Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: Những phận đời phụ nữ chìm nổi cùng sóng nước
Ở bãi giữa sông Hồng, mỗi người phụ nữ là một mảnh đời bất hạnh nhưng họ luôn mang trong mình một ước muốn được khép lại ký ức buồn để bắt đầu viết lại một cuộc đời tươi sáng hơn.
Nhọc nhằn mưu sinh
Bãi giữa sông Hồng mùa này cứ mỗi độ chiều về lại nhộn nhịp hơn được một chút bởi những tiếng cười nói rôm rả của những người sinh hoạt tại Câu lạc bộ bơi sông Hồng. Tuy nhiên, cái không khí nhộn nhịp ấy cũng chẳng kéo dài được lâu. Và khi màn đêm buông xuống, những người đi bơi về hết thì nơi đây lại trở về với không khí bình lặng vốn có của nó.
Mùa này nước sông Hồng đang xuống nên mọi sinh hoạt của những người cư ngụ ở đây đều gói gọn trong diện tích vài mét vuông của những ngôi nhà không móng nằm lênh đênh trên mặt nước. Tiếng gọi là "nhà" cho có, chứ thực ra đó chỉ là những con thuyền, chiếc bè được dựng rất tạm bợ.
Một ít gỗ tạp, tre cong, trên nóc, xung quanh thuyền chi chít vải bạt, các tấm pa-nô, áp-phích quảng cáo hoặc quần áo rách. Thuyền, bè nào cũng được trang bị những chiếc phao, thùng phuy và thùng xốp để giữ cho nó nổi. Gắn kết những "ngôi nhà" ấy với bờ sông chỉ là một tấm ván gỗ bề ngang độ chừng hơn 20cm và sợi xích sắt, dây thừng để neo đậu không cho thuyền trôi ra sông.
Tôi ghé bãi giữa sông Hồng khi chiều tà đang buông xuống. Trên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào nơi tập trung nhiều người ngụ cư đang sinh sống, tôi vô tình gặp bà Phan Thị Thu (66 tuổi) đang lững thững lê từng bước chân khó nhọc. Một tay người phụ nữ nâng đỡ chiếc tay còn lại đang được băng bó, khuôn mặt bà nhăn lại.
Hỏi ra mới biết, cách đây chừng nửa tháng, bà Thu bị trượt ngã, tay trái chống xuống đất dẫn tới bị rạn xương. Không có tiền đến bệnh viện chữa trị, bà Thu lấy cây cỏ dại, giã nhuyễn đắp lên vết thương rồi dùng vải cột lại. Hôm nay thời tiết oi nóng, ở chỗ vết thương thỉnh thoảng lại giật lên từng chập, ngồi nhà chẳng yên nên bà Thu đi lại cho trong người dễ chịu. "Tiền ăn còn chẳng có thì làm gì có tiền đi viện", bà Thu cười chua chát rồi đon đả mời tôi xuống nhà chơi.
Bà Phan Thị Thu quê gốc ở tỉnh Nam Định. Các cụ thân sinh ra bà kinh tế không vững, lại đông con nên không thể lo chu tất cho từng đứa. Bà không lấy chồng, quá 30 tuổi thì lang bạt từ quê ra Hà Nội làm thuê, làm mướn rồi dạt về khu vực bãi giữa sông Hồng và sinh sống từ đó cho đến tận bây giờ.
Bà Thu tếu táo rằng, khi sức khỏe vẫn còn, mỗi ngày bà vẫn đều đặn đi 2 -3 vòng thành phố Hà Nội. Khi ấy, công việc chính của bà Thu là "bán sức lao động" ở chợ đầu mối Long Biên. Khu chợ ấy chỉ hoạt động về đêm nên để có tiền sinh hoạt, ban ngày, bà phải đi khắp Hà Nội để nhặt vỏ chai, phế liệu. Đều đặn bà rời nhà từ 6h sáng và kết thúc một vòng thành phố khi mặt trời đứng bóng. Sau khi nghỉ ngơi khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, bà Thu lại tiếp tục đi vòng thành phố một lần nữa.
Năm 2005, trong một lần nhặt rác tại khu vực Bệnh viện 108, bà Thu đã vô tình "nhặt được chồng". Đó là ông Nguyễn Đức Lương (quê Lạng Sơn). Ông Lương kém bà Thu 16 tuổi. Do cùng cảnh tha phương nơi đất khách quê người nên ông bà bấu víu vào nhau, làm chỗ dựa cho nhau lúc tuổi già.
