Chuyện gì xảy ra với tảng băng lớn nhất thế giới?

Tảng băng lớn nhất thế giới, tên ký hiệu là A23a, khiến giới chuyên gia chú ý khi nó quay lại vị trí cũ sau hơn 5 tháng 'lang thang' qua mũi phía Bắc của bán đảo Nam Cực.

 A23a nhìn từ trên cao. Ảnh: Andrew Miller.

A23a nhìn từ trên cao. Ảnh: Andrew Miller.

Ngày 4/8, BBC đưa tin A23a đã về lại vị trí ban đầu, tức phía Bắc Nam Cực, trong khi đáng lý ra nó phải trôi xuôi theo dòng hải lưu mạnh nhất Trái Đất.

A23a bắt đầu tách ra từ thềm băng Filchner-Ronne ở phía Tây Nam Cực vào năm 1986, nhưng bị kẹt lại tại vùng biển Weddell.

Khoảng gần 3 thập kỷ, tảng băng nặng 1.000 tỷ tấn gần như "ngủ" yên tại đây. Mãi đến năm 2020, A23a mới dịch chuyển trở lại, chậm rãi trôi trước khi di chuyển đến vùng nước ấm hơn. Tháng 11/2023, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy tảng băng trôi qua mũi phía Bắc của bán đảo Nam Cực nhờ gió lớn và các dòng hải lưu mạnh, theo Reuters.

 Cận cảnh A23a. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện.

Cận cảnh A23a. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện.

Đầu tháng 4, A23a trôi vào Hải lưu vòng Nam Cực (ACC) - dòng hải lưu đại dương lớn nhất hiện nay, chảy theo chiều kim đồng hồ từ tây sang đông quanh Nam Cực. Trước tình hình trên, các nhà khoa học dự đoán rằng A23a sẽ xuôi theo dòng hải lưu đến phía khu vực Nam Đại Tây Dương rồi tan chảy.

Nhưng vị trí thực tế của nó chứng minh kịch bản này đã sai. Tảng băng lớn nhất thế giới vẫn nằm ngay phía bắc quần đảo Nam Orkney, di chuyển theo hướng ngược chiều kim đồng hồ khoảng 15 độ mỗi ngày, theo BBC. Căn cứ vào tốc độ di chuyển hiện tại, thời gian chết của A23a sẽ kéo dài thêm.

Giáo sư Mark Brandon - chuyên gia về vùng cực - nhận định tảng băng thông thường chỉ mang tính chất tạm thời, chúng sẽ vỡ vụn và tan chảy. Tuy nhiên, A23a không như vậy.

"Nó là tảng băng trôi không chịu 'chết'", vị giáo sư nói.

 Minh họa cảnh A23a mắc kẹt do va chạm vật cản. Ảnh: IBSCO/Nasa, BBC.

Minh họa cảnh A23a mắc kẹt do va chạm vật cản. Ảnh: IBSCO/Nasa, BBC.

Một loại xoáy được mô tả lần đầu tiên vào khoảng năm 1920 bởi nhà vật lý Sir Geoffrey Ingram Taylor đã chặn A23a đi đúng chiều hải lưu. Cụ thể, vật cản là một sườn núi rộng khoảng 100 km dưới đáy đại dương, có tên là Pirie Bank.

Giáo sư Taylor từng giải thích chi tiết làm thế nào và điều gì sẽ xảy ra khi một dòng chảy gặp vật cản dưới đáy biển. Theo nhà vật lý người Anh, khi gặp chướng ngại vật, nếu trong điều kiện thích hợp, dòng chảy sẽ tách thành 2 luồng riêng biệt và tạo ra một khối nước quay tròn có độ sâu nhất định bao bọc vật cản.

Trong trường hợp của A23a, xoáy nước này chạy xung quanh A23a và Pirie Bank.

BBC nhận định tảng băng rộng gấp 3 lần New York là một minh họa thực tế cho việc tìm hiểu hình dạng của đáy biển. Núi, hẻm và sườn núi có ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy dưới đại dương.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chuyen-gi-xay-ra-voi-tang-bang-lon-nhat-the-gioi-post1490016.html