Chuyên gia cảnh báo không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn trứng vịt lộn
BS Dzoãn Thị Tường Vi cho rằng, trứng vịt lộn rất giàu dinh dưỡng, có thể gây thừa chất, dẫn đến những chứng bệnh không mong muốn ở trẻ.
Trứng vịt lộn là một trong những món ăn vặt giàu dưỡng chất được bày bán rất phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh các món xôi, chè, cháo, trứng vịt lộn là món ăn được nhiều người săn lùng. Không chỉ được những người gầy muốn tăng cân yêu thích, nhiều cha mẹ thấy con mình gầy còi cũng muốn bổ sung trứng vịt lộn để con tăng cân tốt.
Theo các tài liệu đông y, trứng vịt lộn có tính hàn và những tác dụng như tu âm, ích trí, giúp cơ thể khỏe mạnh, dưỡng huyết, giúp máu huyết trong cơ thể lưu thông tốt hơn. Ăn nhiều sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Đây là một thực phẩm bổ dưỡng, là món ăn vặt giàu năng lượng được nhiều người coi trọng. Đó chính là lý do nhiều ông bố bà mẹ muốn bổ sung trứng vịt lộn vào thực đơn ăn uống hàng ngày của con, nhất là với những trẻ dưới 5 tuổi bị nhẹ cân, còi xương.
Tuy nhiên, loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này có thực sự tốt cho sự phát triển thể chất ở trẻ?
Trứng vịt lộn - Thực phẩm không dành cho trẻ dưới 5 tuổi
Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cho biết, trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân rất bổ dưỡng của nước ta. Trong một quả trứng vịt lộn cung cấp 182kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipid, 82mg canxi, 212g photpho và 600mg cholesterol cùng rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt...
Là món ăn nhẹ giàu dinh dưỡng, nhiều cha mẹ đã nghĩ đến việc bổ sung món ăn này để con phát triển cân nặng tốt hơn. Tuy nhiên, BS Tường Vi khuyến cáo, đây là một suy nghĩ thực sự sai lầm.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, ăn trứng vịt lộn là điều không nên. Trong 100g trứng vịt lộn có khoảng 1.000mcg vitamin A, trong khi nhu cầu hàng ngày của trẻ dưới 5 tuổi chỉ ở khoảng 300-500mcg. Xét tiêu chí ăn một quả mỗi ngày cũng đã vượt chỉ tiêu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nếu ăn thường xuyên loại thực phẩm này sẽ khiến lượng vitamin A dư thừa, trẻ dễ bị vàng da, bong tróc biểu bì, ảnh hưởng đến sự hình thành của xương, khiến trẻ khó có thể phát triển toàn diện. Lúc này, chẳng những ăn trứng vịt lộn không giúp tăng cân, phát triển thể chất mà còn bị phản tác dụng hoàn toàn.
Chưa kể, trứng vịt lộn là món ăn chứa hàm lượng cholesterol cao, ăn thường xuyên sẽ gây tích lũy cholesterol, là nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ gan, mỡ máu cao, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trẻ dưới 5 tuổi mà ăn trứng vịt lộn để bồi bổ thường xuyên rất khó tránh khỏi nguy cơ mắc những chứng bệnh nguy hiểm trên.
Bên cạnh đó, trẻ dưới 5 tuổi có hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện, sự chuyển hóa các chất trong hệ thống tiêu hóa của trẻ lúc này chưa thực sự trơn tru, dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Do đó, nhiều cha mẹ với suy nghĩ bồi bổ cho con tăng cân nhờ trứng vịt lộn cần nhìn nhận lại hành động này. Mặc dù có rất nhiều chất nhưng ăn nhiều trứng vịt lộn để tăng cân mà không ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng khác, khẩu phần ăn thiếu cân đối thì việc tăng cân rất khó thực hiện.
Cho trẻ ăn trứng vịt lộn đúng cách
Theo BS Dzoãn Thị Tường Vi, để bổ sung trứng vịt lộn cho trẻ đúng cách, cha mẹ chỉ nên bổ sung khi con được 5 tuổi trở lên. Mỗi tuần chỉ nên cho bé ăn trứng vịt lộn 1-2 lần, mỗi lần 1 quả là đủ. Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý những điểm quan trọng sau:
- Nên cho bé ăn trứng lộn vào buổi sáng để có năng lượng hoạt động cả ngày, tránh ăn buổi tối khiến trẻ bị khó tiêu, bụng ấm ách, ảnh hưởng đến tiêu hóa và giấc ngủ ban đêm.
- Do trứng lộn có chứa nhiều vitamin A nên khi dùng cần chú ý không nên cho trẻ uống thêm viatmin A hay ăn các thực phẩm chứa viatmin A để tránh việc bị dư thừa loại vitamin này.
- Vitamin A cần được hòa tan trong dầu mỡ mới hấp thu được nên khi cho ăn trứng lộn, bạn cần cho bé ăn kèm thực phẩm có dầu mỡ như đậu, lạc, nước canh…
- Không nên ăn trứng lộn trong thời gian quá dài. Nên thay đổi thường xuyên bằng những thực phẩm khác để cân đối dinh dưỡng, tránh mắc bệnh.
- Có thể thay đổi trứng vịt lộn bằng trứng gà, trứng vịt thường để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi cũng như thay đổi thực đơn ăn uống.