Chuyện gì đang xảy ra ở biên giới Nga-Phần Lan, buộc EU phải động binh?

Trong những tuần gần đây, ngày càng nhiều người di cư xin tị nạn vượt qua biên giới vốn yên bình từ Nga vào Phần Lan trong nhiệt độ đóng băng - động thái mà Helsinki coi là 'một cuộc tấn công hỗn hợp'.

Mặc áo khoác mùa Đông dày sụ, nhiều người thậm chí đã đạp xe để cố gắng vượt qua lệnh cấm đi bộ qua biên giới. Tuy nhiên, Phần Lan đã cấm nhập cảnh bằng xe đạp kể từ tuần trước.

Vào đầu tháng 10 vừa qua, lực lượng biên phòng Phần Lan đã lên tiếng cảnh báo về sự thay đổi chính sách của Nga khi cho phép ngày càng nhiều người di cư không có giấy tờ hợp lệ đến biên giới. Kể từ tháng 8 năm nay, khoảng 700 người xin tị nạn đã vào Phần Lan mà không cần thị thực qua biên giới dài 1.300km với Nga.

Tình trạng này đã khiến Phần Lan trong tuần qua phải đóng cửa tất cả các ngõ ngách, ngoại trừ cửa khẩu biên giới cực Bắc với Nga ở vùng Murmansk. Các quan chức Phần Lan cáo buộc Nga đang cố gắng gây bất ổn cho nước láng giềng Bắc Âu.

"Đây là hành động có hệ thống và có tổ chức của chính quyền Nga" - Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo hôm 19/11 tuyên bố.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phủ nhận việc Moscow đang hành động có chủ ý. Bà nói: "Chính quyền Phần Lan đang bắt đầu đưa ra những lời bào chữa vụng về, làm dấy lên tâm lý bài Nga".

Mối quan hệ truyền thống của Phần Lan với nước láng giềng phía Đông đã trở nên xấu đi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Sau khi Phần Lan bất ngờ đảo ngược chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ và gia nhập NATO hồi tháng 4 năm nay, Moscow đã cảnh báo về "các biện pháp đối phó".

Arkady Moshes, Giám đốc Chương trình Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan (FIIA), nhận định: "Nga và phương Tây, bao gồm cả Phần Lan, đang xung đột rất sâu sắc". Cũng theo chuyên gia này, di cư là "một trong những công cụ" mà Nga đang nắm trong tay.

Moshes chỉ ra những điểm tương đồng giữa tình hình hiện tại ở biên giới Nga - Phần Lan và cuộc khủng hoảng biên giới Belarus - Liên minh châu Âu (EU) năm 2021. EU thời điểm đó cáo buộc Tổng thống Alexander Lukashenko đã đẩy hàng chục nghìn người di cư qua biên giới Belarus tới Ba Lan để trả đũa các lệnh trừng phạt.

"Hành động của Chính phủ Phần Lan cho thấy họ đã rút được kinh nghiệm từ Ba Lan"- Moshes bình luận. Ba Lan đã thắt chặt biên giới để giải quyết khủng hoảng hồi năm 2021, và chính quyền Phần Lan được tin đang hướng tới điều tương tự.

Cơ quan bảo vệ biên giới của EU (Frontex) hôm 23/11 cho biết họ sẽ triển khai 50 sĩ quan tới Phần Lan để giúp tăng cường kiểm soát biên giới của nước này.

Một nhân viên biên phòng Phần Lan hộ tống người di cư ở biên giới với Nga. Ảnh: AFP

Một nhân viên biên phòng Phần Lan hộ tống người di cư ở biên giới với Nga. Ảnh: AFP

Đã có những dự đoán rằng Moscow có thể sử dụng người di cư làm áp lực chính trị, thúc đẩy Phần Lan bắt đầu xây dựng hàng rào dài 200km dọc biên giới Nga ngay từ hồi tháng 2. Nhưng đến nay mới chỉ có 3km hàng rào được hoàn thành.

Về mặt chiến tranh thông tin, việc đẩy người đến biên giới Phần Lan có khả năng là "tình thế lưỡng lợi cho Nga" - ông Moshes nêu quan điểm.

Phần Lan được cho đang đứng trước hai lựa chọn tồi tệ không kém gì nhau: Có thể giữ biên giới mở và chấp nhận người di cư, hoặc đóng cửa biên giới hoàn toàn.

Moshes giải thích thêm: "Nếu Phần Lan không đóng cửa biên giới... điều đó sẽ cho thấy phương Tây yếu kém trong mắt Nga". Trong khi nếu Phần Lan đóng cửa biên giới, Moscow có thể trở thành "nạn nhân" và gọi phản ứng đó là "hành động bài Nga".

Nhưng động thái này được cho cũng gây ra rủi ro cho Nga. Những người di cư chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi và không có thị thực, do đó đẩy người di cư sang phía Phần Lan có thể thu hút sự chỉ trích từ các đồng minh của Nga ở Trung Đông cũng như thế giới Hồi giáo.

Hơn nữa, miễn là người di cư còn ở trên lãnh thổ Nga, Moscow vẫn phải chịu trách nhiệm cho họ về ăn và ở. Chuyên gia Moshes lưu ý: "Ông Lukashenko cuối cùng cũng phải xây dựng nơi trú ẩn cho những người vượt biên".

Đối mặt với số lượng người di cư đổ về biên giới ngày càng tăng, Phần Lan hiện đang vật lộn với việc cân bằng các mối quan ngại về an ninh và nghĩa vụ nhân quyền.

Giáo sư luật Eeva Nykanen của Đại học Đông Phần Lan nói với AFP: "Đó chắc chắn là một trong những mục tiêu của chiến tranh hỗn hợp, nhằm cố gắng làm suy yếu các thể chế cơ bản quan trọng của nhà nước".

Nykanen giải thích thêm rằng các địa điểm để xin tị nạn sẵn có của Phần Lan "có thể bị hạn chế trong những trường hợp đặc biệt", nhưng nước này vẫn phải có nghĩa vụ đảm bảo duy trì một số điểm tiếp cận.

Ngay cả khi biên giới với Nga bị đóng cửa hoàn toàn, vẫn chưa rõ Phần Lan sẽ đối phó như thế nào với những người vượt biên trái phép qua các địa hình hoang dã trên thực tế.

Khi nhiệt độ giảm mạnh, Phần Lan cũng có thể trở thành "tội đồ" về mặt đạo đức khi những người di cư chết cóng sau hàng rào thép gai. Ông Nykanen nói: "Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng nhân đạo cần được giải quyết".

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-bien-gioi-nga-phan-lan-buoc-eu-phai-dong-binh.html