Chuyên gia bàn về vai trò trường cao đẳng Y, Dược trong đào tạo nhân lực y tế

Lãnh đạo các trường cao đẳng Y, Dược trên cả nước nêu ra vai trò, vị trí của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế hiện nay.

Sáng 15/4, tại Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, Câu lạc bộ Khối trường Cao đẳng Y Dược (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức hội thảo “Vai trò của các trường cao đẳng Y, Dược trong đào tạo nhân lực y tế”.

Tới dự hội thảo có đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Trương Anh Dũng – Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Tiến sĩ Nguyễn Văn Quân - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế); Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường Cao đẳng Y dược; Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình; cùng dự có lãnh đạo, giảng viên của hơn 70 trường cao đẳng Y, Dược trên cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trương Anh Dũng – Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, yêu cầu về đổi mới giáo dục đào tạo đang là vấn đề hết sức cấp bách. Nhu cầu về nguồn nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp để phát triển đất nước ta về số lượng, cơ cấu, chất lượng là rất lớn.

 Tiến sĩ Trương Anh Dũng – Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: LT)

Tiến sĩ Trương Anh Dũng – Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: LT)

Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo theo hướng giữ ổn định khung cơ cấu, trình độ ở bậc giáo dục nghề nghiệp như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của các trường cao đẳng Y, Dược theo Nghị quyết 19-NQ/TW triển khai thế nào, bởi vị thế, vị trí, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có những thay đổi.

Hiện nay, trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế có 121 trường, trong đó có khoảng 48% là trường công lập, 52% là ngoài công lập. Quy mô và năng lực đào tạo khoảng 68.000 sinh viên.

Câu chuyện đặt ra là khi sáp nhập thì có thay đổi quy mô này không, giúp nâng cao chất lượng các trường ra sao? Để làm việc này, điều quan trọng là xác định nhu cầu nhân lực ngành y thế nào để định vị được vị trí, vai trò, xu hướng phát triển các trường cao đẳng trong thời gian tới. Đây là bài toán mà chỉ ngành y tế mới trả lời được.

“Từ việc xác định nhu cầu nhân lực và cơ cấu trình độ nhân lực trong ngành y tế thì chúng ta mới tiến hành xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển cơ sở đào tạo ngành y nói riêng và khối giáo dục nghề nghiệp nói chung. Với yêu cầu và nhu cầu nguồn nhân lực như vậy, việc sắp xếp, tổ chức các cơ sở đào tạo trong ngành y cần ra sao?

Tại hội thảo này, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các thầy, cô từ phía các trường đào tạo ngành y tế để cùng nhau có những tham mưu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước cho phù hợp”, Tiến sĩ Trương Anh Dũng nói.

 Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: LT)

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: LT)

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe 3 tham luận: “Vị trí, vai trò các trường Cao đẳng Y tế trong đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội” của Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội; “Nhu cầu đào tạo nhân lực y tế tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ” của Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai; “Một số thách thức cho các trường Cao đẳng đào tạo khối ngành Sức khỏe trong giai đoạn tự chủ hội nhập, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo” của Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình.

Các tham luận đã chỉ ra được vị trí, vai trò của các trường cao đẳng y, dược trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương, của cả nước, nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Huy – Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, trình bày tham luận chỉ ra rằng, việc đào tạo và phát triển nhân lực y tế tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Để đạt được mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và hệ thống y tế.

Thạc sĩ Huy cũng trình bày các giải pháp để giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, góp phần xây dựng một hệ thống y tế vững mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong bối cảnh mới. Đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ các trường cao đẳng, đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế, nhất là nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tại các cơ sở.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận sôi nổi về vị trí, vai trò của các trường cao đẳng y, dược trong đào tạo nguồn nhân lực y tế. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp trong việc sắp xếp, tổ chức các cơ sở đào tạo trong ngành y.

Đánh giá về nguồn nhân lực Y tế, đại diện trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai cho hay:

Trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện rõ nét qua báo cáo của Bộ Y tế. Chúng ta đã xây dựng được một mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp, đảm bảo người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế khi cần. Đến hết năm 2024, cả nước có 1.665 bệnh viện, trong đó bệnh viện ngoài công lập chiếm tỷ lệ đáng kể (23%). Tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34 giường, vượt mức trung bình của thế giới (33 giường). Các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân Việt Nam cũng có sự cải thiện rõ rệt, với tuổi thọ trung bình đạt 74,6 tuổi, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu. Các chỉ số về tử vong mẹ và trẻ em tiếp tục xu hướng giảm tích cực.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cũng được chú trọng phát triển với mạng lưới các cơ sở đào tạo đa dạng về loại hình và chuyên ngành. Cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Ước tính năm 2024 số bác sĩ tốt nghiệp là 11.312; số dược sĩ tốt nghiệp là 7.453; số điều dưỡng đại học tốt nghiệp là 5.516.

Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực, thể hiện qua việc đạt và vượt các chỉ tiêu về số lượng bác sĩ, dược sĩ đại học và điều dưỡng trên 10.000 dân trong năm 2024 (Số bác sĩ trên 10.000 dân, chỉ tiêu phấn đấu năm 2024: 13,5; thực hiện: 14, vượt 0,5; số dược sỹ đại học trên 10.000 dân, chỉ tiêu phấn đấu năm 2024: 3,08; thực hiện 3,3, vượt 0,22 và số điều dưỡng trên 10.000 dân, chỉ tiêu được giao năm 2024: 18; thực hiện 18).

Với định hướng đến năm 2050, nguồn nhân lực y tế Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu của một hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân. Để đạt được mục tiêu này, nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế trong những năm tới là vô cùng lớn.

Theo chỉ tiêu nhân lực y tế đến 2030, chỉ tiêu năm 2025 tỷ lệ bác sĩ là 19 bác sĩ/10.000 dân và 25 điều dưỡng/10.000 dân, chỉ tiêu năm 2030 tỷ lệ bác sĩ là 35 bác sĩ/10.000 dân và 33 điều dưỡng/10.000 dân. Như vậy cho thấy, từ năm 2021 - 2030, cả nước cần bổ sung khoảng 168,3 nghìn bác sĩ và hơn 313,9 nghìn điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Trong đó, vùng Đông Nam bộ thiếu khoảng 33,2 nghìn bác sĩ và 59,2 nghìn điều dưỡng.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-ban-ve-vai-tro-truong-cao-dang-y-duoc-trong-dao-tao-nhan-luc-y-te-post250620.gd