Chuyên gia cảnh báo Brexit giáng đòn tiêu cực vào kinh tế Anh

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba năm sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Giáo sư Iain Begg của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London nhận định Brexit tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này và sự ủng hộ của công chúng đối với lựa chọn này đã giảm đi.

Theo ông Begg, Brexit tác động từng chút và nhỏ giọt đối với kinh tế Anh nhưng chủ yếu theo hướng tiêu cực.

Ông nói rằng ý tưởng về việc các thỏa thuận thương mại mới sẽ bù đắp quyền tiếp cận thị trường châu Âu là phi thực tế.

Ông Begg nhận định sau Brexit, Anh đang trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa nước ngoài và bị cô lập hơn so với các thị trường xuất khẩu vì tất cả các thủ tục giấy tờ liên quan đến giao dịch xuyên biên giới châu Âu.

Theo một ước tính, phần lớn trong số 71 thỏa thuận được thống nhất kể từ khi Brexit là các thỏa thuận gia hạn với các quốc gia đã có thỏa thuận thương mại với EU.

Ông Begg cho biết mặc dù Anh đã rời EU ba năm trước, nhưng thỏa thuận Brexit vẫn chưa không hoàn thiện khi vẫn còn những vấn đề tồn tại như Nghị định thư Bắc Ireland chưa được giải quyết và các khúc mắc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính hoặc đánh bắt cá.

Dữ liệu của YouGov cho thấy số lượng cử tri cho rằng việc Anh rời EU là sai lầm đã tăng liên tục kể từ năm 2021 và đạt mức kỷ lục 19% vào tháng 11/2022.

Bấp chấp những nhận định và số liệu trên, trong một tuyên bố đưa ra trước thềm lễ kỷ niệm 3 năm ngày Anh rời EU, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đánh giá việc rời khỏi EU đã mang lại cho Vương quốc Anh "cơ hội lớn," qua đó đạt được những thành tựu quan trọng.

Theo Thủ tướng Sunak, Brexit là một "cơ hội lớn để thực hiện" các ưu tiên của ông về tăng trưởng trong những lĩnh vực chủ chốt, thúc đẩy việc làm và giúp người dân Anh có thể cải thiện địa vị xã hội.

Ông nhấn mạnh Vương quốc Anh đã "tạo ra con đường trở thành một quốc gia độc lập với sự tự tin" và "động lực đó chưa hề ngừng trệ".

Những tiến bộ của nước Anh được Thủ tướng Sunak đề cập bao gồm quá trình triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất châu Âu, việc ký kết các thỏa thuận thương mại với 70 quốc gia và "việc giành lại quyền kiểm soát biên giới".

* Theo hãng tin Reuters, trong ngày 1/2, ước tính có tới 500.000 giáo viên, giảng viên đại học, viên chức và nhân viên lái tàu sẽ tham gia cuộc đình công lớn chưa từng có tại Anh trong nhiều năm qua. Chính phủ nước này cảnh báo cuộc đình công sẽ gây gián đoạn các hoạt động trên diện rộng.

Cuộc đình công đồng loạt nói trên sẽ khiến nhiều trường học đóng cửa, dịch vụ vận tải đường sắt ngưng trệ gần như trên toàn nước Anh, trong khi quân đội chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ tại các khu vực biên giới.

Theo ước tính của các nhà lãnh đạo công đoàn, có tới 500.000 người sẽ tham gia đình công, gồm khoảng 300.000 giáo viên, 100.000 viên chức thuộc 120 đơn vị của chính phủ, hàng chục nghìn giảng viên các trường đại học và nhân viên ngành đường sắt. Đây là số người tham gia đình công cao nhất trong ít nhất một thập kỷ qua tại Anh.

Bên cạnh đó, sẽ diễn ra nhiều cuộc tuần hành phản đối một đạo luật mới ngăn chặn đình công trong một số lĩnh vực cũng như phản đối một đề xuất mà người lao động cho là sẽ gây thêm nhiều bất đồng giữa họ và giới chủ.

Người đứng đầu Hiệp hội các công đoàn Anh (TUC), ông Paul Nowak, cho biết sau nhiều năm bị cắt giảm lương, các tiêu chuẩn sống tối thiểu của đội ngũ y tá, giáo viên và hàng triệu viên chức khác đang suy giảm đáng kể.

Họ lo ngại tình hình không những không được cải thiện mà có nguy cơ lương tiếp tục giảm. Ông Paul cho rằng thay vì tìm các biện pháp ngăn chặn đình công, các bộ trưởng nên tăng lương xứng đáng cho người lao động làm việc trong lĩnh vực công.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/292941/chuyen-gia-canh-bao-brexit-giang-don-tieu-cuc-vao-kinh-te-anh.html