Chuyên gia chỉ ra 2 từ khóa quan trọng để kinh tế TP.HCM vượt khó khăn

TP.HCM đã rất nỗ lực để thoát khỏi 'chu kỳ kinh tế' và 'độ trễ chính sách' nhưng có khả năng cao là khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra vào cuối năm 2023.

Sáng 28-9, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV-2023, lãnh đạo các sở ngành nhìn nhận tình hình kinh tế TP đã có nhiều điểm sáng nhưng cũng đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.

Đón chu kỳ kinh tế quay lại vào quý II-2024

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng các chỉ số kinh tế của TP hiện nay đã được dự báo từ cuối năm 2022 với những dấu hiệu cụ thể.

 TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nói về hai từ khóa. Ảnh: TTBC

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nói về hai từ khóa. Ảnh: TTBC

Ông đã phân tích hai từ khóa quan trọng là “chu kỳ kinh tế” và “độ trễ chính sách”. Theo ông Vũ, khi đã đi vào chu kỳ kinh tế giảm thì dù quản lý giỏi cỡ nào, mạnh cỡ nào cũng rất khó đạt tăng trưởng cao. Hiện nay thế giới sử dụng từ “mùa đông kinh tế” để thể hiện chu kỳ kinh tế giảm tác động lớn đến các chính sách, tình hình xuất khẩu, chuỗi cung ứng.

Còn về “độ trễ kinh tế”, ông Vũ cho rằng bất kỳ hoạch định nào TP ban hành đều có độ trễ. “Hôm nay chúng ta can thiệp vào thị trường thì có thể chín tháng, một năm sau mới có hiệu quả” – ông Vũ nói và cho biết hai từ khóa này phần nào giải thích rõ những gì diễn ra trong chín tháng vừa qua và cũng có thể là đến hết năm 2023.

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP nhìn nhận TP đã rất nỗ lực để thoát khỏi chu kỳ kinh tế và độ trễ chính sách nhưng có khả năng cao là khó đạt được chỉ số đề ra vào cuối năm. Ông đề nghị làm sao khi chu kỳ kinh tế quay trở lại (dự kiến là quý II-2024), TP phải “bắt được” xu thế này, chứ không quá kì vọng, dồn hết lực vào tăng trưởng.

Nói về giải pháp thời gian tới, ông đề nghị cần thực hiện song song các giải pháp mang tính xoay sở, đối phó và các giải pháp mang tính lâu dài.

Cụ thể, TP.HCM cần tập trung triển khai, “tiêu hóa” hết được đầu tư công, “kích thích tiêu dùng khuyến mãi để phát huy sức mua của người dân sau hai năm COVID-19; tháo gỡ pháp lý cho các dự án; mở sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ như mua sắm xe công, thiết bị để tạo ra động lực kích cầu, sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, TP cần dựa vào Nghị quyết 98 để kiến tạo, chuẩn bị đón chu kỳ kinh tế, từ quý II-2024.

Kích cầu bất động sản, nắn dòng vốn vào nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, cho biết DN đã có đơn hàng trở lại nhưng phần lớn là đơn hàng ngắn hạn, mặt hàng thiết yếu, thường xuyên; sức mua và doanh số của DN đang giảm, môi trường kinh doanh chậm cải thiện, DN còn đối mặt với nhiều khó khăn.

 Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, đề nghị cần kích cầu BĐS. Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, đề nghị cần kích cầu BĐS. Ảnh: TTBC

Theo ông Hòa, vừa qua ngân hàng có những động thái tích cực hỗ trợ DN như giảm lãi suất nhưng vốn không hấp thu được, DN hiện không có nhu cầu, không mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh.

“Tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, hăng hái bung ra làm ăn là chưa có” – ông Hòa nói và cho biết tuy lãi suất giảm nhưng DN chưa biết vay để làm gì.

Đáng mừng vừa qua, thực hiện Nghị quyết 98, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về kích cầu, hiện nay các DN đang triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP cho rằng hiện nguồn lực đất đai chưa khơi thông. Nếu xác định được giá đất thì DN sẽ mạnh dạn đầu tư hơn, vì dù có kích cầu thì cũng chỉ có thể mua máy móc, thiết bị chứ khó đầu tư lớn.

TP cũng cần quay lại kích cầu bất động sản (BĐS), nắn dòng vốn vào đúng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở phổ thông, thay vì phân khúc cao cấp, nhà nghỉ dưỡng hiện nay.

“Đại bộ phận người dân vẫn có tiền, tiền gửi vẫn tăng, vậy làm sao nắn dòng tiền đó vào nhà ở” – ông Hòa nói thêm và cho rằng cần phải nắn dòng vốn chảy trực tiếp vào người mua nhà bằng việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất… thay vì chảy vào các doanh nghiệp BĐS.

Dịch vụ là trụ cột chính

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP, cho biết tiếp tục đà tăng trưởng của quý II thì kinh tế TP quý III đã có nhiều chuyển biến tích cực, mức tăng trưởng chín tháng đầu năm tăng 4,57%.

“Đây là một trong những tín hiệu tích cực” – ông Hoàng nói và cho biết góp phần tích cực cho tăng trưởng của TP thì khu vực dịch vụ vẫn là trụ cột chính. Theo ông Hoàng, dịch vụ tuy chiếm tỉ trọng trong GRDP chỉ 65% nhưng đóng góp tăng trưởng đến 78,8%, khẳng định vai trò của khối dịch vụ trong tăng trưởng kinh tế TP.

Ông Hoàng cho biết tiêu dùng chiếm phần lớn trong khối dịch vụ, do đó TP cần kích cầu tiêu dùng. Trong chín tháng vừa qua, trong ngành dịch vụ chỉ có hoạt động BĐS tăng trưởng âm, kéo theo lĩnh vực xây dựng, do đó việc tháo gỡ bất động sản là nút thắt hiện nay.

Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng dù kinh tế quý II và III có khởi sắc nhưng để TP hoàn thành kế hoạch năm 2023 thì áp lực quý IV là rất lớn. Ông dẫn chứng để đạt mức tăng trưởng 7,5% vào cuối năm thì quý IV phải tăng trưởng 15%.

Ông cũng nhấn mạnh hiện nay sức mua nội địa là yếu tố quyết định đến việc tăng trưởng kinh tế TP. “Đây đang là điểm sáng, thay thế cho hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm” - ông Hoàng nói và đề nghị TP cần có kế hoạch dài hơi hơn trong thực hiện chương trình khuyến mãi, hỗ trợ cho các DN.

Một tín hiệu đáng mừng khác là TP.HCM đã có tháng thứ ba tiếp tục tăng trưởng sản xuất công nghiệp, vượt qua giai đoạn suy giảm của các tháng đầu năm. Ông Hoàng cho rằng nếu sản xuất công nghiệp tiếp tục tích cực, sẽ góp phần duy trì thị trường nội địa và xuất khẩu đang gặp khó khăn.

Đáng chú ý, vừa qua TP có 860 dự án FDI, tăng 51,7%, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư đối với TP...

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-chi-ra-2-tu-khoa-quan-trong-de-kinh-te-tphcm-vuot-kho-khan-post753743.html