Chuyện gì đang xảy ra bên trong nước Mỹ và Iran?
Cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran đang khiến cả thế giới bận tâm bởi nhiều lý do trong đó đáng kể là khả năng xảy ra chiến tranh giữa hai nước. Các cuộc 'so găng' giữa hai bên có lúc lên đến đỉnh điểm nhưng rồi lại chững lại. Điều gì đang xảy ra bên trong nội bộ hai nước này?
Những phản ứng mới nhất từ cả hai phía cho thấy sự cứng rắn đang được đẩy lên cực điểm. Phát biểu trên Fox Business Network ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng chính phủ Mỹ đang xem xét một cuộc tấn công chớp nhoáng Iran bằng không quân và tên lửa từ tàu chiến đang đậu ở vịnh Ba Tư. Khả năng đưa bộ binh vào Iran được loại bỏ. Nhưng cũng chính ông đã thể hiện thái độ mềm mỏng ngay sau đó. Tổng thống Mỹ cho biết ông không hy vọng sẽ lao vào một cuộc xung đột như vậy với Iran. Ông cũng nói rằng các nhà lãnh đạo của Iran thật là "ích kỷ" khi không tìm kiếm một thỏa thuận để giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ. "Iran có thể làm những gì họ muốn, tôi cũng vậy, tôi có nhiều thời gian, nhưng đất nước của họ đang gặp khó khăn về kinh tế... Các nhà lãnh đạo Iran nên quan tâm đến người dân", ông Trump nói.
Trong khi đó về phía Iran. Trong một tuyến bố ngày 25/6, Đô đốc Ali Shamkhani - Tổng thư ký Hội đồng Tối cao về An ninh Quốc gia (CSSN), khẳng định chính quyền Tehran đã quá mệt mỏi trước việc châu Âu đang ngày càng gia tăng áp lực buộc Iran tiếp tục thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, trong lúc các bên còn lại không hoàn thành phận sự của mình. Ông Shamkhani nhấn mạnh là các nước châu Âu ký kết thỏa thuận đã không có đủ nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận mà theo đó, Iran phải đình chỉ chương trình hạt nhân quân sự đánh đổi lấy việc quốc tế dỡ bỏ trừng phạt. Hồi đầu năm 2019, các nước châu Âu tuyên bố lập ra Instex, một hệ thống trao đổi hàng hóa phi tiền tệ, nhằm giúp các công ty nước ngoài làm ăn với Iran, lách khỏi các trừng phạt của Mỹ. Dự án này cho đến nay chưa được thực thi.
Theo Đô đốc Shamkhani, Tehran sẽ cương quyết thực thi các cảnh báo trong tối hậu thư gửi đến các nước tham gia thỏa thuận Vienna 2015 (gồm Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc) hồi đầu tháng 5/2019. Cụ thể, kể từ ngày 7/7, Iran sẽ từ bỏ hai cam kết của thỏa thuận, liên quan đến một dự án xây dựng lò phản ứng nước nặng và tỉ lệ làm giàu nhiên liệu uranium tối đa được phép (3,67%). Tehran cảnh báo sẽ khởi động lại dự án xây dựng lò phản ứng nước nặng ở Arak (miền Trung Iran) và cho biết vào ngày 27/6 trữ lượng uranium làm giàu của họ đã vượt quá giới hạn 300 kg cho phép của thỏa thuận 2015. Điều này có thể khiến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cáo buộc Iran đã vi phạm các cam kết của mình. Ngay sau tuyên bố của Tehran, Pháp cảnh báo: nếu Iran vi phạm thỏa thuận, đây sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng, một phản ứng tồi trước các áp lực từ Mỹ”.
Nguy cơ đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân là rất cao trong bối cảnh căng thẳng cực độ giữa Tehran và Washington. Iran ngày 25/6 cáo buộc Hoa Kỳ đã "đóng cửa vĩnh viễn cánh cửa ngoại giao" với nước này, một ngày sau khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới. Các biện pháp trừng phạt này, về cơ bản mang tính biểu tượng, nhằm vào nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei và một số tướng lĩnh trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Những biện pháp trừng phạt mới này đã bị Moscow lên án là "gây bất ổn". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo tình hình xung quanh Iran đang phát triển theo hướng một kịch bản nguy hiểm.
