Chuyển động lịch sử ở Trung Đông

Ảrập Xêút trở thành nước chủ nhà tiếp đón các phái đoàn ngoại giao quan trọng từ Iran và Syria, trong bối cảnh các quốc gia vùng Vịnh chuẩn bị thiết lập lại quan hệ ngoại giao sau nhiều năm chia rẽ cay đắng.

Syria sẽ sớm hết bị cô lập?

Chỉ vài giờ sau khi truyền thông nhà nước Iran cho biết phái đoàn của họ đã hạ cánh ở Riyadh, Ảrập Xêút cũng thông báo về sự xuất hiện của Ngoại trưởng Syria tại thành phố Jeddah ở nước này hôm 12.4 - chuyến đi đầu tiên như vậy kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011.

Cộng thêm việc Tổng thống Iran dự kiến sẽ sớm đến Ảrập Xêút và Ảrập Xêút đàm phán với phiến quân Houthi của Yemen trong tuần này nhằm nỗ lực chấm dứt giao tranh ở đây, nhiều người dân ở vùng Vịnh đầy sóng gió đang hy vọng các động thái đó sẽ báo hiệu một thời kỳ yên bình hơn ở phía trước. Một nhà ngoại giao Ảrập nói với AFP rằng, việc cả người Iran lẫn người Syria có mặt ở Ảrập Xêút trong cùng một ngày là điều “không thể tưởng tượng nổi cách đây vài tháng”.

Ngày 14.4, đại diện của 9 quốc gia Ảrập gặp gỡ tại thành phố Jeddah để thảo luận về việc nhất trí cho quốc gia bị cô lập từ lâu của Tổng thống Syria Bashar Assad tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Ảrập vào tháng tới. Trước đó, ngày 12.4, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad có cuộc gặp với người đồng cấp Ảrập Xêút- Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah để thảo luận về “những nỗ lực nhằm đạt được giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria nhằm duy trì sự thống nhất, an ninh và ổn định của Syria”, Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút cho biết.

Sự kiện “mang tính bước ngoặt” này không chỉ đánh dấu sự tan băng trong quan hệ song phương sau hơn một thập kỷ, mà còn là dấu hiệu tích cực cho thấy tình trạng cô lập trong khu vực của Syria sắp kết thúc, theo hãng tin Reuters. Hai quan chức đã thảo luận về tiến trình nối lại dịch vụ lãnh sự và các chuyến bay 2 bên, đồng thời đồng thuận trong hợp tác chống buôn bán ma túy, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho Syria trở lại thế giới Ảrập.

Thực sự, cái bắt tay giữa Ảrập Xêút và Syria đánh dấu bước phát triển quan trọng nhất trong bối cảnh các quốc gia Ảrập bình thường hóa quan hệ với chính quyền Tổng thống Assad. Được biết, chuyến công du diễn ra vài tuần sau khi Ngoại trưởng Syria Mekdad gặp gỡ các nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập và Jordan, cũng là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ. Ngoài ra, ngày 12.4, Syria và Tunisia đã đồng ý mở lại các đại sứ quán 2 bên. Thực tế, trong vài tháng qua, nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao đã được thúc đẩy với Tổng thống Syria Assad, khi ông được mời tới thăm UAE và Oman năm nay.

Tín hiệu lạc quan với Iran và Yemen

Mới đây, Tehran cũng tuyên bố gửi phái đoàn Iran đến Riyadh vào 14.4 để mở đường cho việc mở lại các cơ quan ngoại giao sau 7 năm rạn nứt quan hệ. Chuyến đi diễn ra sau khi một phái đoàn Ảrập Xêút thực hiện chuyến đi tương tự tới Thủ đô của Iran và sau cuộc gặp lịch sử ở Trung Quốc giữa ngoại trưởng của hai Chính phủ, mà nội dung của nó đã cam kết mang lại ổn định cho khu vực. Ngoài ra, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã được mời đến Ảrập Xêút, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của một Tổng thống Iran tới nước này kể từ khi ông Mahmoud Ahmadinejad tham dự cuộc họp khu vực ở Mecca vào năm 2012.

