Chuyên gia bàn giải pháp bảo vệ an toàn trẻ em trên xe ô tô
Ngày 15/11, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) tổ chức hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.
Tính khả thi cao
Ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Luật TTATGT đường bộ 2024 quy định từ 1/1/2026 khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn (TBAT) phù hợp cho trẻ em.
Theo ông Minh, TBAT cho trẻ em trên ô tô có ý nghĩa quan trọng như dây an toàn cho người lớn, có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm từ 34% - 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (giảm từ 35. -72%) và các chấn thương khác của trẻ (giảm từ 25 - 58%) trong các vụ va chạm giao thông.
Tại Việt Nam, quy định điều kiện cần để sử dụng TBAT cho trẻ em trên ô tô là trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m. Tại một số nước trên thế giới, thay vì "và" họ quy định "hoặc". Tuy nhiên, quy định "và" trong điều kiện thực tế tại Việt Nam là dễ thực hiện và phù hợp, như vậy, trẻ em 10 tuổi nhưng cao 1,4 m sẽ không cần sử dụng TBAT, giảm các lo ngại của người dân về việc trẻ quá lớn không ngồi vừa TBAT.
Mặt khác, quy định về độ tuổi và chiều cao sẽ dễ dàng trong tuyên truyền, thực thi của người dân, phụ huynh cơ bản sẽ biết chính xác độ tuổi của con và lực lượng chức năng cũng dễ dàng xác định trẻ có thuộc đối tượng phải sử dụng TBAT cho trẻ hay không.
Cũng theo ông Minh, để quy định khả thi cần có lộ trình triển khai phù hợp, nên tập trung triển khai quy định với xe ô tô con cá nhân trước. Đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc (tốc độ tối đa 120 km/h trên cao tốc), hoặc trên mọi tuyến đường không cắm biển báo tốc độ, xe con cũng là phương tiện có tốc độ cao hơn xe khách, xe tải.
Mặt khác, tần suất trẻ em sử dụng trên phương tiện này cao vì đa số là xe gia đình, biết rõ nhu cầu sử dụng trước chuyến đi.
Đối với vận tải công cộng và xe kinh doanh vận tải, trước mắt nên khuyến khích và xây dựng lộ trình dài để các đơn vị vận tải có sự chuẩn bị triển khai. Bởi vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, có tiêu chuẩn an toàn cao hơn, trong khi, với xe kinh doanh vận tải, việc đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên trong lúc nhận và chở trẻ em sẽ là một khó khăn khi đáp ứng.
Riêng với xe chở học sinh mầm non và tiểu học, có thể quy định cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch hiệp hội đánh giá cao quy định về TBAT trong đảm bảo ATGT cho trẻ em trên ô tô và cho biết, khi triển khai trên xe kinh doanh vận tải, ông tin rằng, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng sẽ hưởng ứng.
"Việc chủ động trang bị TBAT cho trẻ trên ô tô trên các xe vận tải khách thậm chí còn giúp đơn vị lan tỏa thương hiệu, thể hiện sự quan tâm về ATGT đối với mọi hành khách trên chuyến đi mà họ phục vụ", ông Hùng nói.
Sớm ban hành quy chuẩn thiết bị an toàn
Tại hội thảo, PGS. TS Lý Hùng Anh, Đại học Bách khoa - Đại học GTVT Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay, trên thế giới có 2 bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về TBAT cho trẻ em trên ô tô, gồm tiêu chuẩn R44 và tiêu chuẩn (R129).
Trong đó, tiêu chuẩn R129 có nhiều cải tiến hơn so với tiêu chuẩn R44, giúp bảo vệ trẻ toàn diện hơn, việc thử nghiệm TBAT theo tiêu chuẩn này cũng nghiêm ngặt hơn với 32 cảm biến, bảo vệ trẻ cả va chạm phía trước, phía sau và bên hông.
Theo ông Hùng Anh, hiện cả 2 tiêu chuẩn trên đều đang có hiệu lực và được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, đa số các các nước đều hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn R129.
Tại Việt Nam, vị chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng đồng thời cả hai tiêu chuẩn R44 và R129, định hướng dần chuyển sang R129 trong tương lai.
Về vấn đề này, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về TBAT cho trẻ em trên ô tô ban hành tới đây về cơ bản sẽ áp dụng song song quy định tại cả hai tiêu chuẩn R44 và R129 trên thế giới, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi áp dụng.
