Chuyện gì đang xảy ra với Goldman Sachs

Lợi nhuận của Goldman Sachs đang tụt lại phía sau những đồng nghiệp lớn khác tại phố Wall vì những chính sách sai lầm của CEO đương nhiệm và hoạt động ngân hàng đầu tư trầm lắng.

Khi những đối tác của Goldman Sachs tụ họp tại Miami Beach, Florida (Mỹ) để tham dự cuộc họp thường niên cấp cao của ngân hàng vào tháng 2, cựu Giám đốc điều hành (CEO) Lloyd Blankfein đã chiếm trọn sự chú ý.

Ông ngồi trước quán bar khách sạn khi cuộc họp sắp bắt đầu và cằn nhằn về người kế nhiệm. Ông phàn nàn Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon đã dành quá nhiều thời gian cho việc cá nhân, bay quanh thế giới trên phi cơ riêng của Goldman và chơi DJ tại các câu lạc bộ đêm, theo Wall Street Journal.

Ông Blankfein không phải là người duy nhất phật lòng với vị lãnh đạo đương nhiệm. Các đối tác đổ lỗi cho ông Solomon vì đã khiến Goldman phải đau đầu giải quyết tình trạng thua lỗ trong vay tiêu dùng.

Họ cho rằng quyết định mở rộng mảng cho vay tiêu dùng không mang lại lợi nhuận cho đối tác, trái ngược với những đơn vị khác trong ngân hàng.

Những rạn nứt đang xuất hiện trong một tổ chức phố Wall. Quan hệ đối tác Goldman Sachs vốn bền chặt và gắn kết giờ đây đang đứt gãy.

Tình hình ảm đạm

Hầu hết CEO ngân hàng đều đưa ra những quyết định lớn với đội ngũ giám đốc điều hành. Tuy nhiên, Goldman không giống ngân hàng khác.

Khoảng 24 năm sau khi trở thành một công ty giao dịch trên sàn chứng khoán, Goldman duy trì quan hệ đối tác với khoảng 420 thành viên. Nhiều đối tác cho rằng họ cũng quan trọng như CEO.

Trong gần 5 năm nhiệm kỳ CEO, ông Solomon đã tìm cách áp đặt kỷ luật doanh nghiệp lên cấu trúc tự do của ngân hàng. Những đối tác quen với việc ít giám sát và nhiều tôn trọng không thể hài lòng với những thay đổi này.

Một đối tác lâu năm đe dọa cắt đứt quan hệ hợp tác khi ông Solomon tái cấu trúc mảng đầu tư tư nhân. John Rogers, một đối tác của Goldman từ năm 2000 và là thư ký hội đồng quản trị của ngân hàng, bày tỏ lo ngại về những hợp đồng biểu diễn DJ của ông Solomon. Điều này không mang lại hình ảnh tốt cho CEO của một trong những công ty đáng gờm nhất phố Wall.

Phát ngôn viên của Goldman Tony Fratto cho biết sự khác biệt về quan điểm phản ánh cuộc tranh luận lành mạnh tại công ty và “cho thấy các đối tác và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia với ông David về chiến lược và sáng kiến”.

 Ông Solomon biểu diễn tại một câu lạc bộ đêm ở Brooklyn năm 2018. Ảnh: Reuters.

Ông Solomon biểu diễn tại một câu lạc bộ đêm ở Brooklyn năm 2018. Ảnh: Reuters.

“Thực tế là những người thông minh có thể có những bất đồng. Đó là điều bình thường”, ông nói.

Vấn đề nội bộ của Goldman Sachs đã bị công khai trước công chúng. Nhiều nguồn tin cho biết ông Solomon đã yêu cầu đối tác kiềm chế rò rỉ thông tin với truyền thông.

Ông Solomon cần sự hỗ trợ của đối tác. Ông đang chủ trì cuộc đại tu lớn nhất của Goldman kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giải quyết hoạt động kinh doanh vay tiêu dùng thua lỗ để mở rộng mảng đầu tư doanh nghiệp. Trong khi đó, sự sụt giảm trong giao dịch đang ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng đầu tư, khiến lợi nhuận của Goldman Sachs giảm mạnh.

