Chuyên gia bày cách làm mâm cúng tất niên cầu 'tấn lộc' chiều 30 Tết, cúng xong 'hóa vàng' luôn không?
Mâm cơm tất niên là không thể thiếu trong mỗi gia đình vào ngày 30 Tết hàng năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa, cách làm mâm cơm cúng tất niên đúng nghĩa, cầu tài lộc.
Mâm cỗ cúng tất niên 30 Tết có ý nghĩa gì?
Theo Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện Trưởng Viện nghiên cứu kiến trúc và văn hóa phương Đông, Chủ tịch CLB Phong thủy Thăng Long, mâm cỗ cúng tất niên chiều 30 Tết Nguyên Đán, nằm trong một chuỗi thủ tục, quan niệm, sự kiện nằm trong Tết cổ truyền.
Theo đó, trong hai từ “tất niên”, “tất” có nghĩa là hết, là hoàn thành, kết thúc. Tất niên, là bữa cơm, lễ cúng để hoàn tất, kết thúc một năm qua đi. Chính vì vậy, mâm cơm cúng, cơm gia đình này phải diễn ra vào thời điểm bữa cơm cuối cùng, thời điểm cuối cùng kết thúc một năm.
“Có thể là một bữa cơm chiều hoặc trưa ngày 30 Tết, về lý thuyết quan niệm, chuẩn nhất người xưa sẽ cúng vào tối 30. Tuy nhiên, hiện nay các gia đình có thể làm vào trưa 30 Tết để con cháu tụ họp xum vầy bên nhau, thuận tiện cho việc đi lại”, Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ chia sẻ.
Về thủ tục làm lễ cúng tất niên cầu tài lộc, bình an không có gì quá phức tạp. Theo quan niệm, khi ông Công, ông Táo ngày 23/12 lên trời để họp, đến cuối năm ngày 30/12 đã về lại gia đình, khi ấy các gia đình cũng có thể vừa làm cúng tổ tiên và các thần linh để cầu an.
“Nhiều gia đình vào sáng hoặc chiều 30/12 sẽ ra tảo mộ, quét dọn mộ thắp hương mời tổ tiên về để phụng sự tổ tiên trong mấy ngày Tết thật chu đáo. Về mâm cỗ tất niên sẽ tùy điều kiện gia đình nhưng không phải những thứ cao sang mỹ miều.
Đó chỉ là cỗ cúng, mâm cơm hàng ngày, có thể sang trọng hơn chút nhưng phải là những thứ con người ăn được. Khi ta ăn được gì, kính dâng lên tổ tiên cái đó, một số người cúng vàng mã thì đó lại là mang ý nghĩa khác”, Chuyên gia Tuệ chia sẻ.
Nội dung mâm cỗ cúng tất niên bằng các món ăn được, vật thực, điều này còn mang ý nghĩa thể hiện bình an, ấm no trong một năm sung túc chứ không đơn giản chỉ là mang lên cúng: “Những thứ hoa mỹ, không thực tế thì nên bỏ”, Chuyên gia Tuệ nói.
Cúng tất niên xong “hóa vàng” ngay có được không?
Nhiều người quan niệm, trần gian sao thì âm phủ vậy. Chính vì vậy, một số quan niệm các bậc tổ tiên cũng cần có tiền, quần áo để mua sắm chuẩn bị Tết. Do vậy, nhiều người thắc mắc liệu có thể “hóa vàng” xuống cho người âm, thần linh có tiền để chuẩn bị Tết ngay sau mâm cơm tất niên chiều 30 Tết được không?
Theo Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ, về việc cúng, đốt vàng mã là một điều rất khác mà dân gian du nhập về, quan niệm của Đạo giáo mới có những điều đó. Đạo phật hoặc những đạo khác thì không có điều đó.
Việc đốt vàng mã là quan niệm để cung cấp cho thế giới bên kia những vật dụng, tiền vàng, quần áo để thần linh, tổ tiên sử dụng. Tùy hoàn cảnh sẽ áp dụng những cách khác nhau để chuyển đổi từ thế giới dương đến thế giới âm. Tuy nhiên, đa phần sẽ dùng cách là đốt hay “hóa” để chuyển đổi sang.
“Sẽ có rất nhiều lễ trong dịp Tết, chính vì vậy mọi người sẽ chọn đa phần đến ngày mùng 3 Tết, trước khi tiễn thần linh, các cụ đi thì sẽ gom góp lại, đóng gói đốt, “hóa vàng” một thể.
Tuy nhiên, nếu “hóa vàng”, đốt ngay cũng được vì từ xa xưa hoàn toàn không có quan niệm đó, điều này hoàn toàn do mọi người tự quan niệm để cảm thấy an tâm hơn nên sẽ không có vấn đề gì”, Chuyên gia Phong thủy Tuệ chia sẻ.