Chuyện gì xảy ra sau khi chính phủ Đức sụp đổ?

Thủ tướng Olaf Scholz đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Đức hôm 16/12, chấm dứt chính phủ liên minh 3 đảng do ông lãnh đạo kể từ năm 2021.

 Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Olaf Scholz đã kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Đức vào hôm 16/12. Ông thua với tỷ lệ 394-207, với 116 phiếu trắng. Điều này đồng nghĩa Đức sẽ tổ chức bầu cử liên bang mới vào đầu năm 2025, nhiều khả năng vào ngày 23/2, sớm hơn khoảng 7 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Tại sao chính phủ do ông Scholz đứng đầu lại sụp đổ?

Trong cuộc bầu cử năm 2021, đảng Dân chủ Xã hội (SDP) trung tả của ông Scholz giành được nhiều ghế nhất, nhưng chưa đạt được thế đa số. Ông đã thành lập một chính phủ liên minh ba đảng, bắt tay với hai đảng khác là đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).

Dẫu vậy, New York Times nhận định chính liên minh 3 đảng là nhân tố then chốt khiến chính phủ Đức bất ổn. Quan điểm kinh tế bảo thủ của đảng Dân chủ Tự do đôi khi khiến đảng này bất đồng quan điểm với các đối tác trong liên minh.

Ban đầu, chính phủ khá được lòng dân, song tình hình bắt đầu xoay chuyển khi Tòa án Hiến pháp Đức phán quyết chính phủ không thể sử dụng khoảng 60 tỷ euro cho đại dịch Covid-19 chi vào các mục đích khác.

Những cuộc đấu đá trong liên minh thường xuyên bị rò rỉ cho báo chí khiến chính phủ đương nhiệm nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của cử tri. Sau một loạt cuộc bầu cử cấp tiểu bang hồi mùa hè vừa qua, cả ba đảng cầm quyền đều đối mặt với kết quả không tốt.

Sự rối ren lên tới đỉnh điểm vào tháng 11, khi ông Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Sau cuộc bỏ phiếu hôm 16/12, ông Scholz đã yêu cầu Tổng thống Frank Walter Steinmeier chính thức giải tán Quốc hội. Ông Steinmeier có 21 ngày để thực hiện yêu cầu này và ấn định ngày bầu cử sớm.

Tổng thống dự kiến đàm phán sơ bộ với các nhóm khác nhau trong Quốc hội trước khi tuyên bố chấm dứt nhiệm kỳ của các nhà lập pháp. Trong thời gian chờ bầu cử, ông Scholz vẫn sẽ đứng đầu một chính phủ lâm thời.

Đây chỉ là quá trình mang tính hình thức và tất cả đảng lớn của Đức đã thống nhất về các thủ tục chính thức và ngày bầu cử. Các đảng vốn đã khởi động cho một kỳ bầu cử mới từ tháng 11.

Tại sao diễn biến này đáng chú ý?

Chính phủ Đức và Pháp - những quốc gia có ảnh hưởng nhất trong Liên minh châu Âu - đồng loạt sụp đổ chỉ trong một tháng. Những diễn biến này làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở châu Âu vào thời điểm thách thức kinh tế và an ninh gia tăng.

Xung đột Ukraine đã đến thời điểm then chốt, trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - người không mấy mặn mà với EU - chuẩn bị nhậm chức. Và hiện tại, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - sẽ nằm trong tay một chính phủ lâm thời không thể đưa ra các quyết định chính sách quan trọng.

 Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Đức vào hôm 16/12. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Đức vào hôm 16/12. Ảnh: Reuters.

Chuyện này có bất thường không?

Có.

Đức nổi tiếng với các liên minh bền vững được xây dựng dựa trên sự đồng thuận chậm mà chắc. Năm 2025 sẽ chứng kiến cuộc bầu cử bất thường lần thứ hai kể từ khi Tây Đức và Đông Đức thống nhất hơn 3 thập niên trước.

Đức có 20 chính phủ trong 14 năm sau khi Thế chiến I kết thúc, và tình trạng bấp bênh đã mở đường cho Đức Quốc xã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn chính phủ. Đây chính là lý do Hiến pháp Đức thông qua sau Thế chiến II có những quy định gây khó cho quyết định giải tán chính phủ.

Tuy nhiên, nền chính trị Đức một lần nữa chuyển mình. Các đảng phái chính thống đang thất thế và ngày càng nhiều cử tri chuyển sang các đảng cực hữu và cực tả. Liên minh 3 đảng chao đảo dưới thời ông Scholz có thể báo hiệu cho xu thế chính trị trong tương lai.

Tại sao ông Scholz lại kêu gọi bỏ phiếu khi biết chắc sẽ thua?

Thủ tướng Đức không có nhiều lựa chọn.

Sau khi rạn nứt với đảng Dân chủ Tự do, ông Scholz không còn đứng đầu phe đa số trong Quốc hội và áp lực chính trị buộc thủ tướng phải kêu gọi bỏ phiếu quá lớn.

Nếu ông Scholz tiếp tục trì hoãn, đảng Dân chủ Xã hội có thể sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn nữa trong cuộc bầu cử sắp tới.

Những ứng viên tiềm năng

7 đảng sẽ tham gia chiến dịch tranh cử vào Quốc hội. Thăm dò cho thấy một số đảng nhỏ, đặc biệt các đảng cánh hữu, có khả năng đạt được kết quả khả quan.

Bên cạnh ông Scholz, 3 đảng chính khác cũng do các chính trị gia nổi tiếng lãnh đạo, trong đó có hai người giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ hiện tại: Ông Lindner - người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp, người bất hòa với thủ tướng phần nào dẫn đến sự sụp đổ của liên minh; và ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế và là ứng viên hàng đầu của đảng Xanh thiên tả.

Ứng viên thuộc đảng lớn thứ tư, ông Friedrich Merz của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ, được cho là sẽ giành được nhiều phiếu bầu nhất và chức thủ tướng.

Chiến dịch bầu cử lần này có khả năng bị chi phối bởi một số vấn đề đang làm rung chuyển phần lớn châu Âu: Hướng đi hiệu quả nhất để phục hồi nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách xã hội ngày càng gia tăng, xoa dịu nỗi lo lắng của cử tri về vấn đề nhập cư và củng cố quốc phòng.

Tất cả đảng chính thống đều tuyên bố từ chối hợp tác với đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD), khi một số bên trong đảng đang bị các cơ quan an ninh theo dõi. Tuy nhiên, theo thăm dò, AfD đang nhận được khoảng 18% sự ủng hộ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-xay-ra-sau-khi-chinh-phu-duc-sup-do-post1518687.html