Vài năm trở lại đây, ông Lương sức khỏe yếu trong khi bà Thu cũng không còn khỏe mạnh nên chẳng thể đi làm kiếm tiền được như trước khiến cuộc sống của ông bà càng thêm khốn khó. Hàng tháng, họ chỉ có thể trông chờ vào số gạo hỗ trợ của những nhà hảo tâm và sự giúp đỡ của những người hàng xóm. Bà Thu bảo trước đây khi còn khỏe, bà vẫn ước mong một lần được "lên bờ", được xa rời cuộc sống nghèo khổ, vô thừa nhận ở bãi giữa sông Hồng, nhưng hàng chục năm gắn bó tại đây và khi tuổi đã về già, bà lại chỉ ước được "nằm lại" ngay tại chính mảnh đất này.
Mơ về cuộc sống tươi sáng hơn
Bên ngoài mái hiên, con thuyền nằm ở cuối xóm Phao, bà Nguyễn Thị Hoa (85 tuổi) ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế nhựa đỏ. Trong số những người cao tuổi hiện còn đang sinh sống ở xóm Phao, bà Hoa là người cao tuổi nhất và cũng là người có thời gian cư ngụ tại đây lâu nhất.
Bà Hoa là người gốc Ba Vì (Hà Tây cũ). Cuộc sống khó khăn đưa đẩy bà đến bãi giữa sông Hồng và gắn bó tại đây ngót nghét vài chục năm. Chiếc thuyền cũ trước đây là nơi sinh sống của 5 thành viên trong gia đình bà Hoa. Thế rồi những biến cố cứ liên tiếp ập đến khiến hiện tại, chỉ còn bà sinh sống cùng 2 người cháu nội.
Hướng mặt ra phía dòng sông Hồng, bà Hoa khẽ thở dài. Dù những biến cố của gia đình đã trôi qua được nhiều năm nhưng mỗi khi phải nhớ lại, tâm trạng bà cũng đều không tốt như vậy. Bà kể, cách đây 15 năm, con trai bà đã qua đời sau khi bị đuối nước trên chính con sông Hồng này. Khi ấy, con dâu bà đang mang bầu người con thứ 2 và đứa con trai lớn mới được 4 tuổi.
Cuộc sống lênh đênh sông nước vốn đã khổ lại phải rơi vào cảnh người đàn ông duy nhất trong gia đình gặp nạn nên lại càng khổ hơn. Gánh nặng gia đình dồn cả lên vai con dâu bà Hoa. Thế rồi, có lẽ do đang mang bầu, không được nghỉ ngơi đầy đủ nên khi sinh nở đứa thứ 2, người phụ nữ ấy cũng gặp nạn. Dù được các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng cũng chỉ giữ lại được đứa trẻ.
Từ ngày con trai và con dâu qua đời, bà Hoa lại một mình nuôi dưỡng hai đứa cháu thơ dại. Đến thời điểm hiện tại, khi cả hai người cháu đều đã khôn lớn, bà Hoa cũng không thể nào hiểu được động lực nào giúp bà vượt qua những năm tháng gian khổ đó. "Có lẽ đó là nhờ tình người", bà Hoa cười hiền từ.
Theo bà Hoa, ở cái xóm nhỏ này, cái gì cũng thiếu, chỉ trừ tình người. Dù nghèo nhưng bà con sống với nhau rất chân tình, hễ nhà ai có việc gì đều gọi cả xóm ra chung vui. Có lẽ cùng số phận nên người ta dễ đồng cảm và đỡ đần nhau nhiều hơn. Giờ đây, khi đã đi gần hết cuộc đời, bà Hoa vẫn còn mong mỏi một điều duy nhất là hai người cháu sớm tìm được cho mình một cơ hội để thoát khỏi cảnh sông nước này.
Ở bãi giữa sông Hồng, mỗi người phụ nữ là một mảnh đời bất hạnh. Có người góa bụa gần 30 năm, bươn chải nơi đất khách quê người, thèm được một lần trở về quê hương nhưng lại sợ phải đối mặt với những lời dèm pha, xa lánh của hàng xóm, họ hàng. Lại có những người làm lụng chẳng quản nắng mưa, vất vả chỉ mong con cái có ngày được "lên bờ" nhưng lại bị chính con cái phụ bạc để rồi những năm tháng cuối đời phải sống lủi thủi một mình…
Những chiếc thuyền chòng chành nơi bãi giữa sông Hồng được nối sát nhau bằng những sợi dây thừng để hạn chế những biến cố có thể xảy đến mỗi khi nước dữ, bão về. Phía xa, cây cầu Long Biên lịch sử vẫn lặng lẽ đếm thời gian trôi vào vô tận. Những kiếp người chìm nổi nơi bãi giữa sông Hồng lại ước muốn được khép lại ký ức buồn để bắt đầu viết lại một cuộc đời tươi sáng hơn…