Chuyện Đông chuyện Tây cùng học giả An Chi

GS Cao Xuân Hạo nhận xét về An Chi: 'Những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn được phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc'.

Trong “Lời tựa” dành cho bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây ở lần in đầu tiên năm 1997, GS. Cao Xuân Hạo có viết “Nhiều bài giải đáp của An Chi làm cho người đọc thấy hé mở ra những luận điểm khoa học quan trọng và thú vị”. Lần giở qua những trang sách của bộ Chuyện Đông chuyện Tây, chúng ta quả thấy lời ấy không hề là ngoa ngôn khi tác giả sẽ dẫn dắt người đọc qua đủ loại kiến thức kim cổ, đông tây bằng những kiến giải khoa học.

Tác phẩm Chuyện Đông chuyện Tây khởi từ những bài viết giải đáp độc giả trên chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tạp chí Kiến thức ngày nay trong gần 20 năm. Học giả An Chi (y chang theo lối nói lái Nam Bộ) có tên thật Võ Thiện Hoa với vốn kiến thức không ngừng bồi bổ, tự học được độc giả tin tưởng trao gửi nhiều câu hỏi khó đủ mọi thể loại những mong có được sự giải đáp tường minh. Thư ký tòa soạn của Kiến thức ngày nay Lê Khắc Cường khi nhớ lại những ấn tượng của tạp chí trong lòng độc giả, đã hồi tưởng: “Chuyện Đông chuyện Tây” chính là chuyên mục thành công nhất của Kiến thức ngày nay, điều ấy không phải bàn cãi. Hàng ngày tôi đọc được bao nhiêu thư của bạn đọc khen “Chuyện Đông chuyện Tây”, khen sự uyên bác của người phụ trách”.

Chuyện Đông chuyện Tây qua các lần in. Ảnh: Trần Đình Ba.

Chuyện Đông chuyện Tây qua các lần in. Ảnh: Trần Đình Ba.

Đọng lại qua Chuyện Đông chuyện Tây là gì? Vẫn lời giáo sư họ Cao nhận xét: “những câu trả lời của anh [An Chi] trên tạp chí đã làm thỏa mãn được phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao”.

Chủ đề chiếm dung lượng lớn của tác phẩm là Truyện Kiều và từ nguyên. Điều này có thể dẫn chứng như đề tài Truyện Kiều với những giải đáp câu “Tà tà bóng ngả về Tây”, vóc dáng “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” của Từ Hải hay chim quyên trong các câu “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”, “Dưới trăng quyên đã gọi hè”… Đối với từ nguyên ta sẽ có những giải đáp thú vị thế nào là “phớt Ăng lê”, hai tiếng “thổ mộ” trong xe thổ mộ do đâu mà có… Ngoài ra những giải đáp về lịch sử, văn hóa, thể thao và nhiều lĩnh vực khác cũng rất thấu đáo, hấp dẫn như địa danh Ba Son, quốc hiệu Đại Cồ Việt hoặc “Rể Đông sàng, dâu Nam gián”…

Học giả An Chi tại buổi giao lưu ra mắt bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây phiên bản đầy đủ tại Hội sách TP.HCM năm 2018.

Học giả An Chi tại buổi giao lưu ra mắt bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây phiên bản đầy đủ tại Hội sách TP.HCM năm 2018.

Cho đến nay, Chuyện Đông chuyện Tây đã trải qua 4 lần ấn hành với lần in đầu tiên gồm ba tập (tập 1 và tập 2 in năm 1997, tập 3 in năm 1999). Lần thứ hai in năm 2005 với bốn tập, lần thứ ba in năm 2006 gồm sáu tập. Năm 2017, tập 7 được in và năm 2018, phiên bản đầy đủ nhất từ trước tới nay của tác phẩm được in bởi NXB Tổng hợp TP.HCM trên cơ sở sáu tập xuất bản năm 2006 và tập 7 xuất bản cuối năm 2017.

Ở lần xuất bản năm 2018, tác giả có sự hiệu chỉnh một số câu trả lời. Ngoài những nội dung đã được bạn đọc biết đến qua các lần xuất bản trước đó, cùng với thời gian tích lũy, nghiên cứu, tác giả có phần “Viết thêm cho lần in năm 2018”. Dù đó chỉ là đôi dòng nhưng cho thấy sự cẩn trọng của An Chi đối với học thuật. Điểm này có thể bắt gặp ở các câu “Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là “Tàu”?”, cập nhật các đời Tổng thống Mỹ, giải thích chữ giao thừa ở tập 1 hay Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Kính tên nào là đúng, “cám ơn” và “cảm ơn” từ nào thực nghĩa nhất ở tập 2…

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chuyen-dong-chuyen-tay-cung-hoc-gia-an-chi-post1026900.html