Chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cần các công nghệ, giải pháp gì?

Trong các công nghệ chuyển đổi IPv4 sang IPv6, thì hiện nay công nghệ dual-stack là công nghệ phổ biến nhất.

Công nghệ phổ biến nhất

Theo bộ tài liệu“Giao thức Internet thế hệ mới IPv6 và chuyển đổi Internet sang IPv6” của Bộ TT-TT gửi tặng Bộ GD-ĐT, chuyển đổi sử dụng từ thủ tục IPv4 sang thủ tục IPv6 không phải là một điều dễ dàng. Trong trường hợp thủ tục IPv6 đã được tiêu chuẩn hóa hoàn thiện và hoạt động tốt, việc chuyển đổi có thể được thúc đẩy thực hiện trong một thời gian nhất định đối với một mạng nhỏ, mạng của một tổ chức.

“Tuy nhiên, đối với một mạng lớn, việc chuyển đổi sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi nhà quản lý mạng phải bóc tách từng phần, từng hệ thống, từng ứng dụng để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cho phù hợp… Hai thế hệ mạng IPv4, IPv6 sẽ cùng tồn tại trong một thời gian nhất định. Ban đầu, các kết nối IPv6 sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của IPv4”, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) phân tích.

Do vậy, cần có những công nghệ phục vụ cho việc chuyển đổi từ địa chỉ IPv4 sang địa chỉ IPv6 và áp dụng những ứng dụng kỹ thuật mới đảm bảo cho các dịch vụ IPv4 hoạt động trên hạ tầng IPv6.

Ảnh: Internet

Theo VNNIC, Dual-stack là công nghệ cho phép IPv4 và IPv6 cùng tồn tại trong cùng một thiết bị mạng. Do đó, công nghệ này giúp thiết bị giao tiếp được với cả mạng thuần IPv4, mạng thuần IPv6 và cả mạng hoạt động song song IPv4/IPv6. Công nghệ dual-stack hiện là công nghệ sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Tuy nhiên, công nghệ Dual-stack vẫn cần sử dụng cả IPv4, IPv6, do dó, công nghệ này chưa thể giải quyết được vấn đề cạn kiệt IPv4; đồng thời, thiết bị thực hiện chạy song song hai giao thức nên sẽ cần có chính sách an toàn an ninh cho cả hai loại giao thức kết nối Internet.

Theo VNNIC, trong hoạt động chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam, công nghệ Dual-stack cũng là công nghệ đã và đang được các tổ chức, doanh nghiệp triển khai trên hạ tầng, mạng lưới; từ đó, sẵn sàng chuyển đổi sang hoạt động với công nghệ IPv6-only.

Những công nghệ, giải pháp khác

Ngoài Dual-stack, VNNIC còn giới thiệu một số công nghệ khác. Trong đó, công nghệ biên dịch cho phép thiết bị chỉ hỗ trợ IPv6 có thể giao tiếp với thiết bị chỉ hỗ trợ IPv4 thông qua việc biên dịch địa chỉ và dạng mào đầu của địa chỉ. Công nghệ biên dịch hỗ trợ cung cấp dịch vụ IPv6 mà giữ nguyên mạng lưới, dịch vụ chạy trên IPv4.

Bên cạnh đó, công nghệ này cũng hỗ trợ giao tiếp giữa hai giao thức trong mạng thuần IPv6 được triển khai mới với mạng thuần IPv4. Tuy nhiên, biên dịch là công nghệ NAT (kỹ thuật cho phép chuyển đổi từ một địa chỉ IP này thành một địa chỉ IP khác - PV) nên sẽ gặp các hạn chế do việc NAT địa chỉ gây ra.

Công nghệ đường hầm là một phương pháp sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của mạng IPv4 để thực hiện các kết nối IPv6 bằng cách sử dụng các thiết bị mạng có khả năng hoạt động Dual-stack tại hai điểm đầu và cuối nhất định.

Theo VNNIC, trong thời điểm ban đầu triển khai IPv6, việc chia sẻ thông tin, cũng như hỗ trợ, kết nối với nhau là rất quan trọng. Nhiều tổ chức lớn, ISP lớn có khả năng xây dựng đường truyền IPv6, kết nối với nhau và với những mạng IPv6 lớn, hình thành Internet IPv6 toàn cầu. Nhưng nhiều tổ chức, hay cá nhân khác không có được những đường truyền thuần IPv6 như vậy.

Để hỗ trợ về kết nối IPv6, một trong những công nghệ được sử dụng để thực hiện điều này là Tunnel Broker - hình thức tạo đường hầm, trong đó một tổ chức đứng ra làm trung gian, cung cấp kết nối tới Internet IPv6 cho những thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ Tunnel Broker do tổ chức cung cấp.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-doi-tu-ipv4-sang-ipv6-can-cac-cong-nghe-giai-phap-gi-167038.html