Chuyên gia chỉ cách giúp trẻ tránh xa thiết bị điện tử trong dịp nghỉ hè

Cha mẹ tạo ra những hoạt động thu hút trẻ trong dịp hè bằng cách cùng đồng hành tham gia với trẻ, chỉ có như thế mới giúp cho trẻ buông bớt điện thoại, tránh việc chơi game quá mức...

Sử dụng điện thoại quá nhiều có thể dẫn đến loạn thần

Học sinh trên cả nước đã chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Những mối lo về ảnh hưởng tiêu cực khi trẻ nghiện thiết bị điện tử lại đang dần hiện hữu. Mới đây, báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết hiện trẻ em ở nước ta sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào internet, cao hơn 2-3 lần so với khuyến cáo. Con số này có thể cao hơn trong mùa hè nếu chúng ta không kịp nhận diện và quan tâm đúng mức.

Với nhiều trẻ em, thói quen sử dụng điện thoại, máy tính và tivi mỗi ngày đã trở nên phổ biến. Chị Phạm Quỳnh Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ, con nghỉ hè, hai vợ chồng chị phải đi làm, để con ở nhà "ngoan ngoãn", vợ chồng chị phải cho con 1 chiếc điện thoại và giao kèo con được xem khoảng 2-3 giờ mỗi ngày phục vụ cho việc học. Chiều về kiểm tra điện thoại chị thấy, con chủ yếu lướt TikTok và chơi game chứ không sử dụng điện thoại vào việc học hành.

Sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử rất có hại cho sức khỏe trẻ em.

Sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử rất có hại cho sức khỏe trẻ em.

Một thực tế đáng lo ngại là thời gian trẻ dành cho các thiết bị điện tử để giải trí trong dịp hè có thể lớn hơn rất nhiều. Trẻ đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thiết bị điện tử. Lạm dụng các thiết bị điện tử có thể khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, sau mỗi kỳ nghỉ hè, số lượng trẻ đến bệnh viện thăm khám vì xuất hiện nhiều triệu chứng nghiện màn hình và nghiện game online gia tăng.

Theo một nghiên cứu được công bố trên các phương tiện truyền thông, trẻ dùng thiết bị điện tử trên 1 giờ mỗi ngày có thể bị rối loạn não bộ và kém phát triển hơn những đứa trẻ không sử dụng thiết bị điện tử. Có khả năng nguyên nhân không phải do thiết bị điện tử, mà là trẻ không còn dành thời gian chơi trò vận động và tương tác với người thực sự, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.

ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Giáo dục kỹ năng Angel nhìn nhận, đối với trẻ, những ngày tháng mong đợi sau những ngày học tập áp lực, chắc có lẻ là những ngày hè, đây là quãng thời gian trẻ sẽ cảm thấy hài lòng và thoải mái nhất, được vui chơi, lại đỡ áp lực và bớt lo nghĩ.

So sánh giữa thế hệ trước và thế hệ Gen Z thì có thể thấy rằng, vào những ngày hè ở thế hệ trước, sau những ngày học tập là vui chơi với ruộng đồng, được thả ga chơi với những trò chơi dân gian, trò chuyện, hát hò, xem tivi là món cực kỳ lớn và đôi khi lại là mơ ước. Thế hệ Gen Z hôm nay là một trạng thái rất khác với những hoạt động hè phong phú, không chỉ là phải học tập thêm, mà còn trải nghiệm nhiều trò chơi công nghệ, kết nối trò chuyện trên các nền tảng mạng xã hội, hẹn hò yêu đương, bạn bè với nhiều sáng kiến vui chơi tích cực nhiều, nhưng tiêu cực cũng nhiều không kém. Điều này đem lại một số mặt trái khiến không ít bố mẹ đau đầu.

