Chuyển đổi xanh: 'Có chính sách tốt, vốn không còn là vấn đề'

Theo chuyên gia, trong quá trình chuyển đổi xanh, nếu có chính sách tốt, doanh nghiệp có thể tự biết cách xoay sở, huy động vốn và lúc đó nguồn vốn đầu vào sẽ rất nhiều.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế - ĐHQGHN, chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.

Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho rằng, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế.

Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đã chỉ ra, một trong những thách thức của quá trình chuyển đổi xanh là khó khăn trong việc huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước.

Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức quốc tế song phương và đa phương cam kết hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, họ đưa ra những chương trình, các dự án rất cụ thể, tuy nhiên năng lực triển khai của Việt Nam vẫn còn yếu và tương đối chậm.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho rằng, thách thức lớn nhất mà thực tế các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi xanh đó là các luật điều chỉnh hiện nay chưa đồng bộ.

“Các Luật không tích hợp được với nhau, khi triển khai thì rất khó cho các cơ quan công quyền trong giải quyết thủ tục hành chính trong phát triển xanh, đó là khó khăn lớn nhất. Vấn đề vốn không quan trọng bằng chính sách, nếu có chính sách tốt, doanh nghiệp có thể tự biết cách xoay sở, huy động vốn và lúc đó nguồn vốn đầu vào sẽ rất nhiều”.

Bàn về giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, các chuyên gia cho rằng, trước hết, chính phủ cũng cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn.

Sớm công bố danh mục phân loại xanh.

Sớm công bố danh mục phân loại xanh.

Cùng với đó, cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài. Tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp.

Ngoài ra, cần có cơ sở pháp lý và quy chế rõ ràng làm cơ sở cho điều tra, thăm dò, khảo sát, khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo theo hướng khuyến khích sử dụng và sản xuất năng lượng từ các nguồn này trong cộng đồng cư dân nông thôn, miền núi.

Theo đó, cần sửa Luật Điện lực, xây dựng luật về năng lượng tái tạo theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; giải quyết việc giải phóng năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư; cho phép cơ chế mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là dự án điện mặt trời.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chuyen-doi-xanh-co-chinh-sach-tot-von-khong-con-la-van-de-d112363.html