Chuyện gì đang diễn ra tại Bắc Ireland?

Bạo động lại diễn ra ở Bắc Ireland, nút thắt của vấn đề ngày càng khó gỡ, mâu thuẫn ngày càng chồng chất và tạo ra hỗn độn.

Người bạo động đã ném gạch, pháo hoa và bom xăng vào cảnh sát, cướp ôtô và xe buýt rồi đốt. Cảnh sát đã phải đáp trả bằng đạn cao su và phun vòi rồng. Cảnh tượng đó đã diễn ra suốt một tuần qua trên đường phố Bắc Ireland (Vương quốc Anh), AP miêu tả.

Không khí tạm thời bình yên hơn vào tối 9/4, khi các nhà lãnh đạo kêu gọi sự bình tĩnh trước thông tin Hoàng thân Philip, chồng của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, vừa qua đời ở tuổi 99. Dù vậy, các nhóm bạo động nhỏ vẫn tấn công lẻ tẻ vào cảnh sát bằng đồ vật và đốt ôtô ở thành phố Belfast.

Những cảnh hỗn loạn này đã gợi lại ký ức về nhiều năm xung đột giữa các tín đồ Công giáo và Tin lành tại Bắc Ireland, còn được gọi là The Troubles (tạm dịch: Giai đoạn rối loạn). Một thỏa thuận hòa bình năm 1998 được đưa ra để chấm dứt bạo lực quy mô lớn nhưng vẫn không giải quyết được căng thẳng từ gốc rễ ở Bắc Ireland.

 Những người bạo loạn theo chủ nghĩa Dân tộc và Trung thành xung đột với nhau tại bức tường hòa bình ở Lanark Way ở Tây Belfast, Bắc Ireland. Ảnh: AP.

Những người bạo loạn theo chủ nghĩa Dân tộc và Trung thành xung đột với nhau tại bức tường hòa bình ở Lanark Way ở Tây Belfast, Bắc Ireland. Ảnh: AP.

Tại sao lại có bạo lực ở Bắc Ireland?

Về địa lý, Bắc Ireland là một phần của đảo Ireland. Về mặt chính trị, nơi đây là một phần của Vương quốc Anh. Ireland đã được giải phóng khoảng 100 năm trước, sau nhiều thế kỷ bị thống trị bởi nước Anh và và các liên minh.

26 trong số 32 quận hợp nhất một quốc gia độc lập (về sau là Cộng hòa Ireland), đa số là người Công giáo La Mã. Sáu quận ở phía bắc, nơi đạo Tin lành chiếm đa số, vẫn thuộc Vương quốc Anh (Bắc Ireland).

Một bộ phận nhỏ người Công giáo ở Bắc Ireland bị phân biệt đối xử trong công việc, nhà ở và các khu vực khác ở những nơi có người theo đạo Tin lành điều hành. Vào những năm 1960, một phong trào dân quyền của người Công giáo đòi thay đổi, nhưng vấp phải phản ứng gay gắt từ chính phủ và cảnh sát. Một số người thuộc cả hai phe Công giáo và Tin lành đã thành lập các nhóm vũ trang, khiến bạo lực leo thang bằng các vụ đánh bom và xả súng.

 Ảnh chụp ngày 5/5/1981 khi quân đội Anh đụng độ với những người biểu tình tại một khu vực thống trị của Công giáo ở Belfast, Bắc Ireland. Ảnh: AP.

Ảnh chụp ngày 5/5/1981 khi quân đội Anh đụng độ với những người biểu tình tại một khu vực thống trị của Công giáo ở Belfast, Bắc Ireland. Ảnh: AP.

Năm 1969, quân đội Anh được triển khai tới, ban đầu là để gìn giữ hòa bình. Tình hình trở nên tồi tệ thành một cuộc xung đột giữa các chiến binh Cộng hòa Ireland muốn thống nhất với miền Nam, nhóm dân quân trung thành tìm cách giữ chân Bắc Ireland lại Vương quốc Anh; và quân đội Anh.

Trong ba thập kỷ xung đột, hơn 3.600 người, đa số là dân thường, đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom và xả súng. Hầu hết vụ việc đều xảy ra ở Bắc Ireland, còn quân đội Cộng hòa Ireland cũng từng ném bom ở London và các thành phố khác của Anh.

Mâu thuẫn đã tạm kết thúc

Tới những năm 1990, sau nhiều cuộc đàm phán bí mật và với các nỗ lực ngoại giao của Ireland, Anh và Mỹ, các bên tham chiến đã đạt được một thỏa thuận hòa bình. Từ khi thỏa thuận về Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1998 được ký, các lực lượng dân quân đã hạ vũ khí và thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực Công giáo và Tin lành cho người Bắc Ireland.

Dù vậy, tình trạng của Bắc Ireland vẫn bị bỏ ngỏ: nó sẽ vẫn là của Anh chừng nào đó là mong muốn của đa số, nhưng không loại trừ một cuộc trưng cầu dân ý về sự thống nhất trong tương lai.

 Thủ tướng Anh Tony Blair, Thượng nghị sĩ Mỹ George Mitchell và Thủ tướng Ireland Bertie Ahern, chụp cùng nhau sau khi họ ký Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh vì hòa bình ở Bắc Ireland vào ngày 10/4/1998. Ảnh: AP.

Thủ tướng Anh Tony Blair, Thượng nghị sĩ Mỹ George Mitchell và Thủ tướng Ireland Bertie Ahern, chụp cùng nhau sau khi họ ký Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh vì hòa bình ở Bắc Ireland vào ngày 10/4/1998. Ảnh: AP.