Đồng minh của ông Solomon nhấn mạnh vị CEO đã xoay xở để hồi sinh cổ phiếu ngân hàng tăng 53% từ đầu nhiệm kỳ. Sáng kiến One Goldman Sachs mà ông tuyên bố vào ngày đầu tiên làm CEO, khuyến khích nhân viên giới thiệu khách hàng tới những bộ phận khác, đã giúp ngân hàng thu được nhiều lợi nhuận hơn từ các khách hàng hiện tại.

Các giám đốc điều hành cấp cao của Goldman cho biết sáng kiến này đã củng cố lợi nhuận ngân hàng đầu tư và giao dịch của ngân hàng.

“Giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát. Công ty đã chứng kiến hiệu suất kỷ lục vào năm 2021. David không xứng đáng được ghi nhận vì điều đó sao?”, Gregg Lemkau, cựu đối tác rời Goldman vào cuối năm 2020, cho biết.

Vị CEO gây tranh cãi

Kể từ cuối những năm 1800, các đối tác của Goldman đã cân nhắc về hướng đi của công ty. Họ được gọi là đối tác cao cấp, truyền đạt ý kiến của mình tới người đứng đầu Goldman và tham gia vào cuộc tranh luận. Các đối tác đôi khi bác bỏ CEO hoặc thuyết phục ông đi theo kế hoạch của họ.

Trong suốt lịch sử, Goldman đã nhiều lần chứng kiến căng thẳng xuất hiện giữa những đối tác, bao gồm tranh cãi có nên niêm yết công khai công ty hay không, một phần vì lo ngại về ý nghĩa đối với di sản của Goldman và đối tác sẽ được hưởng bao nhiêu tiền.

Các đối tác cũ cũng nắm giữ ảnh hưởng đáng kể. Goldman từ lâu đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với những cựu giám đốc điều hành, bao gồm những người đã chuyển sang các vị trí cấp cao trong chính phủ.

Trong một thời gian dài, CEO của Goldman được coi là bộ mặt công khai và mang tiêu chuẩn của ngân hàng. Ông Blankfein thường cư xử như đối tác cấp cao, thích thuyết phục trước khi đưa ra quyết định.

 Cựu Giám đốc điều hành Goldman Lloyd Blankfein. Ảnh: AP.

Cựu Giám đốc điều hành Goldman Lloyd Blankfein. Ảnh: AP.

Mọi thứ thay đổi khi ông David Solomon trở thành CEO vào năm 2018.

Cổ phiếu của Goldman đã suy yếu và ngân hàng phải đối mặt với một loạt các cuộc điều tra của chính phủ liên quan đến các giao dịch với một quỹ đầu tư Malaysia. Một đối tác của Goldman đã nhận tội giúp rút hàng tỷ USD từ quỹ 1MDB.

Vụ việc cuối cùng đã tiêu tốn của Goldman hàng tỷ USD và họ phải thừa nhận rằng đã không đủ sức kiểm soát các đối tác từ xa.

Các đối tác không còn giữ nhiều cổ phần tài chính trong ngân hàng. Năm 2000, một năm sau khi ngân hàng niêm yết, đối tác có khoảng 62% cổ phần của ngân hàng. Con số này đã giảm xuống còn khoảng 9% vào năm 2008. Vào thời điểm ông Solomon tiếp quản, các đối tác sở hữu khoảng 4%.

Các đối tác lâu năm cho biết họ cảm thấy khó giao tiếp với ông Solomon. CEO tiền nhiệm Blankfein thường khuyến khích mọi người ghé qua văn phòng của ông để trò chuyện thân mật.

Dù vậy, Ericka Leslie, đồng chủ tịch ủy ban đối tác của Goldman và giám đốc hành chính của công ty, cho biết có thể tiếp cận ông Solomon.

