Chuyên gia BV Nhi TW giúp bé gái tí hon cao thêm 28cm sau 2 năm
Từ cô bé hơn 9 tuổi với chiều cao 79cm và nặng 9kg, sau 2 năm điều trị tại BV Nhi TW, các chuyên gia đã giúp bé V 'lớn nhanh như thổi', cao thêm 29cm và nặng 19kg...
Mắc bệnh suy tuyến yên, bé gái hơn 9 tuổi chỉ nặng 9kg và cao bằng trẻ 2 tuổi bình thường
Mẹ của bé V. - chị Q.T.T cho biết, V. chào đời năm 2009 với 2,8kg. Cháu bé phát triển bình thường đến tháng thứ 5, nặng 5 kg. Tuy nhiên, chín tháng sau đó, V. không tăng lên lạng nào. Gia đình đưa bé lên Hà Nội khám, được các bác sĩ chẩn đoán suy dinh dưỡng. “Nếu sáu tháng sau, con không lên lạng nào thì lại mang đến đây khám"- bác sĩ khám cho bé nói.
"Sau đó là đằng đằng 3 năm liền tôi cho con uống thuốc, sữa theo đơn cho trẻ bị suy dinh dưỡng thì bé lên được đúng 2 lạng"- chị T. kể lại.
Nuôi mãi bé V. vẫn chỉ nhỏ như trẻ 1 tuổi nên đi đâu cũng được bố mẹ bế ẵm, đi vệ sinh phải ngồi bô, đứng đánh răng phải kê thêm ghế vì bồn nước quá cao.
Khi bé V. 5 tuổi chị xin cho con đi học mẫu giáo, mong con có thể hòa đồng cùng các bạn. Con đi học, chị vẫn mang theo bỉm đến lớp để có gì nhờ các cô giáo thay hộ. Đến năm 2019, chị xin mãi nhà trường mới nhận cho con đi học lớp 1 để học cùng em trai.
"Tôi không kỳ vọng con đi học biết chữ, biết đọc, học giỏi mà chỉ cần con vui vẻ, hòa đồng với các bạn. Cũng vì thế, con đi học về thấy xước xác người là tôi cũng thấy vui vì như thế là con có chơi với các bạn"- chị T. chia sẻ.
Đầu năm 2019, nghĩ thấy thương con, chị lại đưa con lên BV Nhi TW thăm khám. Lần này bé được chuyển lên khám nội tiết.
TS.BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền, BV Nhi TW cho biết thời điểm đến khám trẻ được 9 tuổi 5 tháng nhưng chỉ dài 79cm, nằm gọn kích thước đo chiều cao của trẻ 2 tuổi, chỉ nặng 9kg. Kết quả chụp cắt lớp MRI cho thấy tuyến yên nhỏ, tuổi xương chỉ tương đương trẻ 20 tháng.
“Trẻ phát triển chậm ở mức độ rất nặng. Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện trẻ bị suy tuyến yên bẩm sinh, đặc biệt thiếu hormone tăng trưởng nặng”- TS.BS Vũ Chí Dũng nói.
Trẻ được chỉ định bằng thuốc hormone tăng trưởng. Sau 12 tháng trẻ tăng được 18cm, sau 19 tháng tăng 26cm, sau 22 tháng trẻ tăng 28cm. Hiện trẻ cao 108cm, nặng 19kg, sự khác biệt rất lớn sau 2 năm.
“Đây là trường hợp đáp ứng tốt và rất điển hình của thiếu hụt hormone tăng trưởng do suy tuyến yên nặng. Dù cháu bé được chẩn đoán muộn nhưng việc đáp ứng điều trị rất tốt”- TS. BS Vũ Chí Dũng thông tin.
Chị T. chia sẻ, đến nay bé V. đã tự tin hơn rất nhiều, có thể tự đi vệ sinh. Bé có thể ăn được hai lưng bát cơm một bữa và đặc biệt không còn hay ốm như trước. "Tôi chỉ mong xem bác sĩ chữa để con lớn có thể tự chăm sóc được bản thân. Cháu đã phát triển được thế này là tôi đã mãn nguyện rồi"- chị T. vui mừng nói.
Cha mẹ cho trẻ đi khám ngay nếu 1 năm bé không cao thêm 4cm
Theo TS.BS Vũ Chí Dũng khoảng 10% những trường hợp có chiều cao thấp là do bệnh lý, cần phát hiện sớm điều trị kịp thời để trẻ có thể đạt chiều cao gần như trẻ bình thường. Vì thế, nhiệm vụ của các bác sĩ là phân biệt thấp do bệnh lý và thấp nhưng bình thường.
Có rất nhiều bệnh lý có thể khiến trẻ không phát triển được: dưỡng, nội tiết (như thiếu hụt GH -hormone tăng trưởng đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone tuyến yên, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp), các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, các bệnh về xương, các bệnh mạn tính/các bệnh chuyển hóa, các khối u và hậu quả muộn của điều trị ung thư, do thuốc… Các hội chứng bẩm sinh có thể kể đến là bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, Down), các hội chứng khác (Noonan, Russell-Silver), các khuyết tật bẩm sinh khác/chậm phát triển tinh thần.
Khoa Nội tiết - Chuyển hóa- Di truyền (BV Nhi TW) đang điều trị khoảng 400 trẻ, chủ yếu thiếu hormone tăng trưởng. Theo BS Dũng, số lượng này chưa phản ánh hết được tỷ lệ bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng vì chắc chắn vẫn còn nhiều cháu đến khám ở các cơ sở khác hoặc chủ yếu đi khám dinh dưỡng.
"Điều quan trọng là phát hiện sớm, càng sớm càng lý tưởng tuy nhiên có một thực tế là việc phát hiện không hề dễ. Mới đầu trẻ chưa bộc lộ rõ, nhiều gia đình đưa con đi khám nhiều nơi mà không ra bệnh.
Có những trẻ 15 tuổi, tuổi xương chỉ bằng trẻ 2-3 tuổi, điều trị vẫn hiệu quả. Nguyên tắc điều trị là điều trị nguyên nhân gây ra bệnh, không điều trị thuốc để tăng chiều cao"- TS. BS Vũ Chí Dũng cho biết thêm.
TS.BS Vũ Chí Dũng cũng nhấn mạnh, khác với các bệnh lý khác, trẻ thấp chiều cao cao do bệnh lý không thể đánh giá trẻ 1-2 tháng mà cần theo dõi ít nhất 6 tháng. Muốn phát hiện sớm tình trạng bệnh lý, cha mẹ cần chú ý việc theo dõi chiều cao của con. Nếu trong 1 năm trẻ không lớn thêm được 4cm là không bình thường. Khi đó, cha mẹ nên cho trẻ đi khám sớm để can thiệp kịp thời