Một loạt hoạt động ngoại giao diễn ra sau thông báo mang tính bước ngoặt vào tháng trước, do Trung Quốc làm trung gian rằng Iran và Ảrập Xê út, những quốc gia ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, sẽ nỗ lực để nối lại quan hệ song phương. Bước đột phá dường như bất ngờ này có thể cho thấy thỏa thuận giữa Tehran và Riyadh có thể ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc khủng hoảng khác trong khu vực, nơi sự cạnh tranh của họ đã góp phần thúc đẩy các cuộc xung đột, bao gồm cả cuộc chiến ở Syria.

Riyadh từng cắt đứt quan hệ với Tehran vào năm 2016 sau khi những người biểu tình Iran tấn công các cơ quan ngoại giao của Ảrập Xêút sau vụ tử hình giáo sĩ Shiite người Ảrập Xêút Nimr al-Nimr - một trong những căng thẳng giữa hai nước đối địch lâu năm.

Khi các mối liên hệ phát triển, Ảrập Xêút cũng đang đàm phán với quân nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, 8 năm sau khi tiến hành cuộc can thiệp quân sự nhằm đánh bật lực lượng này khỏi quyền lực ở quốc gia nước láng giềng. Đại sứ Ảrập Xêút Mohammed Al-Jaber đã tới Thủ đô Sanaa, do quân nổi dậy nắm giữ ở Yemen, trong tuần này với hy vọng “ổn định” thỏa thuận ngừng bắn đã mất hiệu lực, đồng thời và hướng tới “giải pháp chính trị toàn diện” giữa người Houthis và Chính phủ bị lật đổ.

Ảrập Xêút tập hợp liên minh đa quốc gia để chống lại Houthis vào năm 2015, sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Sanaa và các vùng rộng lớn của đất nước, buộc quân Chính phủ phải tháo chạy. Yemen trở thành chiến trường lớn và hai nước cũng tranh giành ảnh hưởng ở Syria, Iraq và Lebanon.

Các nhà phân tích nhận định, Ảrập Xêút, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hiện muốn thoát khỏi cuộc chiến kéo dài 8 năm để tập trung vào các dự án trong nước nhằm đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của mình. Trong khi đó, Israel tỏ ra cảnh giác, lo ngại rằng Ảrập Xêút đang rời xa việc bình thường hóa với nhà nước Do Thái để cải thiện quan hệ với Tehran, đồng thời giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của Jerusalem nhằm thành lập một liên minh khu vực gồm các quốc gia Ảrập chống lại Iran.

Có thể nói, khi các quân cờ đang di chuyển nhanh chóng trên bàn cờ Trung Đông, đây có thể là lần thiết lập lại sâu sắc nhất kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979, vốn đã chia các nước trong khu vực thành các khối ủng hộ và chống đối giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni. Trục Iran-Syria-Hezbollah do người Shiite thống trị không chỉ là đối thủ chính của nhóm các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) người Sunni, mà còn tạo thành lực lượng kháng cự duy nhất chống lại sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng đất của người Palestine.

Theo một số nhà quan sát, sự thay đổi sâu sắc như vậy trong nền chính trị Trung Đông hiện nay chỉ có thể xảy ra khi nó xuất phát trực tiếp từ Ảrập Xêút, quê hương của 1/4 trữ lượng dầu được biết đến của thế giới, biến nước này là nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC, vốn được ví là ngân hàng trung ương của vàng đen. Điều đó, giúp cho quốc gia vùng Vịnh này đủ sức nặng để mang đến những ảnh hưởng quan trọng trong toàn bộ khu vực.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chuyen-dong-lich-su-o-trung-dong-i323971/