Chuyên gia chia sẻ 3 bước đơn giản để vượt qua nỗi đau ly hôn

Sau ly hôn không thể tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, dằn vặt, tiếc nuối, hối hận... Để vượt qua nỗi đau ly hôn và đón nhận mối quan hệ mới, chuyên gia chỉ ra 3 bước mà bạn dễ thực hiện được.

Bất cứ ai khi bước vào hôn nhân đều có mong muốn được viên mãn và dài lâu, ai cũng muốn người chồng, người vợ đó sẽ là người cuối cùng nắm tay mình đi đến hết cuộc đời. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng trọn vẹn được như vậy. Đôi khi vì một sai lầm nào đó, vì một hành xử chưa đúng mực nào đó hay vì sự xuất hiện của một người thứ ba nào đó khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

Để đi đến quyết định ly hôn cả hai đều tổn thương và đau đớn. Sau ly hôn không thể không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, dằn vặt, tiếc nuối, hối hận...Cứ như vậy chúng ta đóng vai nạn nhân và khiến mình bị mắc kẹt mãi trong mối quan hệ đó. Vậy làm thế nào để vượt qua nỗi đau ly hôn để chữa lành cho bản thân và đón nhận những mối quan hệ mới.

Chuyên gia tâm lý Tuệ An đã chia sẻ 3 bước dưới đây:

1. Chấp nhận và nhìn lại mình

Dẫu bạn tiếc nuối thì một sự thật là cuộc hôn nhân đó đã kết thúc rồi, mọi thứ đã không thể quay lại được nữa. Vì thế nên bạn hãy chấp nhận thực tế, biết đâu sự kết thúc này lại mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cả hai thì sao? Bây giờ tập trung vào chính mình, chăm sóc bản thân, yêu thương và trân trọng những người bên cạnh.

Sau khi đá chấp nhận thực tế bạn cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình, hãy từ bỏ tư duy nạn nhân. Để hôn nhân đi đến bước đường không thể hàn gắn như hôm nay chắc chắn có một phần lỗi lầm của bạn. Bạn đã kiểm soát, trói buộc hay vô tâm bỏ bê đối phương, bạn có từng làm tổn thương người bạn đời, bạn có từng thử cố gắng thay đổi để hòa hợp với anh ấy/ cô ấy không…? Chính quá trình soi lỗi của bản thân đó sẽ giúp bạn rút được bài học kinh nghiệm và ngày một hoàn thiện bản thân hơn.

2. Tự chịu trách nhiệm và tự chữa lành

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hãy tự chịu trách nhiệm cho những quyết định và hành xử của bản thân. Đừng đổ lỗi cho người khác hay đổ lỗi cho ngoại cảnh. Nếu muốn phát triển bản thân, nếu muốn tương lai hạnh phúc và viên mãn thì việc đầu tiên cần làm là tự chịu trách nhiệm về tất cả vấn đề của mình. Vì chỉ khi tự chịu trách nhiệm bạn mới có đủ lý do và động lực để thay đổi.

Bạn chính là người thầy thuốc tốt nhất của mình, chỉ bạn mới biết mình bị đau ở đâu, đau như thế nào để tìm ra phương thuốc chữa lành hiệu quả nhất. Để tự chữa lành nỗi đau điều đầu tiên bạn cần làm là tha thứ, tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình nữa, không phải vì đối phương xứng đáng được tha thứ mà vì bản thân bạn xứng đáng được bình an. Nếu cứ dằn vặt oán trách nhau thì chính bạn là người đau lòng trước tiên. Ngoài tha thứ ra thì bạn cũng cần biết ơn, biết ơn biến cố ly hôn vừa rồi giúp cho mình thức tỉnh, nhận ra điều gì là quan trọng và quý giá trong cuộc sống.

3. Trưởng thành và hoàn thiện

Đi qua biến cố này bạn cần phải trưởng thành hơn, đây là một bài học kinh nghiệm rất lớn. Tương lai phía trước còn rất dài bạn vẫn phải sống. Ngoài hôn nhân và người bạn đời thì ta vẫn còn bố mẹ, còn con cái, còn công việc, các mối quan hệ bạn bè. Bạn không thể vì chuyện ly hôn của mình mà bỏ bê người thân không lo nữa, họ sẽ rất buồn. Người nên đi thì cũng đi rồi giờ bạn quay lại tập trung chăm lo cho những người còn ở lại.

Sau vấp ngã lần này bạn cũng phải hoàn thiện chính mình hơn, nâng cấp bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn của mình. Khi bạn nhận ra được thiếu sót và những điều chưa được của mình khi ứng xử với người bạn đời thì nên bắt đầu học kiến thức về tình cảm, hôn nhân và mối quan hệ. Đồng thời yêu thương, chăm sóc và nâng đỡ bản thân, khơi gợi và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của mình như: yêu thương, bao dung, lắng nghe, điềm tĩnh…

Ly hôn không phải là kết thúc cuộc sống, ly hôn là khép lại một mối quan hệ và để mở ra một cơ hội mới, một hành trình mới. Vì vậy hãy lau khô nước mắt rút ra bài học kinh nghiệm và dũng cảm bước về phía trước.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/chuyen-gia-chia-se-3-buoc-don-gian-de-vuot-qua-noi-dau-ly-hon-172211226082025995.htm