Chuyên gia cảnh báo nguy cơ Covid-19 gây khủng hoảng nhân đạo ở Iran
Trong lúc số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng nhanh ở Iran, các chuyên gia cảnh báo rằng dịch bệnh ở quốc gia này có thể tồi tệ hơn con số công bố chính thức, và cần phải viện trợ khẩn cấp để giúp quốc gia đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt của Mỹ tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Hơn 250 người đang bị cách ly ở Qom, thành phố thu hút đông người Shiites từ khắp Iran và các nước khác, ông Ahmad Amiriabadi Farahani, quan chức Qom, nói với ILNA.
“Tôi rất lo ngại về nguy cơ Covid-19 bùng phát ở Iran và một vài nước châu Á có hệ thống y tế yếu”, ông Chen Xi, trợ lý giáo sư về chính sách y tế và kinh tế tại Trường Y tế cộng đồng Yale, nói về dịch Covid-19.
“Dù chúng ta cần theo dõi các ca nhiễm bệnh mới trong những ngày tới mới có thể kết luận, nhưng hệ thống ở Iran làm dấy lên lo ngại nguy cơ giấu dịch”, ông Chen nói.
Iran báo cáo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 13/2 và chỉ 6 ngày sau đã có các ca tử vong đầu tiên.
Giới chức Iran thông báo đóng cửa các trường học và trung tâm văn hóa trên khắp 14 tỉnh để hạn chế virus lây lan. Nhưng nước này chưa công bố thông tin chi tiết về dịch bệnh, bao gồm số người đang bị cách ly và họ cần những trang thiết bị y tế nào để đối phó dịch.
Covid-19 dường như đang lây lan nhanh chóng ở khu vực khi nhiều nước láng giềng của Iran báo cáo nhiều trường hợp nhiễm bệnh sau khi về từ Iran. Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Pakistan và các nước khác đều đã đóng cửa biên giới với Iran. Ả-rập Xê-út, Kuwait và Afghanistan đã hạn chế đi lại và nhập cảnh từ quốc gia Hồi giáo này.
Ông Chen và các chuyên gia Trung Quốc khác cảnh báo nền kinh tế và hệ thống y tế của Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào chương trình hạt nhân của Tehran, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018.
Nghiên cứu do Tổ chức quan sát nhân quyền và các nhóm khác thực hiện năm ngoái khẳng định rằng ngành y tế của Iran bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vòng cấm vận mới nhất của Mỹ, khiến các bệnh nhân bị ung thư và các bệnh khác không thể mua những loại thuốc quan trọng.
Hua Liming, một cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran, cho rằng dịch Covid-19 lần này là một phép thử lớn đối với Tehran.
“Dù chúng ta nghĩ dịch bệnh ở Iran không tồi tệ như ở Trung Quốc, nhưng đúng là Iran thiếu trang thiết bị cơ bản, đặc biệt là các bệnh viện chỉ có máy móc nghèo nàn và nhân viên y tế mỏng”, ông Hua nói.
Trong một lá thư viết chung với các chuyên gia khác đăng trên tạp chí y học The Lancet vào tháng 8 năm ngoái, Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi thừa nhận nhiều vòng trừng phạt kinh tế từ năm 1980 đã gây tác động khốc liệt lên sức khỏe và phúc lợi của dân thường Iran.
Hai năm trước, Tòa án công lý quốc tế tại La Hay ra phán quyết hiếm hoi để yêu cầu Washington dỡ các biện pháp hạn chế liên quan đến hàng nhân đạo, thực phẩm, thuốc men và hàng không dân dụng.
Các chuyên gia kêu gọi Mỹ nới lỏng hạn chế trao đổi hàng hóa nhân đạo với Iran, để cho phép Trung Quốc và các nước thân thiện với Tehran như Nga có thể cung cấp viện trợ y tế và nhân đạo cho Iran trước khi dịch Covid-19 trở thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn ở khu vực.
Ông Li Guofu, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quốc tế học Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò chìa khóa để giúp Tehran trong lúc khủng hoảng.
“Trong khi dịch bệnh còn mới mẻ và thế giới có ích kinh nghiệm ứng phó hay điều trị, Trung Quốc nên hợp tác với các nước khác để xem Iran cần gì và hỗ trợ hàng nhân đạo như khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác”, ông Li nói.
Nếu Iran xảy ra dịch Covid-19 quy mô lớn, Mỹ sẽ chịu sức ép quốc tế phải dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để cho phép viện trở nhân đạo, ông Gal Luft, đồng giám đốc Viện phân tích an ninh toàn cầu tại Washington, nhận định.
“Chính quyền Trump sẽ đối mặt với tình thế phải lựa chọn: nới lỏng sức ép lên Iran hoặc hứng chí trích quốc tế vì đang đẩy hàng triệu người vào rủi ro”, ông Gal nói.