Trong khi hòa bình về cơ bản đã trở lại, các nhóm vũ trang nhỏ vẫn tấn công lực lượng an ninh, và phát động bạo lực đường phố theo giáo phái. Về mặt chính trị, thỏa thuận chia sẻ quyền lực đã có những giai đoạn thành công và thất bại.

Chính quyền Belfast sụp đổ vào tháng 1/2017 vì một dự án năng lượng xanh bị trục trặc. Rạn nứt diễn ra giữa các đảng chủ trương ở lại vương quốc và các đảng theo chủ nghĩa dân tộc muốn ly khai. Xung đột trải rộng từ các vấn đề văn hóa và chính trị, bao gồm cả ngôn ngữ Ireland. Chính phủ Bắc Ireland đã tiếp tục hoạt động vào đầu năm 2020, nhưng đâu đó vẫn còn sự ngờ vực sâu sắc từ hai phía.

Ảnh hưởng của Brexit trên đảo Ireland

Bắc Ireland đã được gọi là "đứa trẻ rắc rối" của Brexit, sau cuộc chia tay của Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu. Là phần duy nhất của nước Anh có biên giới với một quốc gia EU là Cộng hòa Ireland, đó là vấn đề khó giải quyết nhất sau khi Anh bỏ phiếu rời khối vào năm 2016.

Biên giới Ireland vốn mở rộng, qua đó người dân và hàng hóa được lưu thông tự do, đã làm nền tảng cho tiến trình hòa bình, cho phép người dân ở Bắc Ireland cảm thấy như ở nhà, dù là ở Ireland hay Vương quốc Anh.

 Biển kêu gọi trên một con đường cũ từ Belfast đến Dublin gần với biên giới Ireland ở Newry, Bắc Ireland hôm 16/10/2019. Ảnh: AP.

Biển kêu gọi trên một con đường cũ từ Belfast đến Dublin gần với biên giới Ireland ở Newry, Bắc Ireland hôm 16/10/2019. Ảnh: AP.

Sự cứng nhắc của chính phủ bảo thủ của Anh về một "Brexit cứng" đã đưa quốc gia này ra khỏi trật tự kinh tế của EU, đồng thời tạo ra các rào cản mới. Cả Anh và EU đều đồng ý rằng không nên có biên giới ở đảo Ireland vì sẽ rủi ro cho tiến trình hòa bình. Phương án thay thế được đề xuất là đặt biên giới ở biển Ireland, đoạn giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh.

Anh cảnh báo rằng phương án này làm suy yếu vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh và có thể thúc đẩy các lời kêu gọi thống nhất Ireland.

Lý do bạo lực lại xuất hiện

Bạo lực phần lớn xảy ra ở các khu vực theo đạo Tin lành trong và xung quanh thành phố Belfast và thành phố thứ hai của Bắc Ireland, Londonderry. Hỗn loạn sau đó lan sang các khu dân cư Công giáo.

Anh rời khỏi thị trường kinh tế của EU vào ngày 31/12, và các thỏa thuận thương mại mới nhanh chóng trở thành căng thẳng đối với những người Bắc Ireland muốn ở lại Vương quốc Anh. Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt hàng hóa ở các siêu thị. Nhân viên biên phòng đã tạm thời rút khỏi các cảng Bắc Ireland vào tháng 2 sau khi các hình vẽ bậy đe dọa xuất hiện nhằm vào công nhân cảng.

 Ảnh chụp 3 người đi ngang qua hình vẽ graffiti ủng hộ Brexit ở tây Belfast, Bắc Ireland. Ảnh: AP.

Ảnh chụp 3 người đi ngang qua hình vẽ graffiti ủng hộ Brexit ở tây Belfast, Bắc Ireland. Ảnh: AP.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cố gắng giảm nhẹ những thay đổi do việc rời khỏi EU. Một số người trong nhóm trung thành với Vương quốc Anh cảm thấy tình trạng chia cắt với phần còn lại của đất nước đang đe dọa họ.

"Nhiều người trung thành tin rằng, thực tế Bắc Ireland đã không còn là một phần của Vương quốc Anh như trước nữa”, giáo sư chính trị Henry Patterson của Đại học Ulster trả lời AP.

Trong khi đó, các nhóm vũ trang ngoài vòng pháp luật vẫn tiếp tục hoạt động như các băng nhóm tội phạm ma túy và vẫn gây xáo trộn cộng đồng, dù các nhóm dân quân chính phủ nhận họ tham gia gây bất ổn.

Phần nhiều những người tham gia vào vụ bạo lực là thanh thiếu niên và thậm chí trẻ em mới 12 tuổi. Chúng lớn lên sau giai đoạn The Troubles, sống ở những khu vực nghèo đói và thất nghiệp ở mức cao và những nơi chia rẽ vẫn chưa được hàn gắn. Hai thập kỷ sau Thứ Sáu Tuần Thánh, “bức tường hòa bình” bằng bê tông vẫn ngăn cách các khu vực Công giáo và Tin lành của tầng lớp lao động ở Belfast.

Đại dịch Covid-19 đã gây thêm nhiều thiệt hại mới về kinh tế, gián đoạn giáo dục, khiến mọi việc hỗn độn hơn.

Bất chấp những lời kêu gọi hòa bình từ các nhà lãnh đạo ở Belfast, London, Dublin và Washington, nút thắt của các vấn đề rất khó giải quyết.

“Người ta bị tước đoạt nhiều thứ, và cảm thấy như thể họ không còn gì để mất. Khi ai đó dùng mạng xã hội để kêu gọi 'Đủ rồi, hãy đứng lên bảo vệ Ulster', nhiều người sẽ hưởng ứng ngay", Katy Hayward, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Belfast, cho biết.

Bảo Châu

Theo AP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-dang-dien-ra-tai-bac-ireland-post1203046.html