Chuyên gia chỉ ra 'đột phá' sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị

Nhiệm vụ phát triển 400 km đường sắt đô thị ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM sẽ khả thi nếu được thực hiện với tư duy đột phá, khung pháp lý được 'may đo' riêng cho 2 thành phố.

Sáng 17/1, tại Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, nhiều chuyên gia đã hiến kế các giải pháp nhằm sớm đạt được mục tiêu phát triển hơn 400 km đường sắt đô thị ở mỗi thành phố vào năm 2035.

Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho biết, đây là nhiệm vụ rất khả thi nếu có tư duy mới thực sự đột phá.

Theo ông Đông, cần có một khung pháp lý mới “may đo” riêng cho Hà Nội và TP.HCM… tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị.

Ông Đông nhấn mạnh, đó là những cơ chế, chính sách đột phá thuộc các lĩnh vực quy hoạch, bồi thường và thu hồi đất, nguồn lực tài chính, trình tự, thủ tục, đầu tư, xây dựng; khung tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị, mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân nhân lực...

Chuyên gia chỉ ra ‘đột phá’ sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị

Chuyên gia chỉ ra ‘đột phá’ sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị

Trong đó, vị chuyên gia đề cập đến một số cơ chế cụ thể như phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội và TP.HCM được ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị riêng; trình tự thủ tục riêng liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị.

Chia sẻ bên lề hội thảo, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng muốn triển khai nhanh và hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị thì phải giải quyết được 5 trụ cột.

5 trụ cột gồm: quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chính sách tài chính và vốn, lựa chọn công nghệ phù hợp, quản lý dự án.

“Trong đó, có hai trụ cột cần giải quyết trước mắt là quy hoạch và chính sách tài chính. Riêng đối với tài chính, về nguyên tắc, nguồn lực để đầu tư chạy mới cho đường sắt đô thị xuất phát từ các nguồn thu như vé, quảng cáo, phát triển đất đai, bất động sản xung quanh nhà ga…

Nguồn vốn có thể huy động là vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường vốn trong nước và quốc tế, phát hành trái phiếu…, đòi hỏi chúng ta phải có ngay nguồn vốn khá lớn cho những tuyến đường sắt đô thị đầu tiên”, PGS. TS Vũ Anh Tuấn nói.

Theo PGS. TS Vũ Anh Tuấn, thực tiễn triển khai các dự án siêu lớn cho thấy chúng ta không có kinh nghiệm, mất nhiều thời gian vừa làm vừa học. Ngoài ra, cách quản lý, vận hành các dự án lên tới 128 quy trình hiện nay không còn phù hợp cách quản lý, vận hành các dự án đường sắt đô thị.

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức

“Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các TP như Thượng Hải, Hàng Châu, Thâm Quyến… mà như tôi được biết là họ làm theo phương pháp “chìa khóa trao tay”, tức là Trung ương trao cho địa phương toàn bộ quyền lập quy hoạch, phê duyệt các dự án đường sắt đô thị; các địa phương lại giao cho mỗi tổng thầu một tuyến làm theo phương thức trọn gói từ đầu đến cuối. Nhờ vậy, tiến độ của họ rất nhanh, hàng năm được 20-30km, có thành phố làm được 100km đường sắt đô thị”, PGS. TS Anh Tuấn nói.

Tương tự, ông Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng tư vấn về phát triển đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng, muốn thực hiện được Kết luận 49 của Bộ Chính trị, chúng ta phải có nhiều giải pháp tổng thể nhằm tăng quyền tự chủ bằng cơ chế đặc thù đối với các thành phố. Theo đó, các địa phương phải được lựa chọn các tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn công nghệ, huy động nguồn vốn từ đất đai qua mô hình TOD, qua đây có nguồn thu để đầu tư phát triển đô thị; tự chủ kỹ thuật thiết kế, thi công.

“Mỗi tuyến đường sắt đô thị dự kiến đầu tư khoảng 2 tỷ USD, mỗi lần trình Quốc hội phê duyệt rất mất thời gian nên chúng tôi mong muốn 2 thành phố có phương án tổng thể để trình Quốc hội phê duyệt và giao chính quyền địa phương phê duyệt từng tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra là mục tiêu cần phấn đấu, sau vài năm đầu khó khăn chúng ta cần phải tăng tốc, không để tiếp diễn tình trạng chậm chạp hiện nay”, ông Quốc nói.

Theo Kết luận số 49 của Bộ chính trị, trong 12 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành được gần 405 km còn lại, với kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 850 nghìn tỷ đồng.

Quy hoạch Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, TP mới chỉ hoàn thành được 13km tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn- ga Hà Nội.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-chi-ra-khau-dot-pha-som-hoan-chinh-mang-luoi-duong-sat-do-thi-2240678.html