Chuyện 'đốt tiền' du đấu của VĐV cầu lông Việt Nam
VĐV cầu lông tại Việt Nam có mức thu nhập trung bình cao hơn đồng nghiệp ở những bộ môn khác nhưng những người nuôi mộng vươn ra thế giới sẽ chẳng bao giờ có tiền tích lũy, thậm chí phải liên tục tìm nguồn tiền để noi bước những tay vợt như Tiến Minh, Thùy Linh.
Giải thưởng không đủ bù chi phí
Trong tuần cuối tháng 10, bốn tay vợt TP Hồ Chí Minh lên đường đến Indonesia thi đấu. Điểm đến của họ là một giải có cấp độ tương đương Việt Nam Mở rộng. 3/4 tay vợt Việt Nam dừng bước sau trận đấu đầu tiên, chỉ có Nguyễn Hải Đăng tiến sâu. Hải Đăng để thua ở trận tứ kết cũng là trận đấu thứ 3 của anh tại giải đấu này.
Ít giờ sau khi trận đấu khép lại, Hải Đăng nói đây là lần đầu tiên anh lọt vào tứ kết một giải có cấp độ Super 100 của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Cột mốc này vẫn khá khiêm tốn nhưng phần nào cho thấy sự khốc liệt của sân chơi cầu lông quốc tế. Ở đó, VĐV Việt Nam luôn phải thi đấu cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền mỗi lần xuất ngoại.
Với Hải Đăng và các tay vợt Việt Nam, họ hiểu rõ hơn ai hết vị thế của mình trên bản đồ cầu lông thế giới. Hải Đăng có thể được xếp hạt giống số 5 tại Indonesia Masters nhưng anh biết mình còn phải học hỏi nhiều từ những đối thủ không được xếp hạt giống. Người đánh bại Hải Đăng ở tứ kết giải là một tay vợt như vậy.
Dù không còn giữ vị thế độc tôn như những năm trước, châu Á vẫn được ví như cái rốn của cầu lông thế giới. Những tay vợt hàng đầu luôn tập trung tại Đông Á và Đông Nam Á. Mỗi giải đấu nhỏ trong khu vực luôn có hàng trăm tay vợt tuyến dự bị của các đội tuyển đăng ký tham dự. Họ có thực lực không kém những tay vợt hàng đầu Việt Nam.
"Tránh gần, đánh xa" là điều thường thấy của cầu lông Việt Nam trong 7-10 năm gần đây. Để tích lũy điểm số và cải thiện thứ hạng, các tay vợt Việt Nam thường chọn những giải đấu cách khá xa châu Á. Đó là cách duy nhất để họ tích lũy nhiều điểm hơn, bởi mọi người đều hiểu mình chưa thể kiếm tiền ngay từ thi đấu quốc tế.
Trong trường hợp của Hải Đăng, việc lọt vào tứ kết Indonesia Masters giúp anh nhận được 600 USD tiền thưởng. Con số này chưa thể chi trả kinh phí du đấu trong khu vực Đông Nam Á, ước tính tiêu tốn trên dưới 20 triệu đồng cho một giải kéo dài 1 tuần. Với các giải đấu nằm cách xa Việt Nam hơn, chi phí sẽ lớn hơn nhiều.
2 tháng trước, Hải Đăng và Đức Phát từng đến châu Phi thi đấu. Điểm đến của họ là Nigeria, nơi có giải đấu hàng năm có quy mô lớn nhất lục địa đen. Họ có dịp chứng kiến sự nghiệp dư trong công tác tổ chức thi đấu cầu lông tại nơi đây. Kết thúc giải, mỗi tay vợt nhận về số dư tài khoản âm trên dưới 50 triệu đồng.
Lý do của mỗi bên
Bên cạnh tay vợt Nguyễn Thùy Linh ở nội dung đơn nữ, Nguyễn Hải Đăng và Lê Đức Phát (đơn nam) là những tay vợt Việt Nam hiếm hoi thường xuyên du đấu quốc tế. Phần lớn kinh phí thi đấu của họ được các tay vợt chấp nhận bỏ ra chi trả. Họ đánh đổi thu nhập bản thân và khoản tiết kiệm từ gia đình để nuôi ước mơ vươn ra thế giới.
