Chuyên gia chỉ cách bảo vệ trẻ trước tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử

Theo các chuyên gia, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở lứa tuổi vị thành niên. Điều này gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với trẻ.

Hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 31/5 làm Ngày Thế giới không thuốc lá. Năm nay, thông điệp của Ngày Thế giới không thuốc lá là: "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".

WHO nhấn mạnh Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Đồng thời, kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ trẻ em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Tác hại của thuốc lá điện tử đối với trẻ vị thành niên

Các chuyên gia nhấn mạnh, hút thuốc lá gây ra rất nhiều hệ lụy xấu đối với sức khỏe. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhấn mạnh, hút thuốc lá gây ra rất nhiều hệ lụy xấu đối với sức khỏe. Ảnh minh họa

Trên toàn cầu, hiện nay ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó khoảng 5 triệu sống ở khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, những thành tựu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá có nguy cơ bị phá bỏ bởi tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, gia tăng nhanh chóng đặc biệt là trong giới trẻ.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá, đặc biệt thuốc lá điện tử gia tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ.

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, có một số nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên hút thuốc lá, chẳng hạn như: Do trẻ hiểu chưa đúng về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử; hoặc trẻ có những bất ổn về tâm lý và lấy việc sử dụng thuốc lá như 1 cách để giải tỏa; trẻ muốn chứng tỏ bản thân đã trưởng thành bằng việc hút thuốc.

Bên cạnh đó, một số trẻ bị ảnh hưởng bởi các hình thức quảng cáo, các thiết kế đa dạng về màu sắc, hình dạng… của thuốc lá điện tử nên tò mò dùng thử; hoặc trẻ bị bạn bè lôi kéo, thiếu bản lĩnh, thiếu kỹ năng sống nên bắt chước làm theo…

TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế khi trẻ sử dụng có thể gây vật vã, khó chịu. Đặc biệt nicotine gây hại cho sự phát triển của não bộ, làm suy giảm trí nhớ, học tập, sự tập trung, sự chú ý và khả năng kiểm soát bản thân. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng cho trẻ.

"Chất lỏng điện tử nicotine thường kết hợp với propylene glycol, glycerin, là chất làm ẩm khi bị đun nóng tạo ra chất kích thích phổi và hợp chất gây ung thư (ví dụ: formaldehyde, acetaldehyde và acrolein).

Ngoài ra, với cấu tạo các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, hút thuốc lá điện tử có thể dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính", BS Loan phân tích.

Bảo vệ trẻ trước tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở lứa tuổi vị thành niên. Đặc biệt, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho trẻ.

Gia đình, nhà trường cần giáo dục trẻ về những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá và nói "không" khi bị lôi kéo hút thử. Ảnh minh họa

Gia đình, nhà trường cần giáo dục trẻ về những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá và nói "không" khi bị lôi kéo hút thử. Ảnh minh họa

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở trẻ vị thành niên, BS Loan khuyến cáo, cần có sự phối hợp giữa trẻ vị thành niên, gia đình và nhà trường.

Đối với nhà trường: Cần trang bị cho trẻ kỹ năng từ chối; phân tích cho trẻ hiểu rõ tác hại của thuốc lá để trẻ có lập trường vững vàng trước những lời mời gọi của bạn bè. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học cho trẻ.

Đối với trẻ vị thành niên: Khi bị lôi kéo hút thuốc, mạnh dạn phản ánh với thầy cô, cha mẹ để có biện pháp xử lý kịp thời. Nên thẳng thắn nói "không" và tỏ rõ lập trường của bản thân khi bị lôi kéo.

Đối với gia đình: Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe, đồng hành cùng con, nắm bắt tâm lý và những thay đổi của trẻ để động viên kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên hút thuốc lá để làm gương cho trẻ.

Cần phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-bao-ve-tre-truoc-tac-hai-nghiem-trong-cua-thuoc-la-dien-tu-172240531120923092.htm