Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân bất ngờ khiến trẻ lười học
Chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em lười học có thể do chính các bậc phụ huynh.
Thường xuyên quát mắng, dọa nạt
Cô giáo Nguyễn Thị Trường (Trường THCS Bình Ba, Phú Thọ) cho rằng, nhiều cha mẹ đã vô tình khiến con ngày càng lười học hơn mà không hay biết. Do đó, cần “bắt mạch” được những hành vi chưa đúng để điều chỉnh. Làm vậy không chỉ giúp cho con có phương pháp học tập vui vẻ, thoải mái, hiệu quả, mà còn giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong việc đồng hành, định hướng cho con cái.
Dạy mãi mà con không hiểu; nói trước quên sau; học không tập trung… tâm lý của hầu hết cha mẹ là rất bực bội.
Trong trường hợp này, nhiều người thiếu kiên nhẫn, không kiểm soát tốt cảm xúc dẫn đến nổi nóng với con. Thấy con viết xấu, trả lời sai câu hỏi… họ lập tức quát mắng con. Điều này khiến đứa trẻ sợ hãi, thậm chí là bật khóc, còn phụ huynh cảm thấy bực bội.
Không quát mắng, nhưng nhiều phụ huynh lại đe dọa con, ví dụ như: “Nếu con không chăm chỉ làm bài tập con sẽ đứng bét lớp”, “Mẹ sẽ không cho con xem tivi, chơi với các bạn… nếu như con không làm xong bài tập”... Dọa nạt khiến con sợ, cuối cùng cha mẹ vẫn không nhận được kết quả như mong muốn.
Theo cô Nguyễn Thị Trường, thông thường, lý do khiến phụ huynh không kiểm soát được cảm xúc là bởi kỳ vọng vào con quá nhiều. Họ cho rằng chỉ cần dạy thoáng chốc là con sẽ hiểu bài.
Thực tế không như vậy dẫn đến tâm lý bực tức. Bên cạnh đó, có thể do cha mẹ tư duy vấn đề bậc cao nên khi giảng lại cho con, đứa trẻ không thể hiểu được cách làm của người lớn.
Trẻ mới tiếp xúc kiến thức, cần phải học đi học lại nhiều lần mới có thể nắm vững. Trẻ chưa thể tư duy như người lớn, vì vậy cha mẹ cần điều chỉnh nhận thức ngang tầm với con trong quá trình giảng bài. Việc cha mẹ thiếu kiên nhẫn ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Những đứa trẻ này thường có cảm giác sợ học, sợ phải trả lời câu hỏi, sợ sai… dẫn đến lười học, ngại tư duy.
Một sai lầm phổ biến khác được cô Trường nêu là khi kèm con học, cha mẹ can thiệp quá mức. Lúc này, phụ huynh không giống với người bạn đồng hành của trẻ. Nhiều cha mẹ còn lên kế hoạch học tập, yêu cầu con thực hiện mà không cho con sự lựa chọn. Sau đó, nếu con làm không đúng với kế hoạch, lập tức họ sẽ chỉ ra hàng loạt lỗi con mắc phải bằng thái độ bực bội. Phương pháp này chỉ khiến cha mẹ mệt mỏi, trẻ càng trở nên lười biếng, ỷ lại, thụ động.
Chính trẻ mới là người chịu trách nhiệm cho việc hoàn thành bài tập. Cha mẹ chỉ là người hỗ trợ, chứ không nên can thiệp quá mức. Việc nhìn chằm chằm mỗi khi con học, ngắt lời khi con trả lời sai chẳng những không giúp trẻ cải thiện điểm số, mà còn làm giảm khả năng tập trung, đồng thời gây áp lực lớn cho trẻ.
Do đó, cha mẹ cần gợi ý từng khâu rồi để trẻ tự làm. Ví dụ như việc chuẩn bị chu toàn mọi thứ khi ngồi vào bàn học. Bởi nhiều trẻ có thói quen làm việc khác khi đang học bài như uống nước, vệ sinh, tìm kiếm sách vở… Việc này làm giảm sự tập trung của trẻ và khiến cha mẹ khó chịu.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, cha mẹ hãy hướng dẫn con chuẩn bị chu toàn trước khi học, chỉ để con rời khỏi bàn học khi thật sự cần thiết. Điều này giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung, giúp chất lượng học tập cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, trong quá trình học, cha mẹ không nên để con nghịch điện thoại hay đồ chơi.
Loại bỏ thói quen phá vỡ hứng thú học tập
Ngoài những sai lầm kể trên, nhiều cha mẹ dễ mắc thói quen không tốt. Đó là trong thời gian con học, họ nói chuyện quá to hay ngồi xem tivi với tiếng loa quá lớn không chỉ làm trẻ mất tập trung, mà còn khiến trẻ cảm thấy đơn độc, ghen tỵ vì trong khi mọi người ngồi chơi thì trẻ lại phải học.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh thường so sánh con với các bạn khác và lấy đó làm cớ phê bình, chỉ trích con. Điều đó vừa làm cho con chán nản vì thua kém bạn bè vừa lo lắng mình không thể bằng các bạn.
Cha mẹ cũng cần lưu ý đến thái độ khi ứng xử với trẻ. Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Nhà văn hóa quận Thanh Xuân, chia sẻ: “Có bậc cha mẹ thích cho con học vẽ, nhưng khi bé khoe một bức tranh thì lại có thái độ hờ hững. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đối với trẻ. Bởi thái độ của cha mẹ rất quan trọng trong mắt con cái.
Nếu không để ý tới điểm này, người lớn sẽ tình cờ dập tắt sự ham học hỏi của bé. Khi trẻ làm tốt, nên khen ngợi, nhưng khi không tốt, cũng nên nhìn thấy tính sáng tạo của bé. Vì vậy, thường xuyên khích lệ bé, chứ không nên vì một lần thất bại mà phá vỡ hứng thú học hành của con”.
Cũng theo cô Hằng, nếu cha mẹ bắt trẻ học trong lúc bé đang thích thú đọc một quyển truyện hoặc xem một chương trình tivi, trẻ sẽ không vui thậm chí có thái độ phản kháng, học sẽ không hiệu quả. Do đó, nên điều chỉnh thời gian, đợi bé xem xong chương trình yêu thích rồi nhắc nhở đi học. Sau đó, cha mẹ cũng có thể tìm hiểu trước những thói quen và dành thời gian trước đó là thời gian học tập cho con.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên để con quậy phá trong kiểm soát. Có thể nói đây là phương pháp thú vị tạo được nhiều hứng thú cho trẻ trong học tập. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, cần thương lượng, hãy chắc chắn rằng trẻ không lại gần khu vực nguy hiểm như công tắc điện, ban công, không sử dụng các vật nhọn như dao, kéo. Bù lại con sẽ được bày bừa đồ đạc trong nhà, được nặn đất sét, tô màu theo ý thích. Dĩ nhiên mọi hoạt động của trẻ phải nằm trong tầm ngắm của người lớn.