“Khi bạn gửi một ghi chú, anh ấy rất nhạy bén và trả lời bạn rất nhanh”, cô nói.

Ngay sau khi trở thành CEO, ông Solomon nỗ lực hợp nhất các khoản đầu tư của Goldman vào vốn cổ phần tư nhân, tín dụng và bất động sản, nằm trong bộ phận ngân hàng thương mại, với một “nhóm tình huống đặc biệt” gắn liền với bộ phận chứng khoán. Cả hai nhóm đều sử dụng tiền riêng của Goldman trong các khoản đầu tư ở các mức độ khác nhau.

Rich Friedman, một đối tác từ năm 1990, người đã giúp mở rộng bộ phận ngân hàng thương mại trong hơn hai thập kỷ, không thích kế hoạch này.

“Anh có hai doanh nghiệp tuyệt vời, nhưng hợp nhất chúng có thể khiến anh kết thúc với một mớ hỗn độn khổng lồ”, ông nói với Solomon.

Lựa chọn sai lầm

Solomon cũng đẩy Goldman lấn sâu hơn vào lĩnh vực kinh doanh phục vụ người tiêu dùng. Trong ngày đầu tư đầu tiên của Goldman năm 2020, Solomon cho biết ngân hàng đang xây dựng một “ngân hàng tiêu dùng kỹ thuật số của tương lai”.

Ông cũng đã nói chuyện với các đối tác về việc tạo ra một cú hích lớn trong kinh doanh với việc mua lại. Ông đặt mục tiêu vào công ty cho vay tiêu dùng GreenSky.

Các đối tác điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng trước đó đã nói với ông Solomon rằng họ không chắc đó là một ý tưởng hay. Dù vậy, ông cuối cùng đã thực hiện thỏa thuận, tin rằng Goldman cần phải trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Đến đầu năm 2022, các mô hình của Goldman dự đoán rằng lợi nhuận từ kinh doanh vay tiêu dùng sẽ không vượt quá 10% trong thập kỷ tới, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác.

Nhiều đối tác đã hỏi ông Solomon liệu có nên tiếp tục cho vay tiêu dùng dựa trên những con số này hay không. Ông khẳng định rằng ông đang bám sát kế hoạch.

 Mảng cho vay tiêu dùng của Goldman Sachs đang thua lỗ nặng nề. Ảnh: Wall Street Journal.

Mảng cho vay tiêu dùng của Goldman Sachs đang thua lỗ nặng nề. Ảnh: Wall Street Journal.

Các đối tác đã vận động John Waldron, cấp dưới của ông Solomon, để thay đổi hướng đi của Goldman. Đây không phải lần đầu tiên ông Waldron phải thay mặt cấp trên.

Ông đã ra lệnh đánh giá lại hoạt động vay tiêu dùng, kết luận cần thu hẹp lĩnh vực này và nhận được sự đồng ý của ông Solomon. Vào tháng 2, ông Solomon cho biết bộ phận kinh doanh vay tiêu dùng đã lỗ hơn 3,8 tỷ USD kể từ năm 2020 và chuẩn bị kế hoạch bán GreenSky.

“Có một số thành công nhưng cũng có sai lầm. Chúng tôi đã học được rất nhiều”, ông Solomon nói vào thời điểm đó.

Ông Solomon đang cố gắng hàn gắn quan hệ với các đối tác khi phải đối mặt với tình hình tiêu cực trên báo chí. Ông mời các đối tác tới Manhattan và các cuộc tụ họp tại Texas, California để dành thời gian nói chuyện.

“Ngồi trên chiếc ghế này phức tạp hơn nhiều so với tôi nghĩ. Nhưng điều đó không có nghĩa các bạn không có quyền chia sẻ quan điểm”, ông nói với đối tác trong cuộc họp tại Miami Beach.

“Gọi, viết hoặc gửi một ghi chú bí mật nếu các bạn không muốn công khai. Nhưng hãy cho chúng tôi biết các bạn đang nghĩ gì”, ông kêu gọi.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-goldman-sachs-post1439838.html