Chuyên gia cảnh báo 'lỗ hổng' chết người ở chung cư khiến trẻ nhỏ gặp nguy hiểm

Chuyên gia cho rằng, có nhiều 'lỗ hổng' trong việc quản lý, vận hành và thiết kế các tòa nhà cao tầng, chung cư khiến trẻ nhỏ gặp nguy hiểm.

Vì sao chung cư mất an toàn?

Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ trẻ bị ngã từ lan can các tòa chung cư đã khiến nhiều gia đình bất an, lo lắng. Vậy đâu là biện pháp an toàn cho trẻ nhỏ?

Trao đổi với Gia đình Việt Nam về vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, trong quy hoạch và thiết kế các chung cư và nhà cao tầng tại Việt Nam hiện nay đều đã có các quy chuẩn về đảm bảo an toàn.

Nhiều chung cư, tòa nhà được thiết kế, xây dựng không đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Nhiều chung cư, tòa nhà được thiết kế, xây dựng không đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

"Những quy chuẩn này rất chi tiết, rõ ràng như lan can, lô gia và ban công không phân chia theo phân vị ngang mà phân chia theo phân vị dọc quy định từ tầng cao thứ 5 trở lên là lan can phải cao hơn 1,2m; hệ thống cửa, công tác quản lý như thế nào đều phải đảm bảo....", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng về cơ sở pháp lý có khá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi thiết kế, thi công các chung cư, nhà cao tầng.

Tuy nhiên, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết rất nhiều công trình đã không thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn này làm tăng nguy cơ mất an toàn cho trẻ em thậm chí cả người lớn trong thời gian vừa qua đồng thời chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, khi phê duyệt thiết kế đôi khi các cơ quan quản lý đã không chú trọng nhắc nhở đến các quy chuẩn này.

Thứ hai, trong quá trình thi công các cơ quan, đơn vị nghiệm thu chỉ chú ý về tiến độ, diện tích thi công mà không quan tâm tới các yếu tố đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy...

Thứ ba, các gia đình trong quá trình sinh sống đã thiếu quan tâm, lơ là trong việc quản lý con cái, trẻ nhỏ là những đối tượng dễ gặp nguy hiểm.

Vụ việc cháu bé 2 tuổi gặp nguy hiểm khi rơi từ tầng 12 tòa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua là hồi chuông cảnh báo về việc quản lý, giám sát trẻ nhỏ.

Vụ việc cháu bé 2 tuổi gặp nguy hiểm khi rơi từ tầng 12 tòa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua là hồi chuông cảnh báo về việc quản lý, giám sát trẻ nhỏ.

Trong khi đó, GS.TS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị cho rằng, việc thiết kế các chung cư và nhà cao tầng hiện nay cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho cả người lớn và trẻ em trong quá trình sử dụng.

"Tôi cho rằng tất cả các tòa nhà được nghiệm thu đầy đủ để đưa vào sử dụng hiện nay đều sẽ được thẩm định các quy định về chiều cao của lan can để đảm bảo sự an toàn", GS.TS Doãn Minh Khôi nhận định.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị, việc để cho trẻ nhỏ trèo ra ngoài lan can và gặp tình huống nguy hiểm trong thời gian vừa qua không thể chỉ đổ cho lỗi thiết kế mà còn là lỗi của các bậc phụ huynh trong việc giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Làm thế nào để bảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ tại chung cư?

Để phòng ngừa các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với trẻ nhỏ, GS.TS Doãn Minh Khôi cho rằng các bản thiết kế chung cư, nhà cao tầng cần phải được tính toán để đảm bảo giảm thiểu các rủi ro bởi trẻ nhỏ rất hiếu động, nghịch ngợm và thích leo trèo.

"Không chỉ chung cư, nhà cao tầng, trường học tất cả các lan can cần phải đảm bảo không chỉ độ cao an toàn mà phải làm thế nào ngăn không để trẻ nhỏ trèo lên được", GS.TS Doãn Minh Khôi nói .

Hiện trường một vụ trẻ nhỏ rơi từ lan can chung cư xuống đất tử vong tại Hà Nội.

Hiện trường một vụ trẻ nhỏ rơi từ lan can chung cư xuống đất tử vong tại Hà Nội.

Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị cũng đưa ra một số dẫn chứng để cảnh báo tại các chung cư, tòa nhà cao tầng không đảm bảo an toàn như lan can có những thanh nằm ngang có thể khiến trẻ nhỏ nghịch ngợm trèo lên.

Ngoài ra, dù ban công hoặc lan can rất cao nhưng phụ huynh lại kê đặt đồ vật như bàn ghế, máy giặt hoặc thậm chí là các chậu cây cảnh cũng có thể là chỗ chỗ trẻ đu bám vào để trèo lên và gặp nguy hiểm....

"Các gia đình khi ở các chung cư hoặc tòa nhà cao tầng cũng cần hết sức lưu ý tới các ô cửa sổ không có rào chắn như song sắt, lưới che đảm bảo độ vững chắc cũng có thể trở thành nơi mất an toàn cho trẻ", GS.TS Doãn Minh Khôi khuyến cáo.

Các chuyên gia cho rằng các bản thiết kế chung cư, nhà cao tầng cần phải được tính toán để đảm bảo giảm thiểu các rủi ro đối với trẻ nhỏ.

Các chuyên gia cho rằng các bản thiết kế chung cư, nhà cao tầng cần phải được tính toán để đảm bảo giảm thiểu các rủi ro đối với trẻ nhỏ.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý, giám sát trẻ nhỏ và thiết kế đảm bảo an toàn sinh hoạt tại các chung cư, nhà cao tầng.

Cùng với đó, sau khi bàn giao đưa vào sử dụng nên có các Ban quản lý chung cư, tòa nhà để quản lý chung về diện tích tòa nhà, dịch vụ, kinh tế đồng thời chú trọng nhắc nhở cư dân trong việc khai thác, sử dụng an toàn, phòng cháy chữa cháy của tòa nhà.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chuyen-gia-canh-bao-lo-hong-chet-nguoi-o-chung-cu-khien-tre-nho-gap-nguy-hiem-d167155.html