Chuyển đổi xanh ở Việt Nam: Từ nhận thức đến hành động
Việt Nam đang có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành động liên quan đến phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vị thế yếu trước biến đổi khí hậu
Cùng với sự thay đổi của khung pháp lý quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đang nhận thức ngày càng rõ ràng về sự cần thiết phải quản lý các rủi ro liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là các rủi ro về môi trường và biến đổi khí hậu. Các vấn đề liên quan đến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Với đường bờ biển dài 3.300 km và nhiều khu vực đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu do đặc thù về điều kiện tự nhiên khi phải đối mặt với nguy cơ tăng cường các hiện tượng cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán và mực nước biển dâng.
Tính đến năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu ASEAN về mức độ chịu tác động của biến đổi khí hậu và đứng ở vị trí 127 trên tổng số 182 quốc gia về khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp sử dụng năng lượng từ than dẫn đến mức phát thải khí nhà kính khá cao, nếu không có các biện pháp thích ứng kịp thời thì theo các báo cáo quốc tế biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh nghèo đói, đặc biệt là nhóm dân cư có thu nhập thấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn đe dọa đến sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Nhận thức...
Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được các thách thức này và bắt đầu tích cực đưa các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược quốc gia. Trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cam kết sẽ chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và tập trung vào phát triển bền vững, bao gồm việc huy động tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, cam kết thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tích cực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, khử carbon và phát triển các ngành công nghiệp bền vững hơn. Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều chiến lược và kế hoạch hành động để thúc đẩy quá trình chuyển dịch này.
Các doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và có vốn đầu tư nước ngoài đang dần chuyển mình theo xu hướng phát triển bền vững. Một khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 80% các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu thực hiện các mục tiêu ESG hoặc có kế hoạch thực hiện trong tương lai. Các công ty này nhận thức được rằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG không chỉ là một yêu cầu xã hội, mà còn là yếu tố quyết định sự bền vững và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc triển khai ESG tại Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức khi khoảng 67% doanh nghiệp tham gia khảo sát thừa nhận rằng họ gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định chưa thực sự rõ ràng và thiếu minh bạch về tài chính xanh và các tiêu chuẩn ESG.
Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn hơn trong việc áp dụng các phương pháp phát triển bền vững do thiếu nguồn lực, chi phí cao và thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn ESG.
... và hành động
Việt Nam đang dần hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp chú trọng đến phát triển bền vững. Chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực và cải thiện chất lượng công tác báo cáo phát triển bền vững.
Cùng với đó các doanh nghiệp cũng phải tìm cách tạo ra giá trị lâu dài cho cả cộng đồng và môi trường đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Với sự gia tăng yêu cầu từ các nhà đầu tư và các bên liên quan về việc thực hiện ESG, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược quản trị, giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Những nỗ lực này sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu các rủi ro mà còn mở ra cơ hội phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng, Việt Nam có thể đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là đang đi đúng hướng và những doanh nghiệp kiên định với phát triển bền vững sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Ngay cả trong khu vực Đông và Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan, cho thấy quốc tế đánh giá rất tích cực về thành tựu của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững.