Chuyên gia bảo vệ cây trồng nói về nạn châu chấu tàn phá rừng mét ở Nghệ An
Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cùng người dân đã nỗ lực khống chế được 80% nạn châu chấu phá hoại rừng cây mét tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), nhưng vẫn cần có một biện pháp tối ưu để tiêu diệt triệt để số lượng đàn côn trùng này còn sót lại.
Từ đầu tháng 4 vừa qua, nhiều ổ châu chấu lưng vàng xuất hiện tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Số lượng châu chấu lên đến hàng triệu con, chúng ăn lá cây mét trên rừng (một loại cây họ tre, người dân nơi đây còn gọi là tre mét) của bà con nông dân trồng, sau đó tràn ra khu dân cư ăn lá ngô, mía, cỏ sữa…
Diện tích bị châu chấu lên đến hàng trăm héc ta. UBND huyện Tân Kỳ cùng các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khống chế, tiêu diệt nạn châu chấu nói trên.
Quy luật sinh trưởng và phát triển của châu chấu lưng vàng tại Nghệ An
Sau quá trình kiểm tra và áp dụng các biện pháp diệt trừ châu chấu lưng vàng tại xã Nghĩa Bình vừa qua, ông Phan Duy Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Nghệ An đã đưa ra thông tin khái quát về nạn châu chấu này, quy luật sinh trưởng của chúng và cách thức tiêu diệt hiệu quả.
Theo ông Hải, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 633.000 héc ta rừng sản xuất, trong đó diện tích tre, mét được trồng khá phổ biến ở một số huyện như Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn.
Trong những năm gần đây, cùng với sự tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, sự phát sinh gây hại của châu chấu lưng vàng luôn tiềm ẩn nguy cơ khá lớn. Xu thế phát sinh thành các ổ dịch châu chấu ở trên rừng, sinh trưởng phát triển thành đàn có quy mô lớn và di chuyển từ gây hại rừng trồng xuống gây hại, tàn phá cây nông nghiệp đã xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh.
Châu chấu lưng vàng hoạt động phá hoại chủ yếu vào ban đêm, một con cái trưởng thành có thể đẻ trên 100 trứng. Trứng của chúng được đẻ trong đất trên rừng, trên đồng cỏ, trong rễ cây, bãi phân... Khi gặp điều kiện thích hợp như trời mưa, cây cỏ xanh tốt, châu chấu lưng vàng có thể tích lũy mật độ thành đàn di chuyển phá hoại nhưng giảm mật độ vào cuối mùa mưa.
Vòng đời châu chấu lưng vàng khoảng 4-5 tháng, tùy thuộc vào điều kiện sinh thái từng vùng. Con cái đẻ trứng vào cuối tháng 10 đến tháng 11. Chúng đẻ túi trứng đã thụ tinh xuống sâu dưới mặt đất 2-5cm. Mỗi túi trứng chứa vài chục trứng bó chặt nhau được bảo vệ bởi một lớp dịch bên ngoài.
Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu tác động của gió mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10 và gió mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Do đó trứng châu chấu lưng vàng nằm trong lòng đất suốt cả mùa đông và nở ra khi thời tiết đủ ấm. Con non lớn lên qua các giai đoạn đến khi có kích thước và cánh lớn hơn, quá trình này được gọi là biến thái không hoàn toàn do con non rất giống với châu chấu lưng vàng trưởng thành. Riêng ở khu vực ôn đới, nhiều loài châu chấu lưng vàng có thời gian ở dạng trứng tới 9 tháng, còn giai đoạn hoạt động con non và trưởng thành chỉ chiếm khoảng 3 tháng.
Phát hiện ổ ấu trùng sớm mới khống chế dịch hiệu quả
Ông Phan Duy Hải cho hay, do nắm được tập tính phát sinh gây hại của châu chấu lưng vàng như vậy nên đầu tháng 3, Chi cục TT-BVTV đã có công văn yêu cầu trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện miền núi, đặc biệt là các huyện có diện tích rừng tre mét nhiều, cử cán bộ chuyên môn phối hợp cùng chủ rừng để điều tra xác định thời điểm trứng nở, khu vực phát sinh gây hại nhiều để tổ chức phòng trừ giai đoạn con non.
