Chuyện gì đang diễn ra ở Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An?

Gạo Trung An và lãnh đạo bị phạt gần 600 triệu cho loạt lỗi vi phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu TAR vào diện kiểm soát do doanh nghiệp chưa công bố BCTC bán niên soát xét 2023.

 Gạo Trung An bị UBCK phạt gần nửa tỷ đồng với hàng loạt vi phạm, nguồn: TAR

Gạo Trung An bị UBCK phạt gần nửa tỷ đồng với hàng loạt vi phạm, nguồn: TAR

Án phạt với hàng loạt lỗi vi phạm

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Cả doanh nghiệp và lãnh đạo đều bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt vi phạm hành chính với hàng loạt lỗi vi phạm.

Ngày 29/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành quyết định xử phạt 92,5 triệu đồng với ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT. Lý do, khi ở cương vị Tổng giám đốc, ông Bình đã có hành vi thực hiện hợp đồng, giao dịch khi chưa được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận. Theo BCTC kiểm toán 2020, 2022, báo cáo tình hình quản trị năm 2020, 2021, 2022, Gạo Trung An đã có giao dịch các bên liên quan là Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang – công ty con (ông Bình làm Chủ tịch HĐQT) và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại An Thơ (bà Nguyễn Lê Bảo Trang là thành viên HĐQT độc lập của TAR và là người đại diện theo pháp luật của An Thơ). Tuy nhiên, các giao dịch này đều chưa được HĐQT chấp thuận.

Cùng ngày, UBCK cũng ban hành quyết định xử phạt Gạo Trung An tổng số tiền gần 500 triệu đồng với hàng loạt sai phạm như không công bố thông tin theo quy định, công bố sai, công bố thiếu, công bố không đúng thời hạn…

Cụ thể, công ty bị phạt số tiền 92,5 triệu đồng do không ban hành quy chế về công bố thông tin. Doanh nghiệp không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật các tài liệu biên bản kiểm phiếu họp ĐHCĐ thường niên 2021, 2022; về việc vay, cho vay với giá trị từ 10% trở lên trên tổng tài sản của công ty tại BCTC hợp nhất năm gần nhất được kiểm toán hoặc BCTC hợp nhất bán niên gần nhất được soát xét.

Đó là các khoản vay thực hiện trong năm 2021 và 2022 như vay 200 tỷ đồng tại VietinBank, vay 200 tỷ tại VPBank, vay 400 tỷ tại BIDV, vay hơn 12 triệu USD (tương đương 277 (tỷ đồng) tại Ngân hàng Keb Hana Bank, vay 17 triệu USD (391 tỷ đồng) tại Ngân hàng First Commercial Bank… Bên cạnh đó, công ty cũng cho 2 cá nhân là Nguyễn Thị An Khanh và Nguyễn Văn Tuân vay với tổng số tiền 450 tỷ đồng tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021.

Ngoài ra, doanh nghiệp gạo không công bố thông tin về ứng cử viên Ban kiểm soát (ông Đinh Xuân Hùng) 10 ngày trước khi diễn ra ĐHCĐ năm 2022; công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu như BCTC riêng và hợp nhất quý 3/2022 kèm giải trình chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ; BCTC riêng và hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã soát xét kèm giải trình biến động lợi nhuận sau thuế (LNST) so với cùng kỳ; BCTC riêng và hợp nhất quý 4/2021 kèm giải trình nguyên nhân biến động LNST so với cùng kỳ.

UBCK phạt Gạo Trung An 175 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch. Tại báo cáo thường niên năm 2020, 2021, 2022, công ty công bố thông tin ông Phạm Thái Bình không nắm giữ chức vụ tại các tổ chức khác, tuy nhiên tại báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 2021, 2022 ghi nhận ông nắm giữ chức vụ tại các công ty con và công ty liên kết. Đó là Giám đốc Công ty TNHH Novotech Trung Hưng, Công ty TNHH Sản xuất cơ bản Kinh doanh Xuất khẩu gạo Việt Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang.

Tại Báo cáo thường niên năm 2022 ghi nhận bà Nguyễn Lê Bảo Trang – Thành viên HĐQT không nắm giữ chức vụ tại các tổ chức khác, tuy nhiên theo thông tin tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bà là Giám đốc – Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại An Thơ.

Tiếp theo, công ty bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định; phạt 15 triệu đồng khi không xây dựng, trình ĐHCĐ thông qua quy chế hoạt động của HĐQT, BKS; phạt 15 triệu đồng do không quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp ĐHCĐ thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác. Cuối cùng, doanh nghiệp bị phạt tiền 125 triệu đồng vì không đảm bảo thành viên BKS đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và không thuộc các trường hợp pháp luật quy định.

Ngày 11/10, Gạo Trung An công bố đã khắc phục những vi phạm như ban hành quy chế công bố thông tin, đính chính thông tin tại các báo cáo thường niên, biên bản họp ĐHCĐ, bổ sung báo cáo tình hình quản trị công ty…

Cổ phiếu vào diện kiểm soát

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa công bố BCTC riêng và hợp nhất bán niên 2023 đã soát xét. Do vậy, HNX thông báo chuyển cổ phiếu TAR từ diện cảnh cáo sang diện kiểm soát từ 12/10. Cổ phiếu bị cắt margin từ 18/9.

Trước những thông tin bất lợi trên, chỉ trong vòng 2 tháng, cổ phiếu TAR ghi nhận đà lao dốc mạnh từ 22.700 đồng/cp xuống 12.800 đồng/cp, tức giảm 44%.

 Diễn biến cổ phiếu TAR, nguồn: TradingView

Diễn biến cổ phiếu TAR, nguồn: TradingView

HNX đề nghị doanh nghiệp phải giải trình nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát trong 15 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định và thực hiện công bố thông tin tiến độ khắc phục. Cùng với đó, định kỳ hàng tháng (tính theo năm dương lịch), Trung An phải giải trình, báo cáo hình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và công bố thông tin.

Trước đó, doanh nghiệp từng lý giải nguyên nhân chậm trễ công bố BCTC bán niên soát xét 2023 là do thực hiện tái cơ cấu nhân sự cao cấp, sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho các đơn hàng xuất khẩu và hoàn thiện quy trình mua bán hàng. Đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục soát xét và thu thập, đánh giá thêm các thông tin liên quan.

Vào ngày 17/8, công ty thông báo cơ cấu lại nhân sự như bà Lê Thị Tuyết (vợ ông Bình) thôi làm Chủ tịch HĐQT (vẫn đảm nhận Thành viên HĐQT). Ông Phạm Thái Bình thôi làm Tổng giám đốc chuyển xuống làm Phó Tổng giám đốc để đảm nhận Chủ tịch HĐQT thay bà Tuyết. Thời gian bổ nhiệm 5 năm, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Bà Nguyễn Lê Bảo Trang, thành viên HĐQT được bầu làm Tổng giám đốc từ 17/8 cho đến khi có quyết định mới.

Sau những thay đổi trên thì gia đình Chủ tịch HĐQT vẫn nắm chính trong HĐQT khi có 3 trên 5 ghế. Đó là ông Phạm Thái Bình (Chủ tịch), bà Lê Thị Tuyến (vợ) và bà Phạm Lê Khánh Hân (con).

Theo danh sách cập nhật đến cuối 2022, cơ cấu cổ đông Trung An đến 99,38% là cá nhân trong và ngoài nước. Cổ đông lớn duy nhất là ông Phạm Thái Bình nắm 14% vốn.

Theo Tường Như/Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/chuyen-gi-dang-dien-ra-o-nong-nghiep-cong-nghe-cao-trung-an-188877.html