Chuyên gia: Biến thể Delta đe dọa những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 21/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến thể Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh đang gây ra các làn sóng lây nhiễm mới ngay cả ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 ở mức cao và giới chuyên gia cảnh báo cần tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng để kiềm chế dịch bệnh.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25/6 cho rằng nhiều nước trên toàn cầu hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay.

Hiện biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Ông cũng nhận định dịch bệnh đang gia tăng trở lại trên khắp thế giới là do các nước nới lỏng những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Hiện số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại ở Nga, Úc, Israel và ở nhiều khu vực tại châu Phi, và một phần là do biến thể Delta. Các quốc gia khác cũng đang lo ngại dịch bệnh sẽ quay trở lại nước họ.

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 4. Ở châu Âu, tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh.

Biến thể Delta được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn 40-60% so với biến thể Alpha, biến thể mà cũng được cho là có thể lây nhiễm nhanh hơn so với chủng ban đầu gây ra làn sóng dịch bệnh đầu tiên.

Tại Mỹ, số liệu công bố tuần trước cho thấy 35% số ca bệnh mới là nhiễm biến thể Delta, tăng từ khoảng 10% ghi nhận vào ngày 5/6. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Israel. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính số ca nhiễm biến thể Delta có thể chiếm đến 70% số ca bệnh mới ở Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 8 tới và lên đến 90% vào cuối tháng đó.

Cho rằng biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với những nỗ lực kiểm chế dịch bệnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci đã kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vắcxin ngừa COVID-19 hiện nay có hiệu quả kém hơn một chút trong phòng ngừa biến thể Delta nhưng vẫn cho thấy hiệu quả cao nếu tiêm đủ 2 liều.

Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cho thấy nếu tiêm đủ liều vắcxin ngừa COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%.

Do lo ngại các biến thể có nguy cơ lây nhiễm cao, Đức ngày 25/6 đã đưa Bồ Đào Nha và Nga vào danh sách các nước có sự lây lan của biến thể, theo đó cấm hầu hết những hành khách đến từ hai quốc gia này.

Từ ngày 29/6 tới, chỉ công dân và những người cư trú tại Đức mới được phép trở về nước này từ Nga và Bồ Đào Nha, còn những hành khách khác sẽ bị cấm. Tuy nhiên, những người nhập cảnh vào Đức từ hai quốc gia trên sẽ phải thực hiện cách ly 2 tuần dù có xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Hiện cả Nga và Bồ Đào Nha đều thông báo về sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) ngày 25/6 cảnh báo nếu biến thể Delta trở thành dòng virus phổ biến ở Canada, có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 với số lượng lớn hơn dự kiến trong mùa thu này.

Người đứng đầu PHAC, tiến sĩ Theresa Tam cho biết “sự tái bùng phát” này có thể được kiểm soát nếu các biện pháp bảo vệ cá nhân vẫn được duy trì cho đến khi Canada đạt được mức tiêm chủng cao hơn. Giới chức y tế cho biết 75% người dân Canada phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp bảo vệ ở không gian trong nhà có thể được dỡ bỏ hoàn toàn.

Nhưng nếu biến thể Delta trở thành dòng “chủ đạo” ở Canada, tiến sĩ Theresa Tam cho rằng 80% dân số sẽ phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp đó được dỡ bỏ, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa thu. Theo tiến sĩ Tam, tăng nhận thức ở người trẻ tuổi là chìa khóa để giúp tránh kịch bản dịch bệnh bùng phát trở lại. Những người Canada dưới 40 tuổi đang thuộc nhóm chưa đạt mốc 75% tiêm liều đầu tiên.

Theo một nghiên cứu gần đây của Scotland, biến thể Delta có thể tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân COVID-19 khi so sánh với biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh.

Trong diễn biến khác, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết tính đến ngày 27/6, sẽ có khoảng 60% dân số trong toàn Liên minh châu Âu (EU), tức 220 triệu người, được tiêm ít nhất một liều vắcxin ngừa COVID-19.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU tại hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra hôm 24-25/6, Chủ tịch von der Leyen nhấn mạnh toàn Liên minh đã đạt được các tiến bộ vững chắc về tiêm chủng.

Trong quý 2, toàn khối đã vượt mục tiêu về vắcxin. Dự kiến, 424 triệu liều vắcxin sẽ được chuyển tới 27 quốc gia thành viên vào cuối tuần này, trong đó chủ yếu là các loại vắcxin cần tiêm 2 liều để bảo vệ đầy đủ. Điều này đảm bảo cho toàn EU đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành vào cuối tháng 7.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, tình hình dịch bệnh COVID-19 là một trong những chủ đề được bản thảo. Trong kết luận hội nghị, 27 quốc gia EU kêu gọi tiếp tục các nỗ lực tiêm chủng đồng thời nâng cao cảnh giác đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với mức độ lây lan nhanh chóng.

Các nhà lãnh đạo EU tái khẳng định cam kết của Liên minh về đoàn kết quốc tế nhằm đối phó với đại dịch, mở rộng quy mô sản xuất vắcxin và đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến đối với vắcxin, đặc biệt là trong khuôn khổ của hệ thống COVAX.

Tất cả các nước sản xuất và nhà sản xuất cần tích cực đóng góp vào nỗ lực tăng nguồn cung cấp vắcxin trên toàn cầu, đồng thời phối hợp ứng phó với các trở ngại trong cung ứng và phân phối. Ngoài ra, 27 quốc gia đã hoan nghênh quyết định được Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 thông qua về việc tiến hành một phiên họp bất thường của Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 11 về công ước khung chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về những bài học đầu tiên có thể rút ra từ đại dịch liên quan đến khả năng đáp ứng và phục hồi tập thể khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai để bảo vệ hoạt động của toàn khối.

Những người đứng đầu các quốc gia EU đều khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng thống nhất các quy tắc đi lại trên toàn khối.

Chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của Liên minh sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 và chỉ áp dụng đối với các loại vắcxin được cấp phép ở châu Âu, tuy nhiên, vẫn công nhận các loại vắcxin được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép để sử dụng khẩn cấp tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do và an toàn trong toàn khối. Việc đi lại tự do sẽ được khôi phục hoàn toàn trong toàn châu Âu khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/259363/chuyen-gia--bien-the-delta-de-doa-nhung-no-luc-kiem-che-dich-benh.html