Nếu như quân đội Iran tỏ vẻ cứng rắn thì Tổng thống Iran lại tỏ ra mềm mỏng hơn. Ngày 26/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cam đoan với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron qua điện thoại rằng đất nước ông không muốn có chiến tranh với bất cứ quốc gia nào, kể cả với Hoa Kỳ, theo hãng tin IRNA.
Theo cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine, trong chính quyền ông Trump có cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, hai nhân vật “diều hâu” này có cùng quan điểm "cứng rắn" với chính quyền Tehran. Nhưng vào giờ chót, ông Trump lại chần chừ, muốn hãm lại kế hoạch và không muốn đi xa như vậy. Tuần trước, Tổng thống Trump thừa nhận là đã hủy bỏ lệnh oanh kích Iran chỉ vài phút trước khi chiến dịch này bắt đầu. Bên trong chính quyền Trump cũng có những người ôn hòa, như quyền Bộ trưởng Quốc Phòng Patrick Shanahan (người sắp từ chức). Mặc dù tuyên bố quyết tâm bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới, ông Shanahan cho rằng hiện giờ cả quân Mỹ, lẫn lợi ích của Mỹ chưa bị ai đụng đến, và những vụ tấn công tàu dầu ở vùng biển Oman chỉ là vấn đề về giao thông hàng hải thế giới, phải được giải quyết ở cấp độ quốc tế. Tổng thống Trump có vẻ nghiêng về lập trường này, chính vì vậy mà ông không trả đũa ngay dù đã lớn tiếng cáo buộc Iran.
Cũng theo ông Védrine, ngay từ đầu, phe cứng rắn tại Iran muốn đối đầu với Mỹ. Họ sống được nhờ vào điều này, qua đó, kiểm soát và ngăn cản một xã hội hiện đại tại Iran. Họ cần có một tình hình căng thẳng và nêu ra mối đe dọa, tố cáo Mỹ là đế quốc. Nhưng tại Iran cũng có những lưỡng lự, chần chừ từ phía những người ôn hòa mà đứng đầu là Tổng thống Rouhani. Tóm lại, không phải cả nước Mỹ hay cả nước Iran muốn xảy ra xung đột.
Đã có lúc Tổng thống Mỹ thể hiện sự hòa hoãn, nhiều lần kêu gọi đối thoại với Tehran, nhưng theo nhận định của AFP, trước việc lãnh đạo tối cao Khamenei dứt khoát không muốn nói chuyện với Mỹ, ông Trump chưa biết phải đối phó ra sao. Aaron David Millier, nguyên là nhà thương thuyết dưới thời các chính quyền Mỹ trước đây, đặt nghi vấn: Washington thi hành các biện pháp trừng phạt là nhằm phá hủy nền kinh tế Iran, hay là nhằm thương lượng một hiệp định tốt hơn về hạt nhân Iran? Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc ngày 24/6 lên tiếng cảnh cáo tình hình tại vùng Vịnh hiện “rất nguy hiểm” và nói rằng thương thảo với Mỹ là điều không thể làm được trong hoàn cảnh bị đe dọa và gia tăng các biện pháp trừng phạt.
Tại thượng đỉnh G20 cuối tuần này tại Nhật Bản, người ta hy vọng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là cầu nối cho cả Hoa Kỳ và Iran, cho ông Trump và giới lãnh đạo Iran. Nhưng đó chỉ là vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, cuộc đọ sức giữa hai bên sẽ tiếp tục. Còn theo cựu Ngoại trưởng Pháp, trong bối cảnh hiện nay, châu Âu và nhất là Pháp cần phải luôn luôn chú tâm theo dõi tình hình để một ngày nào đó, có thể giúp tạo dựng một sự chung sống hòa bình giữa Iran và Arab Saudi.
AFP ngày 27/6 nhận định hiện giờ Tổng thống Trump không có cách nào để đối thoại trực tiếp với Lãnh tụ tối cao Khamenei, cho nên phải cần có sự trung gian hòa giải của các lãnh đạo thế giới khác. Thích hợp nhất cho vai trò này là Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-ben-trong-nuoc-my-va-iran-541244.html