Chuyển động quân sự đáng chú ý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Vào tháng 7/2024, Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung với Đức, Tây Ban Nha và Pháp, đánh dấu đợt triển khai lực lượng không quân ba bên đầu tiên của các nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là động thái đáng chú ý, nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Nhật Bản ngày càng mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoruan tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 25/6 rằng lần đầu tiên lực lượng Không quân Nhật Bản (ASDF) sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận chung với lực lượng không quân của Đức, Pháp và Tây Ban Nha tại Nhật Bản vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên máy bay của lực lượng không quân ba nước châu Âu sẽ được triển khai tới Nhật Bản cùng một lúc.

Cuộc tập trận chung thuộc chương trình Pacific Skies 24, mà theo Airbus, có hơn 1.800 quân nhân Đức, Pháp và Tây Ban Nha trên 9 chiếc Airbus A400M, 6 A330 MRTT, 12 Eurofighter, 12 Tornados, một A330-200 và 4 trực thăng H145M, sẽ tham gia cuộc tập trận lịch sử trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các sứ mệnh trong cuộc tập trận trải rộng từ vùng sa mạc, vùng băng giá và môi trường nhiệt đới.

Các cuộc tập trận giữa lực lượng vũ trang Nhật Bản với các quốc gia thành viên NATO đã được tăng cường kể từ năm 2021 trong bối cảnh Nhật Bản mở rộng quan hệ nghiêm túc với các quốc gia thuộc khối Bắc Đại Tây Dương. Thủ tướng Fumio Kishida có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7. Trước đó, ông đã tham dự các hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (năm 2022) và Vilnius (năm 2023).

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cuộc tập trận với các nước châu Âu sẽ giúp nâng cao kỹ năng chiến thuật của lực lượng không quân nước này nhưng cũng “hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Thủ tướng nước này nhiều lần gọi vấn đề an ninh của các nước châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời.

“Nhật Bản và NATO chia sẻ sự hiểu biết về tầm quan trọng của việc không đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực ở bất cứ đâu trên thế giới, duy trì trật tự thế giới tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền”, Thủ tướng Fumio Kishida giải thích, giữa Nhật Bản và các nước đồng minh có những những giá trị cốt lõi. Ông nói thêm rằng ông có kế hoạch mở rộng hợp tác với các nước thành viên NATO, nhưng đồng thời loại trừ khả năng nước này gia nhập NATO.

Nâng cao năng lực quốc phòng

Trong vài năm trở lại đây, các nước châu Âu đã hợp tác tích cực hơn với Nhật Bản và các đồng minh khác của Washington trong khu vực, như Australia, Philippines và Hàn Quốc. Gần đây, truyền thông nói nhiều đến kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh-quốc phòng với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo tờ Nikkei, thông qua hợp tác với các đối tác châu Âu, Tokyo có thể cải tiến công nghệ quốc phòng, mở rộng kênh xuất khẩu thiết bị và giảm chi phí sản xuất. Brussels, Tokyo và Seoul cũng có kế hoạch xem xét hợp tác trong các lĩnh vực không gian, an ninh mạng, chống thông tin sai lệch và tăng cường an ninh hàng hải. Đồng thời, quan hệ đối tác giữa EU và Nhật Bản sẽ bao gồm hợp tác trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo dự kiến, tài liệu sẽ được thông qua trước cuối năm 2024, để bắt đầu có thời hạn từ năm 2025, Brussels có thể phân bổ ngân sách cho các dự án chung của các công ty châu Âu và Nhật Bản.

Theo giới phân tích chính trị, trong bối cảnh cả châu Âu và Nhật Bản đều đang phải đối phó với những bất ổn an ninh ở khu vực, thì việc các nước này tăng cường hợp tác quân sự là điều dễ hiểu. Nếu như môi trường an ninh châu Âu bị tác động nặng nề bởi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine và các chuyển động quân sự của Nga và NATO, thì Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, đặc biệt “nóng lên” thời gian gần đây sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn biến khó lường, nguy cơ cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng và thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, sẵn sàng gây sức ép với các nước đồng minh buộc Nhật Bản hay EU phải tăng cường tính tự chủ chiến lược.

Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc là mục tiêu chính?

Theo Izvestia, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, Andrei Kortunov, nhận định rằng, một mặt, sự hợp tác giữa Nhật Bản và các nước châu Âu cho thấy xu hướng toàn cầu hóa của NATO. Nghĩa là, NATO, chủ yếu thông qua nỗ lực của Washington, đang bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Và xu hướng này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được hình thành. Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc đều tham gia các hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022, 2023, và rõ ràng sự phối hợp trong các hoạt động quân sự giữa NATO và hai đồng minh châu Á này đang đạt đến một cấp độ mới, phát triển mạnh mẽ.

Mặt khác, theo chuyên gia Andrei Kortunov, mục tiêu chính của Brussels, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc là ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Theo các nước này, hiện Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên bế tắc, các bên cần phối hợp để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định cho khu vực.

Bên cạnh đó, chuyên gia Andrei Kortunov cho rằng, ngoài Triều Tiên, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc là động lực thúc đẩy hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và các nước phương Tây. “Có một câu hỏi mở lớn là EU sẽ sẵn sàng đi theo chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc ở mức độ nào, vì điều này sẽ đi kèm với những tổn thất rất lớn về mặt kinh tế. Chúng tôi thấy rằng, EU mặc dù không muốn rơi vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đã đưa ra một số hạn chế đối với hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và đầu tư của Trung Quốc”, nhà khoa học chính trị Andrei Kortunov nhận định.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện Châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp, Vasily Kashin cho rằng, hợp tác giữa Nhật Bản và các nước phương Tây cho thấy xu hướng toàn cầu hóa của NATO; trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia là những mắt xích quan trọng trong xu hướng này, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nguyên nhân là do Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia là những đồng minh quan trọng của Mỹ và các nước này có tiềm năng quân sự, công nghiệp quốc phòng rất đáng kể.

Theo Vasily Kashin, Trung Quốc và Nga, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ nhìn nhận chiến lược toàn cầu hóa NATO là một mối đe dọa nghiêm trọng, đi ngược lại lợi ích của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc xem các cuộc tập trận sắp tới giữa Nhật Bản và các nước phương Tây là động thái khiêu khích, với mục đích chống lại Bắc Kinh, và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có những phản ứng mạnh mẽ, gay gắt với các cuộc tập trận này.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-dong-quan-su-dang-chu-y-o-an-do-duong-thai-binh-duong-218397.htm