Chuyển động cùng 4.0

Đón đầu xu thế công nghệ 4.0, các cơ sở ĐH khối STEM đã mở mã ngành đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI), robot, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa…

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm.

Hợp tác "win - win"

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty ABB Việt Nam (Tập đoàn ABB Robotics Việt Nam). Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, ABB sẽ tài trợ cho nhà trường Trạm Robot demo phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu; triển khai phần mềm ứng dụng mô phỏng Robot Studio. Thiết bị tài trợ gồm một máy chủ server và 100 máy con để hỗ trợ sinh viên thực hành và nghiên cứu khoa học.

ABB cũng chọn cử các chuyên gia đồng hành với nhà trường nhằm hướng dẫn sinh viên thực hành, thí nghiệm; chia sẻ tri thức, công nghệ và kinh nghiệm thiết kế, chế tạo robot; đồng thời tài trợ học bổng và tiếp nhận sinh viên thực tập các ngành kỹ thuật có liên quan.

Ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa (ABB) cho biết: “ABB mong muốn đem lại thêm cơ hội học tập và trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa, nhất là với các ngành chế tạo Robot, điều khiển và tự động hóa. Ký kết hợp tác sẽ giúp các trường rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với môi trường sản xuất hiện đại. Doanh nghiệp cũng có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng. Theo đó, dự án hoạt động với mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ gồm các thế hệ Robot, thiết bị bay không người lái, công nghệ trí tuệ nhân tạo, thiết bị năng lượng Hydro, thiết bị nano, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới… Đây là một trong những trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) đầu tiên của Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu, phát triển các sản phẩm với hàm lượng chất xám và công nghệ cao.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng sẽ được Công ty Cổ phần NecScat hỗ trợ thực hiện dự án Lab nghiên cứu liên quan đến thiết kế sáng tạo trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (Genertive Design AI). Với sự tài trợ này, cả sinh viên và giảng viên nhà trường có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, hiện đại nhất để nghiên cứu và phát triển dự án về trí tuệ nhân tạo.

Một phòng nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng có sự hợp tác với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Một phòng nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng có sự hợp tác với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Sẵn sàng cung ứng nhân lực

Mùa tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh thuộc ĐH Đà Nẵng đều mở các ngành mới liên quan đến công nghệ cao như ngành Robot và trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ nano…

Để đáp ứng yêu cầu mở ngành trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn đã chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giảng viên và thiết bị, cơ sở vật chất để giảng dạy, thực hành. Nhà trường có hơn 10 tiến sĩ nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực AI. Bên cạnh cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ và hiện đại, VKU tiếp tục mở rộng hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua biên bản hợp tác MoU triển khai xây dựng Lab nghiên cứu và dự án nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo - công nghệ mới…

Để phục vụ cho Cách mạng công nghiệp 4.0 và các công nghệ cốt lõi, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã và đang triển khai dự án trọng điểm là phòng Nghiên cứu và Đào tạo thực hành chuyển đổi số trị giá 10 tỷ đồng. Dự án này đã đưa vào khai thác. Ngoài ra, ODA tài trợ để xây dựng phòng thí nghiệm Động lực và Sản xuất tự động trị giá 32 tỷ đồng đã qua giai đoạn rà soát và dự kiến khai thác năm 2025. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cũng có 2 phòng thí nghiệm Cơ Điện tử và phòng thí nghiệm Hệ thống nhúng & Vi điều khiển đủ khả năng phục vụ cho ngành mới.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: Các khoa đã chủ động đưa chế tạo Robot thông minh vào các chương trình đào tạo ở một số ngành như Cơ Điện tử (khoa Cơ khí), Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa (khoa Điện). Điều này giúp sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng khi các vị trí việc làm ngày càng gắn liền với phát triển sản phẩm, hệ thống, tiện ích thông minh, kiến tạo đô thị thông minh… Ngoài ra, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành liên quan đến AI như Khoa học dữ liệu và AI; Hệ thống thông tin và AI trong xây dựng.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-dong-cung-40-post628126.html