo phương pháp truyền thống, phải chuyển đổi sang làm việc trên dữ liệu số...

Chuyển đổi số y tế là nền tảng, động lực để y tế Việt Nam hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kết quả mà ngành y tế đã làm được trong công tác chuyển đổi số y tế thời gian qua?

Ngành y tế đã chuẩn bị từ rất sớm cho vấn đề chuyển đổi số. Một số kết quả đạt được trên các lĩnh vực chuyển đổi số có thể kể đến đó là: Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo làm cơ sở cho chuyển đổi số y tế và góp phần hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý để triển khai công nghệ thông tin y tế.

Ngành y tế cũng đã đầu tư xây dựng hạ tầng, nền tảng kỹ thuật công nghệ thông tin; bước đầu xây dựng trung tâm dữ liệu y tế của Bộ, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước. 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số. Đến ngày 30/6/2020 đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao.

Bộ Y tế cũng đã khai trương Cổng công khai y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo...Thông qua Cổng công khai y tế người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp.

Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay, đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Về xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Ngày 25/9/2020, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Một kết quả khác có thể kể đến là ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn Covid...

Trong ngành y tế, hiện lĩnh vực nào cần được ưu tiên chuyển đổi số, thưa Bộ trưởng?

Lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số hiện nay là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và chuyển đối số trong bệnh viện. Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh là việc làm cần thiết và góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam cụ thể như: triển khai sáng kiến "Mỗi người dân có một bác sĩ riêng" với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng; xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ.

Phát triển các ứng dụng trong quản lý hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm... Phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế. Xây dựng, triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã, đảm bảo đáp ứng được tất cả các nghiệp vụ của trạm y tế xã, đáp ứng các quy định tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Đối với chuyển đổi số trong bệnh viện cần ưu tiên các nội dung: Triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác...) trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. Đồng bộ mã số định danh y tế (ID) như sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Xây dựng "bệnh viện thông minh" trên cơ sở các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh để xây dựng lộ trình đáp ứng "bệnh viện thông minh". Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa theo yêu cầu tại Quyết định số 2628/2020/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Vậy để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành y tế phải hành động như thế nào và quá trình chuyển đổi số y tế sẽ làm thay đổi diện mạo ngành y tế ra sao, thưa Bộ trưởng?

Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn thể cán bộ ngành y tế tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đoàn kết, nỗ lực, không ngừng nâng cao năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các đơn vị trong ngành y tế cần quán triệt chương trình chuyển đổi số y tế, xây dựng kế hoạch và thực hiện quyết liệt chuyển đổi số cụ thể của đơn vị mình; trong đó, vai trò thủ trưởng có ý nghĩa quan trọng, quyết định trong việc chỉ đạo và thực hiện chuyển đổi số thành công tại các đơn vị.

Bộ Y tế cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cá nhân Thủ tướng, Phó Thủ tướng đối với các hoạt động của ngành nói chung và công cuộc chuyển đổi số y tế nói riêng; các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp, giúp đỡ trong sự nghiệp y tế cũng như trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế; mong muốn nhận được sự hợp tác mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và đặc biệt là trong chuyển đổi số y tế.

Việc triển khai chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/2019/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và theo Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Đối với ngành y tế, việc chuyển đổi số còn làm thay đổi mang tính cốt lõi của ngành theo ba góc độ: Thứ nhất, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo, điều hành trong nội bộ của các cơ quan quản lý, hướng đến cách thức quản lý công việc và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số. Thứ hai, tác động trực tiếp đến các đối tượng và các dịch vụ cung cấp của ngành y tế, thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ y tế truyền thống sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số. Thứ ba, tác động đến cách thức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, thay đổi cách thức làm việc của cả ngành y tế...

Đào Hải

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chuyen-doi-so-va-muc-tieu-moi-nguoi-dan-co-mot-bac-si-rieng-20210208205711793.htm