Giữa tháng 4, tại xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ), cán bộ chức năng và chủ rừng đã phát hiện các ổ con non châu chấu lưng vàng quy mô lớn và đã khuyến cáo các chủ rừng phun thuốc diệt trừ.
Theo ông Nguyễn Văn Trình, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ, hộ ông Nguyễn Ngọc Vân (xóm 7, xã Nghĩa Bình) có 18ha cây tre mét đã phun thuốc có hoạt chất Acetamiprid + Imidacloprid như Sutin 50SC… nhưng không hiệu quả.
Sau khi kiểm tra cách thức, liều lượng pha chế không phát hiện gì sai nên Trung tâm đã hướng dẫn thay thế bằng thuốc có hoạt chất Nereistoxin như Neretox 95WP. Kết quả có hiệu quả cao trong diệt trừ các ổ dịch.
Đến ngày 25.4, khi Chi cục TT-BVTV trực tiếp kiểm tra, các chủ rừng đã tổ chức phun được 60ha rừng mét có mật độ ổ châu chấu lưng vàng lớn. Lúc này các ổ dịch phát sinh mật độ lớn trên 150ha mét của xã Nghĩa Bình đã được kiểm soát hiệu quả.
Châu chấu lưng vàng thường tấn công, gặm hết cả lá non và lá già của cây, làm khuyết từng mảng hoặc thủng lá, những lá bị nặng sẽ còn trơ lại gân lá. Do các ổ châu chấu lưng vàng thường rất lớn nên giai đoạn ấu trùng chúng xuất hiện ở đâu thì hầu như cây cỏ chỉ còn trơ lại gân lá, khi hết thức ăn chúng tiếp tục di chuyển theo chiều rộng, chiều cao để tìm kiếm.
Giai đoạn trứng của châu chấu rất khó phát hiện nên ở giai đoạn ấu trùng non chúng còn cư trú, gây hại tập trung thì triển khai phun thuốc diệt trừ để đỡ tốn kém và có hiệu quả cao. Khi ấu trùng lớn và trưởng thành, chúng di tản khắp nơi do bộ cánh hoàn thiện nên việc phòng trừ trở nên rất khó khăn và ít hiệu quả.
Phó chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Nghệ An cho biết, những năm trước đây, mặc dù có khuyến cáo của cán bộ chuyên môn nhưng người dân chủ quan không phun thuốc hoặc phun nhưng không triệt để nên có năm diện tích mét bị châu chấu ăn trụi 30-100% lá lên tới hơn 100ha.
Hậu quả là sản lượng măng trên một số khu rừng mét bị giảm tới 60%, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của các chủ rừng. Chính vì vậy, hiện nay khi có khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật, các chủ rừng đã chủ động tìm, phát hiện các ổ dịch châu chấu lưng vàng hại mét để tổ chức phun trừ sớm.
Ông Hải cho biết: “Vừa qua, nhờ nhận thức của người trồng rừng, sự hiểu biết và tận tụy của cán bộ chuyên môn, nguy cơ bùng phát gây hại của châu chấu lưng vàng đối với cây mét nói riêng, nguy cơ di cư gây hại cây trồng nông nghiệp nói chung năm 2023 ở địa bàn Tân Kỳ đã được tổ chức phòng trừ có hiệu quả”.
Ngày 5.6, ông Lê Viết Quý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Kỳ cho biết hiện đã khống chế được 80% sự phá hoại của đàn châu chấu tại xã Nghĩa Bình.
Diện tích cây tre mét bị châu chấu ăn lá đang trong quá trình phục hồi, vài tháng sau mới đánh giá được mức độ thiệt hại về giá trị kinh tế.