Chuyện dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường
Việc dựng rạp tổ chức đám tiệc lấn chiếm lòng lề đường đã diễn ra từ lâu, gây không ít hệ lụy nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Gia đình nào cũng có lần tổ chức tiệc cưới hỏi, tân gia, sinh nhật, đám giỗ, tang lễ... Nhưng địa điểm tổ chức ở đâu lại là chuyện không đơn giản.
Trước đây, đám tiệc được tổ chức trong nhà, nếu khách đông thì che rạp ở sân. Kinh tế phát triển, do nhu cầu nhà ở và để thuận tiện việc đi lại, làm ăn nên ngày càng có nhiều nhà cất dọc 2 bên những con đường mới mở rộng. Khi gia đình có đám tiệc thì đoạn đường giao thông trước nhà được xem là lựa chọn tốt nhất để che rạp.
Rạp che đến giữa đường hoặc hơn, thậm chí che toàn bộ lòng lề đường, kéo dài hàng chục thước; hầu hết không đặt cảnh báo từ xa. Khách dự phập phồng vì ngồi hay vào ra đều giữa đường, không biết bị xe đụng lúc nào. Người đi bộ hoặc xe 2 bánh có thể đi qua còn xe ô tô thì đành chịu.
Gia đình vì lý do khách quan hoặc cho rằng việc dựng rạp trước nhà là chuyện bình thường, nếu bị cự nự, đại diện chủ nhà năn nỉ: thông cảm, nhà có hữu sự. Chính quyền địa phương làm ngơ mặc dù biết việc dựng rạp trên lòng lề đường là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Người tham gia giao thông dù bị cản trở nhưng bỏ qua vì biết đâu mai mốt nhà mình cũng làm vậy.
Không chỉ cản trở giao thông, việc dựng rạp trên lòng lề đường đã gây ra không ít hậu quả.
Thông tin từ báo chí cho biết tháng 3/2019, tại Yên Bái, một rạp đám cưới dựng ngoài Quốc lộ suýt bị xe đầu kéo tông trúng, khách bỏ chạy tán loạn; trước đó, tháng 11/2015, 1 chiếc xe cẩu tránh xe máy đã đâm thẳng vào nhà dân đang dựng rạp tổ chức đám cưới, chiếm hết nửa đường ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh làm 1 người thiệt mạng, 5 người trọng thương.
Nếu như xe chữa cháy hay cấp cứu trên đường thực thi công vụ bị vướng phải rạp che thế này thì chưa biết thiệt hại đến tính mạng, tài sản sẽ như thế nào.
Cho thấy việc dựng rạp cưới giữa đường cực kỳ nguy hiểm, nhưng vì có gia đình tùy tiện, coi thường pháp luật; chính quyền địa phương buông lỏng quản lý; cộng đồng tế nhị, cả nể, ngại phiền toái, do đó, việc dựng rạp chiếm lòng lề đường lâu dần được xem thành chuyện bình thường.
Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ, việc dựng rạp tổ chức đám tiệc trên lòng lề đường bị nghiêm cấm nếu không thuộc trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền cho phép; Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định mức xử phạt đến 6 triệu đồng đối với cá nhân nếu lấn chiếm lòng lề đường trái phép và có thể bị khởi tố hình sự nếu xảy ra thương vong do tai nạn giao thông vì hành vi này.
Hiện nay, nếu gia đình không đủ chỗ tổ chức đám tiệc trong khuôn viên gia đình thì có nhiều cách lựa chọn tùy hoàn cảnh, điều kiện, quy mô tổ chức như: thuê khách sạn, nhà hàng, mượn hoặc thuê sân bóng đá hoặc nhà văn hóa, sân trường học trong ngày nghỉ. Tang lễ có thể tổ chức ở Nhà tang lễ, nếu không đủ điều kiện, buộc phải che rạp ngoài đường cần xin phép chính quyền địa phương và đặt cảnh báo từ xa.
Đã đến lúc phải kiên quyết, triệt để dẹp bỏ việc che rạp đám tiệc lấn chiếm lòng lề đường. Từng người tự giác; địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, quản lý; cộng đồng đóng góp và không xuề xòa, thông cảm nhau cũng là việc chấp hành pháp luật, ngăn ngừa hậu quả.