Mặt khác, sẽ cho phép công nhận, chứng nhận báo cáo thử nghiệm ở nước ngoài với sản phẩm đã đạt hai tiêu chuẩn trên mà không cần thử nghiệm lại trong nước nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị nhập khẩu và phù hợp với cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Geneva 1988.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức phụ huynh là mấu chốt
Ông Trần Hữu Minh cho rằng, quy định quy chuẩn TBAT cho trẻ nên có quy định rõ các khoảng tuổi cho từng nhóm thiết bị và khoảng tuổi cho thiết bị tích hợp, đơn cử như nêu rõ nôi, ghế, ghế nâng, đệm nâng sử dụng cho độ tuổi nào là phù hợp.
Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân áp dụng, thực hiện và cũng đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ, tránh sử dụng sai thiết bị so với độ tuổi, chiều cao của các con.
Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, dù áp dụng tiêu chuẩn R44 hay R129 đều có thể sử dụng dây an toàn để cố định TBAT nên người dân sử dụng ô tô cũ chưa có neo ISOFIX cũng không cần lo lắng. Tuy nhiên, cần quy định rõ tại quy chuẩn của xe ô tô để đảm bảo mọi ô tô mới luôn có trang bị tiêu chuẩn ISOFIX để sẵn sàng lắp đặt TBAT cho trẻ.
Cùng đó, nhà sản xuất ô tô phải có đầy đủ hướng dẫn sử dụng ISOFIX, nhà sản xuất TBAT cũng phải có hướng dẫn lắp đặt, bảo dưỡng chi tiết của thiết bị.
Đại diện Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) cho rằng, để quy định sử dụng TBAT cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông sớm đi vào cuộc sống, cần tăng cường tuyên truyền việc lựa chọn TBAT đảm bảo chất lượng, cách thức lắp đặt trên ô tô để người dân hiểu và nắm được.
Mặt khác, ý thức của cha mẹ, của người điều khiển phương tiện (lái xe) và của cả cộng đồng là mấu chốt để quy định được thực thi hiệu quả. Bên cạnh tuyên truyền quy định, cần có chế tài và tăng cường tuyên truyền chế tài xử lý nếu không tuân thủ quy định trên.
Đồng quan điểm, Ths Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, qua thực hiện khảo sát, hầu hết phụ huynh đều nhận thức việc trang bị TBAT cho trẻ em là cần thiết, tuy nhiên, số lượng sử dụng rất thấp.
Kết quả khảo sát 14.924 xe ô tô cá nhân tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy có 7,4% các xe chở trẻ em. Trong đó, chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng TBAT cho trẻ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội với 2,6%, ở TP.HCM có 1,1%. Đáng chú ý, tại Đà Nẵng không có trường hợp nào sử dụng TBAT cho trẻ trên xe ô tô.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bên cạnh việc quy định áp dụng bắt buộc và các tiêu chuẩn kỹ thuật,… nhiều quốc gia chú trọng việc xác định rõ các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương xứng. Họ tổ chức các đợt kiểm tra, tuần tra thường xuyên để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó nâng cao ý thức chấp hành quy định của bậc phụ huynh, tài xế,…", ông Tuấn nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT cho biết, theo quy định của Luật TTATGT đường bộ, mọi ô tô đều phải thực hiện quy định về TBAT cho trẻ em khi chở trẻ tham gia giao thông.
Hiện nay, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và trừ điểm GPLX trong lĩnh vực đường bộ cũng đã quy định chế tài xử phạt, từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi chở trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m không sử dụng TBAT cho trẻ trên ô tô.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, một TBAT cho trẻ em trên ô tô hiện nay có mức giá từ 1,5 - 2 triệu/thiết bị. Giả định chi phí mua ô tô cũ trên thị trường trung bình khoảng 200 - 300 triệu đồng, chi phí mua xe ô tô mới trên thị trường trung bình 500 - 700 triệu đồng. Như vậy, chi phí TBAT chỉ chiếm 0,7 - 0,8% với xe cũ và 0,3 - 0,4% đối với xe mới.
Đây là mức mà phần lớn người sở hữu ô tô có khả năng chi trả. Thiết bị có thể điều chỉnh suốt quãng thời gian 1 - 10 tuổi. Bởi vậy, chi phí đầu tư chỉ có 1 lần.
Về lợi ích của chính sách, theo đánh giá sơ bộ, có khoảng 1.800 - 2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em.
Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam.