Chuyện gì đang xảy ra ở 'thủ phủ rượu vang' của Italy

Thế giới rượu vang đang chứng kiến sự thay đổi lớn khi ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo.

Khi còn trẻ, Angela Fronti, lớn lên tại thị trấn Chianti Classico của Radda-in-Chianti ở Tuscany (Italy), chắc chắn một điều: Cô không muốn tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình - chỉ đơn thuần làm việc nông nghiệp cho các nhà máy rượu vang.

Cô quan tâm nhiều hơn đến việc tự mình sản xuất loại rượu này. Vì vậy, cô đã kiếm bằng sản xuất rượu vang và tìm việc tại các nhà máy rượu vang ở nơi khác.

Nhưng Angela Fronti bị thu hút và không thể rời Radda-in-Chianti, nơi sản xuất một số loại rượu vang tuyệt vời nhất.

Như nhiều gia đình ở đây, nhà Frontis sở hữu vườn nho trồng nho sangiovese, loại nho chính của Chianti. Dù vậy, họ chỉ sản xuất rượu rồi bán cho thương gia, những người sau đó sẽ đóng thành chai rượu dưới nhãn hiệu của mình.

Sau khi chứng tỏ bản thân trong lĩnh vực sản xuất rượu vang, Fronti tiếp quản vườn nho của gia đình để sản xuất rượu cho Istine - nhãn hiệu mới của chính cô.

Vụ thu hoạch đầu tiên là vào năm 2009. Ngày nay, sản phẩm Istine được đánh giá cao trên toàn thế giới.

Trên khắp thế giới rượu vang, những phụ nữ như Fronti đang dần nắm quyền điều hành doanh nghiệp gia đình và đưa chúng đến tầm cao mới.

 Trước khi thành lập Istine, gia đình Fronti chỉ sản xuất rượu rồi bán cho các bên. Ảnh: New York Times.

Trước khi thành lập Istine, gia đình Fronti chỉ sản xuất rượu rồi bán cho các bên. Ảnh: New York Times.

Họ được xem là thế hệ phụ nữ đầu tiên đảm nhận vai trò lãnh đạo, thay thế cho người thân nam giới lớn tuổi hơn.

Phụ nữ từ lâu đã thể hiện khả năng vượt trội trong lĩnh vực rượu vang. Tuy nhiên, trong quá khứ, việc họ tiếp quản doanh nghiệp gia đình chỉ được xem là trường hợp ngoại lệ.

Họ thường chỉ đảm nhận vai trò này sau cái chết bất ngờ của người cha hoặc người chồng. Bởi thông thường, các doanh nghiệp gia đình sẽ mặc định được chuyển giao cho con trai, hoặc thậm chí là con rể nếu không có con trai.

Tuy nhiên, điều này đang thay đổi nhanh chóng trên khắp thế giới rượu vang, theo New York Times.

Nữ giới lãnh đạo

Ngoài Fronti, có thể kế đến một số cái tên xuất sắc đang điều hành các nông trại sản xuất như Lorenza Sebasti của Castello di Ama tại Gaiole-in-Chianti, Sofia Ruhne của Terreno tại Greve-in-Chianti, Susanna Grassi của I Fabbri tại Lamole và Giovanna Morganti của Podere le Boncie tại Castelnuovo Berardenga.

Trong số đó, bà Sebasti từng không được kỳ vọng trở thành người điều hành cơ sở kinh doanh rượu vang khi gia nhập Castello di Ama vào năm 1988.

Bà sinh ra ở Rome và cha bà đã cùng 3 gia đình khác mua lại Ama vào năm 1975.

Sebasti kể lại tình yêu của cha bà với nơi này chủ yếu là dành cho trang viên và ngôi làng phần lớn bị hoang, thay vì rượu vang.

Trong khi đó, bạn làm ăn với ông tại Ama là người có tầm nhìn xa trông rộng về rượu vang và con trai người này được cho là sẽ tiếp quản công việc.

Nhưng Sebasti yêu Ama và cảm thấy thích thú với rượu vang. Bà muốn Ama trở thành cuộc sống của mình và tin rằng người thừa kế trên không cống hiến hết mình cho nơi này như bà.

 Ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các doanh nghiệp gia đình sản xuất rượu vang ở Tuscany. Ảnh: New York Times.

Ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các doanh nghiệp gia đình sản xuất rượu vang ở Tuscany. Ảnh: New York Times.

