Chuyển đổi số y tế: Mỗi người dân sẽ có bác sỹ của riêng mình

Khi chúng ta triển khai chương trình số hóa, Bộ Y tế đã triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân. Trên cơ sở hồ sơ sức khỏe toàn dân, mỗi người dân có thể có một bác sĩ riêng của mình-ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin-Bộ Y tế cho biết.

Theo ông Trần Quý Tường, thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Quyết định 5316 ngày 22-12-2020 về Chương trình chuyển đổi số Y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số của ngành có rất nhiều mục tiêu, trong đó có 3 trụ cột chính gồm: Chuyển đổi số y tế trong xây dựng và quản trị ngành y tế. Với mục tiêu này, ngành y tế đặt ra tiếp tục duy trì hoạt động các cơ quan hành chính ở Bộ, các sở y tế bằng môi trường điện tử-phê duyệt, trình tất cả bằng văn bản điện tử bỏ hoàn toàn văn bản giấy.

Thứ hai là trụ cột về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe, đây là trụ cột hết sức quan trọng của ngành y tế phải ưu tiên triển khai. Trụ cột thứ ba, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh trong BV, điển hình trong BV là thực hiện bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.

Về mục tiêu thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát huy cổng công khai y tế-đây là địa chỉ tin cậy của người dân, của DN và các nhà quản lý để phục vụ công khai về giá trang thiết bị y tế, giá khám bệnh chữa bệnh, giá thuốc… Đồng thời làm cơ sở cho các đơn vị, DN tham khảo để thực hiện cho việc đấu thầu.

Với việc có hồ sơ bệnh án điện tử, người bệnh khi vào viện khám sẽ chỉ phải khai tiền sử bệnh 1 lần. Ảnh: Vân Hà

Với việc có hồ sơ bệnh án điện tử, người bệnh khi vào viện khám sẽ chỉ phải khai tiền sử bệnh 1 lần. Ảnh: Vân Hà

Tiếp tục thực hiện duy trì 100% các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng. Hiện nay Bộ Y tế đã công bố hoàn thành và là Bộ đầu tiên hoàn thành dịch vụ công trực tuyến. “Chúng tôi hiện nay đang tiếp tục nâng cấp lên các bản mobile để người dân DN tiếp cận thuận lợi, dễ dàng hơn và đang thực hiện kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia của Chính phủ”, ông Trần Quý Tường nói.

Đến nay đã kết nối được hơn 100 dịch vụ công (đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, chỉ tiêu 30% nhưng đã đạt khoảng 50% kết nối với Văn phòng Chính phủ). Ngoài ra, tất cả các hoạt động của các cơ quan đơn vị đều phải được thực hiện chuyển đổi số để giúp việc quản trị y tế, quản lý y tế được thông minh, hiện đại thậm chí ứng dụng nhiều trí tuệ nhân tạo.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo các vụ, cục không chỉ xử lý hồ sơ trực tuyến mà thậm chí còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các hồ sơ trực tuyến để đảm bảo nhanh, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và DN trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thông tin.

Đối với trụ cột về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe, khi triển khai chương trình số hóa, Bộ Y tế đã triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân. Trên cơ sở hồ sơ sức khỏe của toàn dân thì mỗi người dân có thể có một bác sĩ riêng của mình.

“Nghĩa là người dân khi có hồ sơ bệnh án điện tử có thể kết nối với bất cứ một bác sĩ nào mà mình biết, mình muốn để nhờ bác sĩ đó tư vấn cho mình chăm sóc sức khỏe”, ông Trần Quý Tường nói.

Hồ sơ sức khỏe điện tử cũng giúp cho người dân, cơ sở y tế lưu giữ toàn bộ lịch sử khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân. Trên cơ sở thông tin sức khỏe của người dân để người dân tự biết quản lý sức khỏe của mình, tự biết phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của mình.

Theo ông Trần Quý Tường, cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử, ngành y tế cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các trí tuệ nhân tạo, xây dựng các phần mềm về các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, quản lý tiêm chủng mở rộng.

Hiện đang xây dựng các phần mềm quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19 để cho việc phòng bệnh có hiệu quả hơn theo đúng phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Trụ cột thứ ba, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh trong BV, điển hình trong BV là thực hiện bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Đến nay đã có 10 BV thành công trong việc triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Rất nhiều thuận lợi cho người dân, cho BV và cho cơ quan quản lý.

Đối với người dân, có hồ sơ bệnh án điện tử vào viện khai một lần, lần sau không phải khai báo tiền sử, không phải khai báo hành chính cho nên rất thuận lợi, giảm các TTHC. Người dân có lịch sử khám bệnh chữa bệnh từ bệnh án đền hồ sơ điện tử lưu trữ được nhanh rồi thậm chí đơn thuốc đọc điện tử mà không phải tình trạng “chữ bác sĩ”.

Với bác sĩ cũng rất thuận lợi, khi có bệnh án điện tử rồi khi xem lịch sử người bênh nhanh chóng, toàn diện. Trên cơ sở tham khảo tiền sử đã lưu trữ với triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra các quyết định kịp thời. Rồi các kết quả cận lâm sàng, XQ, xét nghiệm liên thông với các cơ sở… cũng là cơ sở để tham khảo tốt.

Ở góc độ cơ quan quản lý có hồ sơ sức khỏe điện tử thì mới có dữ liệu của người dân, trên cơ sở dữ liệu của một, nhiều người dân mới có cơ sở dữ liệu của toàn ngành y tế.

Trên cơ sở có dữ liệu lớn chúng ta mới có cơ sở dữ liệu Big data, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích tình hình dịch bệnh, xây dựng chính sách phù hợp, cụ thể hơn…

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-doi-so-y-te-moi-nguoi-dan-se-co-bac-sy-cua-rieng-minh-222284.html