Chuyên gia cảnh báo hiện tượng gắn mác ví điện tử để đầu tư tiền kỹ thuật số

Thời gian qua, xuất hiện một số doanh nghiệp hoạt động theo mô hình gọi vốn đầu tư đa cấp nhưng gắn mác tham gia 'ví điện tử' có 'lãi suất' cao. Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực đã có những nhận định riêng về vấn đề này.

TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

Ông đánh giá như thế nào về bản chất trong mô hình hoạt động của các doanh nghiệp này?

Hiện tượng đang nói đến liên quan tới một số vụ việc gần đây như sự xuất hiện của đồng tiền ảo iFan, Pincoin của công ty Modern Tech và Paya của công ty Pay Asian. Trong các vụ việc trên, người dân được mời gọi bỏ tiền đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số với kỳ vọng đồng tiền này sẽ tăng giá mạnh khi được triển khai chính thức.

Ở đây, các "ví điện tử" được nói đến chỉ là những tài khoản hay ví điện tử tại sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đặt ở nước ngoài được sử dụng để nhà đầu tư chuyển tiền bằng tiền pháp định (fiat currency) hoặc đồng tiền kỹ thuật số đã được lưu hành khác. Điểm này hoàn toàn khác với việc đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có ví điện tử) được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hiện nay như Momo, Moca… Bên cạnh đó, từ “lãi suất” cũng sử dụng không chính xác. Đây được xem là lợi nhuận dự kiến mang lại từ kỳ vọng đồng tiền kỹ thuật số sẽ tăng giá trong tương lai.

Về bản chất, đây là hoạt động đầu tư vào dự án nghiên cứu phát triển một đồng tiền kỹ thuật số xét trên giác độ nhà đầu tư và là nghiệp vụ gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) xét trên giác độ công ty gọi vốn. Dự án gọi vốn ở đây là một đồng tiền kỹ thuật số chưa đi vào lưu hành. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là gọi vốn đầu tư đa cấp.

Tiền điện tử là tiền được lưu trữ bằng các công cụ/phương tiện điện tử như ví điện tử, tài khoản ngân hàng… Bản chất của tiền điện tử vẫn là tiền và được pháp luật bảo vệ, hay nói cách khác tiền điện tử có giá trị nội tại.

Cần phân biệt bản chất và sự khác nhau giữa tiền điện tử và tiền kỹ thuật số như thế nào?

Trong khi đó tiền kỹ thuật số là một sản phẩm công nghệ và không có giá trị nội tại nên chưa được pháp luật bảo vệ ở đa số các nước. Tiền kỹ thuật số không dễ quy đổi ra tiền mặt, thường được mua - bán qua các sàn giao dịch với giá trị hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu, tâm lý thị trường và biên độ biến động giá rất lớn.

Với loại hình này, có thể thấy tiềm ẩn năm rủi ro chính. Đầu tiên là rủi ro về gian lận, lừa đảo. Trên thế giới có rất nhiều người lừa đảo, lợi dụng bằng cách tung ra các dự án bề ngoài rất tiềm năng nhưng thực tế hoàn toàn là giả mạo để đánh lừa, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư không có kinh nghiệm thẩm định, không đủ kiên nhẫn để xem xét chi tiết dự án có khả năng trở thành con mồi. Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra lừa đảo, nhà đầu tư có rất ít cơ hội để được pháp luật bảo vệ và lấy lại tiền đầu tư.

Nói như vậy thì khi người dân tham gia đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số sẽ rất rủi ro, thưa ông?

Nói như vậy thì khi người dân tham gia đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số sẽ rất rủi ro, thưa ông?

Nhà đầu tư sẽ mất rất nhiều thời gian để hiện thực hóa lợi nhuận hoặc thậm chí không bao giờ. Khi tham gia những dự án này, nhà đầu tư thường kỳ vọng sẽ thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian thu hồi vốn sẽ rất lâu và phụ thuộc vào dự án, ngay cả khi dự án đã đi vào hoạt động khả năng phá sản vẫn cao và khó có thể thu hồi vốn, rất rủi ro.

Trên thế giới hiện nay có đến hơn 2.300 đồng tiền kỹ thuật số được ra đời nhưng chỉ có khoảng 10 đồng tiền được giao dịch phổ biến như bitcoin, ethereum... Do đó, đầu tư vào tiền kỹ thuật số luôn rất rủi ro, chưa nói đến việc bên cạnh những đồng tiền kỹ thuật số thực sự còn có những đồng tiền kỹ thuật số giả.

Hiện nay tiền kỹ thuật số vẫn là chủ đề đang tranh cãi gay gắt trên thế giới. Có một số quốc gia chấp nhận cho phép thử nghiệm sử dụng tiền kỹ thuật số, nhưng cũng có rất nhiều nước không công nhận đồng tiền này. Khi đó việc bảo vệ nhà đầu tư sẽ rất hạn chế khi pháp luật không công nhận giao dịch và bản thân thông tin giao dịch mua/bán cũng chỉ giới hạn giữa hai bên, nền tảng công nghệ trung gian và không để lại dấu vết giao dịch.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có pháp luật quy định về huy động vốn cộng đồng và cho vay ngang hàng. Trong khi đó với tiền kỹ thuật số, Ngân hàng Nhà nước có cách tiếp cận thận trọng đối với các tài sản mã hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, tiền kỹ thuật số chưa được thừa nhận và đã khuyến cáo không nên sử dụng. Do đó, rủi ro liên quan đến gọi vốn cộng đồng và đầu tư tiền kỹ thuật số càng cao hơn.

Trong trường hợp gặp rủi ro, dưới góc độ pháp lý, vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào? Có khả năng thu hồi lại tiền?

Như đã phân tích ở trên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận tiền kỹ thuật số cũng như các hoạt động gọi vốn cộng đồng. Do đó có thể nói khả năng lấy lại tiền là rất thấp, gần như không thể khi số tiền thường được chuyển ra nước ngoài. Đặc biệt việc chuyển tiền thông qua các ví điện tử đặt tại nước ngoài nên việc tìm ra nguồn tiền lại càng trở nên khó khăn hơn.

Theo ông người dân nên làm gì để phòng tránh và giảm thiểu được tổn thất ở mức thấp nhất?

Trước hết là nhà đầu tư không nên tham và đề cao cảnh giác với những lời chào mời đầu tư có tỷ lệ sinh lời rất cao. Vấn đề này đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng đáng tiếc là vẫn liên tục có những trường hợp sập bẫy lừa đảo. Theo đó, người dân cũng cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hương Giang thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chuyen-gia-canh-bao-hien-tuong-gan-mac-vi-dien-tu-de-dau-tu-tien-ky-thuat-so-91265.html