Lý do chính khiến các tuyển thủ như Thùy Linh, Hải Đăng, Đức Phát thi đấu tự túc là kinh phí. Họ chỉ có thể xin đơn vị chủ quản cũng như đội tuyển quốc gia bao tiêu ở một số giải như vô địch thế giới, vô địch châu Á, SEA Games. Những giải đấu nằm ngoài hệ thống này không hỗ trợ kinh phí, VĐV muốn thi đấu phải tự chi tiền.
Số tiền VĐV phải chi để du đấu quốc tế thực sự nằm ngoài khả năng của các cá nhân thông thường. Một giải đấu ở Đông Nam Á hết trên dưới 20 triệu, giải ở châu Phi, Australia hoặc New Zealand hết 50-60 triệu. Nếu VĐV thi đấu tại châu Âu hoặc Mỹ, con số có thể lên tới 70-100 triệu đồng cho mỗi chuyến đi.
Khoản kinh phí quá lớn cho kế hoạch du đấu quốc tế cũng là lý do khiến đội tuyển quốc gia và bộ môn không thể kham nổi. Thật khó tưởng tượng bộ môn Cầu lông, hoặc Liên đoàn Cầu lông Việt Nam chi tới hàng trăm triệu đồng cho một nhóm tay vợt thi đấu quốc tế trong 1 tuần. Bởi, con số đó tương đương khoản tiền tổ chức một giải trong nước.
Một lý do khác khiến trung ương và địa phương "ngại" đầu tư cho VĐV du đấu là tính hiệu quả. Trong quá khứ, nhiều đơn vị từng chi đậm để đưa VĐV cầu lông tập huấn, thi đấu quốc tế suốt thời gian dài. Nhưng cuối cùng, phần lớn các khoản đầu tư đều mất trắng, khi VĐV nghỉ thi đấu sớm để chuyển sang công việc kinh doanh, dạy học.
Trong câu chuyện VĐV tự túc kinh phí thi đấu quốc tế, đồng thời không có HLV đồng hành, mỗi bên đều có lý do để giải thích cho quyết định của họ. Hiện tại, chỉ có TP Hồ Chí Minh là địa phương hiếm hoi có kinh phí đưa toàn đội thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, họ cũng chỉ có thể lo liệu cho các VĐV đấu 2-3 giải mỗi năm, một con số khiêm tốn.
"VĐV du đấu quốc tế chỉ có một phần nhờ kinh phí từ các bên liên quan và địa phương. Phần lớn số tiền chúng tôi sử dụng là tiền cá nhân, hoặc gia đình hỗ trợ. Vì thế, mong người hâm mộ có thể động viên nhiều hơn, thay vì miệt thị, xúc phạm mỗi khi chúng tôi đấu không như ý tại các giải quốc tế", Hải Đăng bộc bạch trên mạng xã hội.
Không thể đấu quốc tế vì không đủ điểm
Tại Việt Nam Mở rộng 2024, tay vợt nữ số 2 Việt Nam là Trần Thị Phương Thúy có đăng ký tham gia thi đấu. Nhưng ở thời điểm chốt danh sách, cô chỉ được xếp vào nhóm VĐV dự bị và cuối cùng không có quyền tranh tài. Lý do khiến Phương Thúy, một tay vợt có chuyên môn rất tốt, chưa đấu đã bị loại là bởi thứ hạng quốc tế của cô quá thấp.
Trái với vị thế của tay vợt nữ số 2 Việt Nam, Phương Thúy hiện nằm ngoài top 500 thế giới. Trước đó, cô từng lọt vào top 200 sau khi lọt vào bán kết Việt Nam Mở rộng 2022. Nhưng đến năm 2023, Phương Thúy bị loại sớm và mất hết điểm tích lũy. Việc không thi đấu quốc tế nhiều sau đó cũng khiến cô ngày càng tụt hạng.
Phương Thúy, Anh Thư, Vũ Thị Trang và nhiều tay vợt Việt Nam khác sẽ có cơ hội tích lũy thêm điểm số vào cuối năm nay. Tháng 11 là thời điểm Việt Nam chứng kiến 2 giải đấu có cấp độ International diễn ra. Tuy nhiên, nhiều đội tuyển như Trung Quốc, Malaysia và Indonesia cũng cử lực lượng rất mạnh đến tham dự giải lần này.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/chuyen-dot-tien-du-dau-cua-vdv-cau-long-viet-nam-i749130/