Chuyên gia chiến tranh Mỹ cảnh báo giật mình về đội tàu Trung Quốc

Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển hải quân đông nhất thế giới, một giáo sư công tác tại Trường Hải chiến Mỹ vừa cảnh báo giới hoạch định quân sự ở Washington: Trong chiến tranh trên biển, hạm đội lớn hơn gần như luôn thắng.

Tàu khu trục Type 54A của Hải quân Trung Quốc

Tàu khu trục Type 54A của Hải quân Trung Quốc

Các lãnh đạo Lầu Năm Góc xác định Trung Quốc là “mối đe dọa ngày càng lớn” của quân đội Mỹ. Trong khi đó, số lượng tàu chiến cho thấy quân đội Mỹ hiện nay không thể theo kịp tốc độ phát triển của Hải quân Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc vượt Hải quân Mỹ về số lượng từ năm 2020 và giờ đã có 340 tàu chiến, theo Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2022 mà Lầu Năm Góc công bố tháng 11/2022. Báo cáo ước tính đội tàu của Trung Quốc sẽ tăng lên 400 trong 2 năm tới.

Trong khi đó, đội tàu của Mỹ vẫn dưới 300, và mục tiêu của Lầu Năm Góc về việc tăng lên 350 tàu vào năm 2045 vẫn kém xa Trung Quốc, theo Kế hoạch điều hướng Hải quân Mỹ 2022 công bố mùa hè năm ngoái.

Để cạnh tranh, các lãnh đạo quân sự Mỹ đang dựa vào công nghệ.

Báo cáo trên cho rằng “thế giới đang bước vào kỷ nguyên chiến tranh kiểu mới, trong đó sự tích hợp công nghệ, khái niệm, đối tác và hệ thống, chứ không chỉ là số lượng tàu, sẽ quyết định chiến thắng nếu xung đột nổ ra”.

Theo ông Sam Tangredi, trưởng khoa nghiên cứu về chiến tranh tương lai tại Trường Hải chiến Mỹ, nếu rút ra bài học từ lịch sử, lợi thế về số lượng của Trung Quốc có thể sẽ đánh bại Hải quân Mỹ nếu hai nước xảy ra chiến tranh.

Nghiên cứu của Tangredi, đăng trên tạp chí của Viện Hải quân Mỹ tháng này, nhìn lại 28 cuộc chiến tranh trên biển, từ 500 năm trước Công nguyên đến những cuộc chiến tranh đại diện trong Chiến tranh Lạnh gần đây nhất. Kết quả là Tangredi chỉ thấy 3 ví dụ cho thấy công nghệ vượt trội có thể chiến thắng ưu thế về số lượng.

“Tất cả những cuộc chiến còn lại đều nghiêng về bên có số lượng áp đảo, hoặc khi lực lượng ngang nhau, chiến lược vượt trội hoặc tài chỉ huy sẽ quyết định”, Tangredi viết.

Ba ngoại lệ mà Tangredi tìm thấy là từ thế kỷ 11, 16 và 19, hầu như không quen thuộc với mọi người, còn lại đều cho thấy số lượng có thể đánh bại công nghệ.

Một ví dụ là các cuộc chiến tranh của Napoleon trong đầu những năm 1800. “Các chiến hạm Pháp vượt trội hơn về công nghệ thiết kế và chế tạo tàu, nhưng rút cục số lượng đông đảo tàu của Hải quân hoàng gia Anh đã ngăn Napoleon vượt qua kênh biển Anh”, Tangredi viết.

Một tàu khu trục hộ tống của Mỹ năm 1944. (Ảnh: Getty)

Một tàu khu trục hộ tống của Mỹ năm 1944. (Ảnh: Getty)

Trong Thế chiến 2 trên Thái Bình Dương, công nghệ của Nhật Bản vượt trội hơn Mỹ.

“Nhật bước vào cuộc chiến với những công nghệ vượt trội: Máy bay chiến đấu Zero, ngư lôi Long-Lance và ngư lôi có thể tấn công vùng nước nông. Tuy nhiên, chính sức mạnh tổng thể của ngành công nghệ Mỹ và quy mô hạm đội Mỹ (nhất là các tàu đổ bộ và hậu cần) đã giúp Mỹ chiến thắng Hải quân Nhật”, Tangredi viết.

Alessio Patalano, một giáo sư về chiến tranh và chiến lược tại Trường King’s College ở London, khen ngợi nghiên cứu của Tangredi. “Nghiên cứu của ông ấy là cách rất tốt để bác bỏ giả định ngốc nghếch rằng số lượng không quan trọng trong chiến tranh trên biển”, Patalano nói.

Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh 2 điểm.

Số lượng hơn nghĩa là có nhiều chỉ huy hơn đang tìm cách giành được lợi thế so với kẻ thù.

“Hạm đội lớn hơn thường cạnh tranh hơn, trong huấn luyện nhân lực và phát triển năng lực hoạt động”, GS Patalano đánh giá.

Tangredi cũng xem xét số lượng tàu sân bay. Trong Thế chiến 2, cả Mỹ và Nhật đều bước vào cuộc chiến với 8 tàu sân bay. “Trong chiến tranh, Nhật chế tạo 18 tàu tương đương tàu sân bay, còn Mỹ làm 144 chiếc. Trừ khi Mỹ quyết định không đánh, nếu không Nhật Bản không bao giờ có cơ hội”, ông viết.

Đóng tàu là thế mạnh của Mỹ trong những năm 1940, giờ điều đó thuộc về Trung Quốc. “Hầu hết các nhà phân tích nghi ngờ ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ hiện nay có thể mở rộng nhanh chóng để đáp ứng được nhu cầu thời chiến”, Tangredi viết.

Hiện nay có những lo ngại rằng ngành công nghiệp của Mỹ không thể đáp ứng được số lượng vũ khí mà Ukraine cần để chống lại Nga, trong khi phải duy trì số lượng vũ khí dự trữ của Mỹ ở mức phù hợp.

Tuần trước, Đô đốc Daryl Caudle, chỉ huy Bộ Tư lệnh hạm đội Mỹ, kêu gọi các ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ mở rộng năng lực, vì họ “không cung cấp đủ vũ khí mà chúng tôi cần”.

Tại một diễn đàn trực tuyến diễn ra tuần trước, Đô đốc Hải quân Mỹ Mike Gilday cũng nhấn mạnh vấn đề số lượng mà Mỹ đang đối mặt nếu xung đột nổ ra ở Thái Bình Dương.

“Hải quân Mỹ sẽ không thể bắt kịp tên lửa của quân đội Trung Quốc”, ông Gilday nói.

Và nếu Hải quân Mỹ không thể sánh với Trung Quốc về tên lửa hay tàu, Tangredi băn khoăn rằng Washington có thể tìm lợi thế ở đâu.

“Các lãnh đạo Mỹ phải tự hỏi họ rằng họ sẵn sàng đánh cược vào công nghệ ở mức độ nào, nếu không có ưu thế vượt trội về số lượng trong chiến đấu”, ông viết.

Bình Giang

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-chien-tranh-my-canh-bao-giat-minh-ve-doi-tau-trung-quoc-post1503939.tpo