Cách để trẻ tránh xa các thiết bị điện tử

Để trẻ có một kỳ nghỉ hè lành mạnh không khó, theo chuyên gia có nhiều hoạt động mang lại ý nghĩa giáo dục toàn diện cho trẻ. Đầu tiên, đây có thể là khoảng thời gian để phát triển học tập cho trẻ nếu cần thiết. Học thêm có nhiều ý nghĩa tích cực, là một trong những hoạt động hè cũng mang lại lợi ích cho trẻ, nhưng cần có sự dung hòa và phù hợp. Việc học chỉ nên là cách để ôn lại kiến thức tránh học thêm quá nhiều môn, lấy đi thời gian trải nghiệm, vui chơi giải trí trong dịp hè, mà con hằng khao khát và mong đợi.

Kết hợp học tập các giá trị sống và kỹ năng sống, thông qua các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khác, các em trau dồi giá trị sống như chia sẻ, yêu thương, khiêm tốn, trung thực, đoàn kết,… học tập các kỹ năng sống về giao tiếp, tự tin nói chuyện trước đám đông, thuyết trình và tư duy phản biện thông qua các lớp học tại các cơ sở đào tạo uy tín, Nhà Thiếu Nhi, Nhà Văn Hóa, chương trình sinh hoạt Đoàn - Hội tại địa phương, các hoạt động ý nghĩa như tham gia hội trại, du lịch trải nghiệm văn hóa dân gian.

Dịp hè học và chơi, nhưng song hành là thời gian để chăm sóc tinh thần nhiều hơn, tập nhìn lại những sự kiện đã qua theo hướng tích cực, ngủ đủ giấc hơn, ăn uống chậm rãi hơn, tập mỉm cười và thực hành viết lòng biết ơn mỗi ngày.

ThS Đinh Văn Thịnh khuyên, cha mẹ có thể tạo các hoạt động trải nghiệm tại nhà, cha mẹ cần dành thời gian đồng hành và hướng dẫn trẻ về các kỹ năng chăm sóc bản thân, tự phục vụ, giặt giũ, các kỹ năng chuẩn bị bữa ăn và sau ăn, kỹ năng kết nối với các thành viên trong gia đình, chia sẻ, trò chuyện trực tiếp thông qua quá trình hoạt động.

"Để trẻ có ngày hè bổ ích đúng nghĩa hơn nữa, cần phải cân bằng giữa vui chơi và học tập, đặt ra những mục tiêu, kế hoạch thực hiện rõ ràng. Hè không chỉ là thời gian học tập kiến thức văn hóa hay kỹ năng sống không mà thôi, cần tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm thêm về những hoạt động phát triển năng khiếu như đàn, ca hát, nhảy, đạp xe. Ngoài ra, nêu cao tầm quan trọng của việc nâng cao thể chất, có thể cha mẹ cùng tham gia các hoạt động thể thao với trẻ như cầu lông, bóng rổ, bơi lội, chạy bộ và các bộ môn phát triển thể chất khác phù hợp", ThS Đinh Văn Thịnh nói.

Cha mẹ có thể cho trẻ về thăm ông bà, trải nghiệm đời sống ở quê hương, đi du lịch khám phá nhiều vùng đất mới, kết nối thiên nhiên, tìm hiểu về văn hóa và kết nối với người khác, thưởng thức ẩm thực vùng miền, giúp trẻ khám phá cuộc sống ở thế giới thực sâu sắc hơn.

Trong thời đại công nghệ, chúng ta không thể cấm hoàn toàn trẻ sử dụng công nghệ. Thay vì cấm cản thì cần định hướng để trẻ sử dụng đúng mục đích, để công nghệ ấy sẽ giúp trẻ kết nối với thời đại và cuộc sống hôm nay. Chúng ta chỉ có thể tạo ra những hoạt động thu hút ý nghĩa trong dịp hè và cùng đồng hành tham gia với trẻ, chỉ có như thế mới giúp cho trẻ buông bớt điện thoại, tránh việc chơi game quá mức, tạo một mùa hè cho trẻ nhiều trải nghiệm, niềm vui và ý nghĩa hơn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-giup-tre-tranh-xa-thiet-bi-dien-tu-trong-dip-nghi-he-16924060705583342.htm