“Anh ta cảm thấy mình có quyền với nó chỉ vì anh ta là nam giới”, Sebasti nói. “(Nhưng) anh ta không gắn bó lâu dài với Ama. Bạn phải cống hiến mọi thứ để biến điều này thành hiện thực”.

Sebasti đã chiếm ưu thế trong cuộc tranh giành quyền lực và đối thủ của bà cuối cùng đã bán cho bà cổ phần của mình ở Ama. Bà Sebasti, người đã kết hôn với nhà sản xuất rượu Marco Pallanti, trở thành giám đốc điều hành vào năm 1993.

Sự thay đổi

Tại Lamole, ngôi làng nhỏ ở vùng cao nhất của Greve-in-Chianti, gia đình bà Grassi đã trồng nho từ năm 1620.

Ông cố của bà là một trong những nông dân đầu tiên trong vùng tự đóng chai rượu vang dưới nhãn hiệu I Fabbri vào những năm 1920.

Tuy nhiên, đến đời sau, cha bà lại tập trung vào công việc kỹ sư và cho thuê bất động sản của gia đình.

Grassi bắt đầu kinh doanh thời trang ở Florence, nhưng vào năm 2000, bà cảm thấy thôi thúc mãnh liệt quay lại Lamole để sản xuất rượu vang.

Sau đó, bà đã mua vườn nho của riêng mình và triển khai những dự án lớn, chuyển đổi từ giống nho ngoại như merlot sang sangiovese - loại nho bà ưa thích. Grassi mang nhãn hiệu I Fabbri trở lại và bắt đầu đóng chai rượu vang của mình, với hương vị tươi mới, trong trẻo và đầy tinh tế.

“Không dễ dàng để làm việc cùng họ và được chấp nhận”, bà nói về đội ngũ của mình, toàn là nam giới. “Tôi đã phải làm việc nhiều hơn họ để có thể trở nên đáng tin cậy trong mắt họ”.

 Việc phụ nữ phụ trách các điền trang Chianti từng được coi là bất thường. Ảnh: New York Times.

Việc phụ nữ phụ trách các điền trang Chianti từng được coi là bất thường. Ảnh: New York Times.

Khác với những người trên, Tuscany không phải là quê gốc của Sofia Ruhne, người điều hành nông trại sản xuất rượu vang Terreno. Gia đình cô đến từ Thụy Điển, nơi cha cô sở hữu công ty vận tải biển.

Vào những năm 1980, ông mua Terreno, khu đất có từ thế kỷ 16. Gia đình Ruhne bắt đầu sản xuất rượu vang ở đây vào năm 1988.

Năm 2010, khi vấn đề thừa kế bắt đầu được cân nhắc, Sofia Ruhne - là con út trong gia đình có 4 người con - đang làm việc tại Washington (Mỹ).

Cô quan tâm đến Terreno hơn các anh chị em mình. Cô đã dành phần lớn thời gian ở đó khi còn nhỏ, rồi quyết định chuyển đến đó sống lâu dài cùng chồng và các con vào năm 2012.

Sofia đã dành 3 năm để học kinh doanh trước khi tiếp quản công việc vào năm 2015.

Nông trại Terreno từng làm những loại rượu tương đối đơn giản, nhưng Ruhne có tầm nhìn của riêng mình. Cô muốn nâng cao chất lượng và giảm nồng độ cồn, tạo ra loại rượu vang phản ánh vùng đất của họ.

Cô thúc đẩy trang trại hữu cơ, đa dạng sinh học và cải tiến phương pháp cắt tỉa. Từ bỏ những giống nho ngoại mà thế hệ trước ưa chuộng, cô chuyển sang trồng nho bản địa. Nhưng Sofia vấp phải sự phản đối.

“Những người làm việc tại đây đã phản đối sự thay đổi”, cô kể lại. “Khi tôi mới bắt đầu, một người đã nói: ‘Tôi sẽ không bao giờ nhận lệnh từ phụ nữ'".

Dần dần, Ruhne chọn cách thay thế những người lao động không chịu thay đổi. Cô cũng đưa vào đội ngũ của mình một chuyên gia làm rượu, Giacomo Fioravanti. Ngày nay, rượu vang Terreno nổi tiếng với sự tinh tế và tinh khiết đặc trưng.

"Vào năm 2010, toàn bộ là nam giới và việc có một phụ nữ lãnh đạo được coi là điều kỳ lạ", Ruhne nói. "Bây giờ thì hoàn toàn khác. Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh".

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-thu-phu-ruou-vang-cua-italy-post1455939.html